Đáng chú ý, đại biểu (ĐB) Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, theo dự kiến, đến năm 2025, GDP nước ta vào khoảng 500 tỷ USD, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng đều 7%/năm, đến năm 2035, GDP nước ta sẽ vào khoảng 1.000 tỷ USD, định hướng đến năm 2045 đạt mốc 5.000 tỷ USD để trở thành nước thu nhập cao, phá bẫy thu nhập trung bình. Để thoát được bẫy này, có nhiều công cụ về các khía cạnh như lao động, tái cơ cấu, đầu tư phát triển, tuy nhiên chúng ta chưa quan tâm đúng mức các khía cạnh này. Theo ĐB, tuy chúng ta đang duy trì tăng trưởng gần 7%/năm, nhưng chưa đạt được yếu tố bền vững, vì vẫn dựa vào động lực của FDI.
Quốc hội ngày 5/11 “Hiện nay, các ĐB lo tăng trưởng chưa bền vững, thu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, trong khi FDI xuất siêu nhiều, còn doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu lớn, khiến tăng trưởng không bền vững. Nếu muốn duy trì nhịp độ phát triển bền vững, cần dựa vào các nguồn lực phát triển trong nước” - ĐB Nguyễn Quang Huân phát biểu.
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng trăn trở, đất nước đang dồn lực cho phát triển, nguồn ngân sách ai cũng biết là còn rất eo hẹp, chúng ta vẫn đang phải đi vay không ít cho đầu tư phát triển, dự kiến năm tới cần vay đến hơn 815.000 tỷ đồng. Thế nhưng, có những vấn đề về chính sách tài khóa, tiền tệ chưa được quan tâm thấu đáo, giải quyết rốt ráo, trong đó có vấn đề liên quan đến các quỹ tài chính nhà nước, tập trung vào định chế bảo hiểm xã hội Việt Nam. ĐB nêu, tổng số dư đầu năm 2024 của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý là khoảng 1,42 triệu tỷ đồng, trong đó chủ yếu là số dư của 3 quỹ, gồm Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm y tế, do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, chiếm gần 91% tổng số dư các quỹ. ĐB Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi: vấn đề là cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của khối nguồn vốn gần 1,3 triệu tỷ đồng trên của Bảo hiểm xã hội thế nào? Khả năng bảo toàn và sinh lời của chúng ra sao? Sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của cơ quan Bảo hiểm xã hội có được hoàn thành?
Ảnh Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc Còn theo ĐB Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre), năm 2024, thu ngân sách dự kiến tăng 10%, trên cơ sở đó, Chính phủ dự kiến năm 2025 thu ngân sách tăng 5% so với 2024. ĐB đề nghị hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi nhanh để bảo đảm các địa phương thu ngân sách đủ, vì năm 2024, còn 26 tỉnh thành khó khăn do bão số 3. Do đó, các nhóm chính sách, trong đó có tài khóa cần hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp, vì chính họ là đối tượng giúp thu ngân sách ổn định. ĐB cũng cho rằng, phải nâng dần tỷ lệ thu nội địa, không nên dựa mãi vào thu từ sử dụng đất.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, nếu cứ để cho các bệnh viện và các trường đại học tự chủ, không phải chỉ tính khấu hao để tái đầu tư và bù đắp chi thường xuyên, mà phải tự lo, tự xoay (tự đi vay vốn, tự lo trả lãi và trả vốn) hậu quả người bệnh và người học phải gánh chịu với chi phí dịch vụ cao, nghĩa là thành cơ chế thị trường, không còn là định hướng XHCN. Do vậy, ĐB đề nghị cần cân nhắc lại việc phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đầu tư cho các cơ sở y tế và giáo dục, ít nhất phải đủ đầu tư xây dựng và trang bị cơ sở vật chất ban đầu, sau đó giao cho các trường, các bệnh viện tự chủ: tự lo khấu hao để tái đầu tư và bù đắp chi phí thường xuyên. Chỉ có như vậy, các cơ sở y tế, giáo dục mới thực hiện tự chủ đúng nghĩa, người bệnh và người học không phải gánh chịu những chi phí cao.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu. Đồng thời tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn nhà nước; xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp để tạo động lực tăng trưởng.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách. Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ chi thường xuyên. Hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển. Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ĐB thống nhất năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; trong nước cũng gặp khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước có nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách ước vượt 10,1% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng mức lương cơ sở, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ kết quả thực hiện ngân sách, chính sách tài khóa năm 2025 đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, do đó các ĐB đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu chi ngân sách nhà nước; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước; cải thiện công tác lập kế hoạch dự toán, nhất là dự toán thu; kịp thời phân bổ giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công. Đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tiêu cực…