Đến dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Trần Kim Yến; Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Nguyễn Trần Phượng Trân; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Phạm Minh Tuấn; Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Nguyễn Văn Vũ; Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Nguyễn Tăng Minh.
Phát động tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Trịnh Thị Thanh cho biết, việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam là nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh rủi ro pháp lý do thiếu hiểu biết; là thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế hình ảnh một nước Việt Nam thượng tôn pháp luật; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.
Theo đồng chí Trịnh Thị Thanh, trong các chế định pháp luật, Bình đẳng giới cũng là một nội dung quan trọng luôn được quan tâm. Qua 7 năm triển khai “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” được tổ chức hằng năm từ ngày 15/11 đến 15/12 trên phạm vi toàn quốc và hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ ngày 25/11, đã có hàng triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Đồng chí Trịnh Thị Thanh cho biết, trong nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP và các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động, đợt cao điểm truyền thông nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân về bình đẳng giới; chủ động cam kết và có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để xây dựng một xã hội bình đẳng, không có bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân tham gia; các hoạt động đối thoại về chính sách, pháp luật hay các chương trình, chuyên mục, trò chơi tìm hiểu pháp luật, phổ biến pháp luật thông qua mạng xã hội… đã giúp cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng, tiện lợi.
Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm, nhân Ngày Pháp luật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM Trịnh Thị Thanh đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật; tăng cường các hoạt động thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi trong mỗi người dân, nhất là thay đổi những quan niệm lạc hậu, những định kiến giới và hành vi bạo lực trên cơ sở giới.
Đồng thời, có giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện Luật bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Bên cạnh đó, phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, từ những hạt nhân nòng cốt này sẽ lan tỏa giá trị tích cực, củng cố niềm tin, tăng sự đồng thuận của nhân dân với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Với thông điệp Bình đẳng giới góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn và an sinh xã hội của mỗi cá nhân, gia đình, đồng chí Trịnh Thị Thanh kêu gọi mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội hãy tích cực hành động ngăn chặn và lên tiếng tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại; cùng nhau hướng đến một xã hội không còn bất bình đẳng giới.
Đối với chị em phụ nữ và trẻ em gái, đồng chí Trịnh Thị Thanh yêu cầu cần xóa bỏ mặc cảm, tự ti bản thân, tiếp thu kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình và hãy dũng cảm lên tiếng khi bị phân biệt đối xử, xâm hại, bạo lực. Điều quan trọng hãy nỗ lực phấn đấu nhiều hơn trong học tập, lao động để hướng đến bình đẳng giới thực sự, nhất là trong điều kiện nền kinh tế đất nước đang có nhiều khó khăn, mỗi gia đình, mỗi phụ nữ cần cố gắng để làm chủ cuộc sống.
Tại lễ phát động, các đại biểu hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.