Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 1/4, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý cho Chương trình “Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản tại Đại học Quốc gia TPHCM đạt trình độ tiên tiến, ngang tầm khu vực và thế giới giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2045”. Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 60 nhà khoa học, chuyên gia giáo dục của Đại học Quốc gia TPHCM.
Theo đó, mục tiêu của chương trình là đưa nghiên cứu khoa học cơ bản trở thành nền tảng phát triển kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia, ươm mầm nhân tài khoa học, là tiền đề cho các phát minh và làm chủ công nghệ chiến lược, đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại và nền văn hóa Việt Nam. Đến năm 2030, các ngành Toán học, Vật lý, Hóa học, Khoa học môi trường, Kinh tế, Quản lý, Ngôn ngữ thuộc top 100-150 thế giới; các ngành Sinh học, Khoa học trái đất thuộc top 200-250 thế giới theo bảng xếp hạng QS.
PGS.TS. Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết trong những năm qua, đơn vị đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong nghiên cứu và đào tạo các ngành khoa học cơ bản và khoa học liên ngành. Riêng trong năm 2024, Đại học Quốc gia TPHCM có hơn 3.000 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó có hơn 45% thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản.
Đại học Quốc gia TPHCM là đơn vị dẫn đầu cả nước về số chương trình đào tạo được xếp hạng thế giới (18 chương trình được xếp hạng, trong đó có 15 chương trình được xếp trong top 500 thế giới, trong số này với nhiều chương trình thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản); 154 chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế.
Bày tỏ mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục của Đại học Quốc gia TPHCM sẽ đóng góp ý kiến Chương trình “Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản tại Đại học Quốc gia TPHCM đạt trình độ tiên tiến, ngang tầm khu vực và thế giới giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2045, PGS.TS. Vũ Hải Quân cho biết, các ý kiến tại tọa đàm sẽ được tổ soạn thảo tiếp thu và hoàn thiện chương trình, sớm trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.