Xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến khẳng định, việc thực hiện Quy định 144 -QĐ/TW tại Đảng bộ TPHCM không chỉ là nhiệm vụ xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, mà còn là một phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị… Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM Nguyễn Bùi Bích Châu cho rằng, với 5 điều quy định vừa toàn diện, vừa cụ thể, dễ nhớ, dễ thực hiện và cũng dễ kiểm tra, giám sát, Quy định số 144 -QĐ/TW chính là văn kiện quan trọng thể hiện tư duy đổi mới, bám sát tình hình thực tiễn, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đề ra trong giai đoạn mới. Đây là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới; là cơ sở soi chiếu để lựa chọn được những cán bộ, đảng viên đủ đức, đủ tài phục vụ nhân dân, phụng sự sự nghiệp phát triển đất nước.
Đồng chí Nguyễn Bùi Bích Châu phát biểu tại buổi tọa đàm. Theo TS Nguyễn Văn Đạo, Trường Đại học Văn Lang (Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM) thông qua các giải pháp như nâng cao nhận thức, xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ, khuyến khích sự sáng tạo trong triển khai và đảm bảo sự đồng bộ với các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, Quy định số 144 -QĐ/TW sẽ giúp ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, những biện pháp này cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của TPHCM, đảm bảo đội ngũ cán bộ vừa có đạo đức, vừa có năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
TS Nguyễn Văn Đạo phát biểu tại tọa đàm Từ kết quả thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW tại địa phương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Nhà Bè Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ, một trong những nội dung được huyện triển khai thực hiện quy định này là kết hợp chặt chẽ việc học tập và làm theo Bác với giải quyết các vụ việc nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân. Đồng thời, huyện cũng gắn việc học tập và làm theo Bác với các cuộc vận động, phong trào thi đua của các cấp, các ngành, đoàn thể. Huyện cũng lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, phân loại đảng viên, tổ chức Đảng hằng năm. Các cơ quan, đơn vị xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Trong đó, Ban Thường vụ Huyện ủy giao UBND huyện tham mưu triển khai thực hiện các chuẩn mực về đạo đức công vụ, tiếp công dân, cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước, từ huyện đến xã; bí thư cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc huyện xây dựng hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở cơ quan, đơn vị mình và triển khai áp dụng.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn phát biểu tại tọa đàm. TS Trần Văn Thắng, Đảng ủy viên, Trưởng Phòng Tổ chức - Cán bộ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, trên cơ sở quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương, trường đề xuất bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên của trường gồm 8 tiêu chí, tiêu chuẩn. Cụ thể là yêu nước, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; bản lĩnh chính trị vững vàng; chính trực, liêm khiết và trong sạch; tinh thần trách nhiệm và gương mẫu; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của quần chúng; phát huy tinh thần đoàn kết và tương trợ; không ngừng học tập, nâng cao trình độ; tinh thần sáng tạo, đổi mới trong công tác. “Đây không chỉ là nền tảng giúp mỗi cá nhân hoàn thiện bản thân mình mà còn góp phần xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, là cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng mà trường đã đề ra” - Tiến sĩ Trần Văn Thắng chia sẻ.
TS Trần Văn Thắng phát biểu tại buổi tọa đàm. Tăng cường cơ chế phản hồi từ phía nhân dân
Bên cạnh những kinh nghiệm, những cách làm trong triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn quy định này trong thời gian tới. Trình bày tham luận “Đề xuất bổ sung và triển khai chuẩn mực đạo đức cách mạng “trọng nghĩa, bao dung, năng động, tiên phong, thực tế” của cán bộ, đảng viên TPHCM trong giai đoạn mới” TS Nguyễn Văn Đạo cho rằng, để các chuẩn mực đạo đức “trọng nghĩa, bao dung, năng động, tiên phong, thực tế” thực sự trở thành chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên TPHCM, cần triển khai và hiện thực hóa một cách toàn diện, đồng bộ và gắn với thực tiễn. Những chuẩn mực đạo đức này sẽ được thực hiện song song với 5 điều chuẩn mực đạo đức cách mạng theo Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Ba giải pháp chính để hiện thực hóa các chuẩn mực đạo đức này gồm: xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cách mạng toàn diện; hoàn thiện cơ chế đánh giá và giám sát chặt chẽ; đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và tạo môi trường làm việc lành mạnh.
Đề xuất một số giải pháp cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW trong thời gian tới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Cần Giờ Nguyễn Thị Phương Kiều nhấn mạnh đến việc chỉ đạo cụ thể hóa nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị; nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện. Việc xây dựng, hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị phải được thực hiện thường xuyên, đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Đối với việc hoàn thiện cơ chế đánh giá và giám sát chặt chẽ, TS Nguyễn Văn Đạo cho rằng, việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng phải gắn liền với các chuẩn mực đạo đức đã được đề ra. Đánh giá cán bộ, đảng viên không chỉ dựa trên kết quả công việc mà còn phải chú trọng đến thái độ, hành vi đạo đức trong quá trình làm việc và giao tiếp với đồng nghiệp, nhân dân. Bộ tiêu chí đánh giá này cần được thống nhất và áp dụng ở mọi cấp bậc, tạo ra một hệ thống chuẩn mực chung để mọi người có thể hướng tới và phấn đấu. Bộ tiêu chí cũng giúp bảo đảm sự đánh giá không mang tính chủ quan, mà được xây dựng trên những cơ sở rõ ràng và minh bạch. Ngoài việc đánh giá nội bộ, cần tăng cường cơ chế phản hồi từ phía nhân dân, những người trực tiếp được hưởng lợi từ các hoạt động của cán bộ. Phản hồi từ phía nhân dân vừa giúp làm rõ mức độ hiệu quả của công tác phục vụ vừa đóng vai trò là một công cụ giám sát quan trọng.
Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị phải nhận thức sâu sắc, nêu cao tinh thần trách nhiệm; nghiêm túc, gương mẫu, tự giác và trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, thực hiện chỉ đạo quán triệt, tuyên tuyền, triển khai Quy định số 144-QĐ/TW gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hố Chí Minh và các quy định về trách nhiệm nêu gương, các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII. Kiên quyết, kiên trì, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đầy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Từ góc độ của một cơ sở giáo dục, Thạc sĩ Đào Vũ Hoàng Nam, Đảng ủy viên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và đội ngũ giảng viên ở các trường đại học nói riêng đang là yêu cầu có tính cấp thiết, nhằm góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. “Cùng với chuyên môn giỏi, mỗi giảng viên cần có ý thức tu dưỡng đạo đức, giữ gìn danh dự, nhân ái, bao dung đối với học trò, hòa nhã, đúng mực. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, nhà giáo phải có bản lĩnh vững vàng, tâm huyết với nghề, hết lòng hết sức cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Muốn vậy, phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp” - Thạc sĩ Đào Vũ Hoàng Nam chia sẻ.
Thạc sĩ Đào Vũ Hoàng Nam phát biểu tại tọa đàm.