Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024

ĐB Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể ở hội trường, về: phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Thảo luận về nội dung này, một số ĐB đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm từ quyết toán ngân sách. Theo đó, cần nhìn nhận lại việc quyết toán ngân sách để rút ra bài học kinh nghiệm, đặc biệt là về những nội dung tồn đọng kéo dài trong nhiều năm, cần có giải pháp chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện chính sách của nhà nước. Rà soát kỹ lại số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản, phân tích các nguyên nhân làm phát sinh lớn số nợ đọng xây dựng cơ bản, có phương án xử lý cũng như làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương khi vi phạm hành vi cấm trong Luật Đầu tư công.

Về nội dung chống lãng phí, ĐB Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) đề nghị khắc phục tình trạng lãng phí trong chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật. ĐB chỉ ra rằng, đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù đã được cải thiện dần nhưng chưa đạt như mong muốn, dù cả Quốc hội và Chính phủ luôn đặt trọng tâm ưu tiên về công tác hoàn thiện thể chế. ĐB Lý Thị Lan (Hà Giang) cũng đề nghị cần đánh giá rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, lãng phí. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết gây lãng phí cơ hội thực hiện các chương trình, dự án, cũng là lãng phí cơ hội của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong việc thụ hưởng các chính sách của nhà nước.

Quốc hội chiều 1/6 Quốc hội chiều 1/6

Cùng chung mối quan tâm, ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt được thực hiện hiệu quả, gây lãng phí lớn. Bên cạnh đó, lãng phí trong cải cách thủ tục hành chính, các địa phương, bộ ngành phát sinh thủ tục mới. ĐB đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì với các cơ quan của Quốc hội ngay trong năm 2024 thực hiện giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách pháp luật của cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức trong năm 2022” trên phạm vi cả nước. ĐB cũng đề nghị Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường thực hiện chức năng giám sát, chất vấn, tái chất vấn và yêu cầu giải trình nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo.

Đáng chú ý, tại diễn đàn Quốc hội, ĐB Trần Văn Khải kêu gọi toàn thể các công chức trên cả nước hãy chuyển biến thật nhanh, theo kịp tình hình, bằng tác phong phục vụ hãy hành động bằng mong muốn, khát khao đưa bộ ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, quê hương mình phát triển đột phá cùng đất nước vượt qua khó khăn, phát triển nhanh và bền vững.

Các ý kiến ĐB cũng nhấn mạnh đến việc lãng phí niềm tin của Nhân dân…

Về nội dung giảm thuế VAT, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT nhằm giúp doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống trong khi kinh tế gặp nhiều thách thức. ĐB đề nghị rà soát, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT; đề nghị áp dụng mức thuế xuất VAT 8% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách của nhà nước từ lĩnh vực này. Việc áp dụng thuế VAT 8% mặc dù gây hụt thu ngân sách 2% so với hiện hành nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, cùng với nhiều loại thuế, vì vậy nếu kích cầu từ việc giảm này tổng mức thuế thu được từ chiếc xe sẽ vượt mức 2% giảm thuế VAT.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cũng đồng tình giảm thuế VAT, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm VAT tăng 2% đến hết năm 2024 nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức. Nếu chỉ giảm từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Chính sách ban hành cần có một khoảng thời gian đủ để đảm bảo có thể hấp thụ, đưa chính sách đi vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại.

Bên cạnh đó, ĐB Trần Chí Cường cũng cho rằng, cần có các chính sách khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm tạo ra những chính sách đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và toàn diện hơn, không chỉ hoạt động dịch vụ tiêu dùng mà ngay cả hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhất là tháo gỡ những khó khăn từ chi phí đầu vào trong sản xuất cho đến việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho đầu ra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo