Thứ Hai, ngày 17 tháng 3 năm 2025

Đảm bảo bộ máy hành chính vận hành linh hoạt, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hơn

Quang cảnh hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn)- Chiều 7/2, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho 4 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.

Cần có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hà Phước Thắng cho biết, các dự án luật này sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, vào trung tuần tháng 2/2025. Tại kỳ họp bất thường, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các luật và nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị. Đây là những nội dung rất quan trọng liên quan đến việc khơi thông thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.

Góp ý về Luật tổ chức Quốc hội, các đại biểu cho rằng, cần quan tâm đến nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ…

PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Thanh thiếu niên - Nhi đồng Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực của Thủ tướng và các bộ trưởng. Thực tế sau đại dịch Covid-19, một loạt các sai phạm nghiêm trọng xảy ra trong quản lý, điều hành, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến đấu thầu, mua sắm công, y tế, giáo dục. “Đây là bài học cho thấy nếu không có một hệ thống kiểm soát quyền lực đủ mạnh, nguy cơ lạm dụng, vi phạm sẽ tiếp tục xảy ra.”- PGS-TS Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Đối với giám sát tài chính và sử dụng ngân sách nhà nước, PGS-TS Phan Thanh Bình đề xuất cần phải có quy định bắt buộc công khai tài chính đối với các khoản chi lớn của Chính phủ. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo việc sử dụng ngân sách đúng mục đích, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí và tham nhũng.

Trao đổi thêm về giám sát tài chính và sử dụng ngân sách nhà nước, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, nguyên Phó trưởng Đoàn chuyên trách  Đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, khi sửa luật phải sửa căn bản; Quốc hội phải kiểm soát ngân sách nhà nước. Trong đó, cần có quy định quy trình kiểm soát ngân sách một cách chặt chẽ.

Góp ý về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), PGS-TS Phan Thanh Bình cho rằng, cần cải thiện tính minh bạch trong các quyết định, điều hành của Chính phủ, đặc biệt đối với Văn phòng Chính phủ. Đây được xem là một "siêu bộ", có vai trò điều phối, tham mưu và tổ chức thực hiện các quyết sách quan trọng. Vì vậy, PGS-TS Phan Thanh Bình cho rằng, cần có cơ chế giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của Văn phòng Chính phủ.

Một số ý kiến cho rằng, cần phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền mạnh hơn về đầu tư cho địa phương và Quốc hội chỉ là thông qua những dự án lớn, có liên quan đến quốc phòng, an ninh, liên quan đến môi trường, đất nông nghiệp…

Đồng chí Trần Du Lịch góp ý các dự án luật. Đồng chí Trần Du Lịch góp ý các dự án luật.

Chính quyền địa phương cần mang tính đột phá

Góp ý về Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, Dự thảo, cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm giám sát, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương. Theo các đại biểu, phân quyền xác lập theo luật định, là mức độ cao nhất trong xác lập thẩm quyền cho chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương căn cứ vào luật để thực hiện thẩm quyền được giao. Tuy nhiên, việc thực thi luật cần có sự hướng dẫn từ các cơ quan nhà nước cấp trên. Nếu xác lập cơ quan nhà nước cấp trên có trách nhiệm giám sát, kiểm tra về tính hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì cần xác lập luôn trách nhiệm phải hướng dẫn để chính quyền địa phương có cơ sở đảm bảo tính hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn.

PGS-TS Phan Thanh Bình cũng kiến nghị làm rõ cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương. Hiện nay, đã có các quy định về phân cấp quản lý, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Do vậy, PGS-TS Phan Thanh Bình cho rằng, cần thiết lập một cơ chế đánh giá năng lực của chính quyền địa phương, gắn liền với trách nhiệm giải trình của các cấp lãnh đạo địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý.

Góp ý về Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính quyền địa phương cần mang tính đột phá, đề xuất những cải cách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu. Cụ thể, trong Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) cần có quy định hướng đến việc tổ chức Ủy ban hành chính, trước mắt có thể quy định thí điểm ở các địa phương đang tổ chức thực hiện chính quyền đô thị.

Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, khi thực hiện mô hình Ủy ban hành chính sẽ giúp xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng giữa HĐND và UBND. Đồng  thời, đảm bảo bộ máy hành chính vận hành linh hoạt, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hơn.

PGS-TS Phan Thanh Bình góp ý các dự án luật. PGS-TS Phan Thanh Bình góp ý các dự án luật.

Do đó, đồng chí Phạm Phương Thảo cho rằng, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho Chính phủ và UBND cấp tỉnh trong việc quyết định danh mục đầu tư dự án. Điều này sẽ giúp địa phương chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn quy trình phê duyệt, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án quan trọng. “Việc Quốc hội chỉ xem xét thông qua các siêu dự án có tính chất đặc biệt như liên quan đến quốc phòng, an ninh, môi trường là hợp lý, giúp Quốc hội tập trung vào các vấn đề vĩ mô; đồng thời, tăng tính tự chủ cho Chính phủ và địa phương.”- đồng chí Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.

Góp ý về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đa số các đại biểu cho rằng, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện phản biện xã hội, bao gồm cả việc công bố kết quả phản biện và trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình về việc tiếp thu ý kiến phản biện. Theo các đại biểu, việc quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bên giúp tăng cường vai trò của hoạt động phản biện xã hội trong quá trình xây dựng pháp luật. Ở chiều ngược lại, việc quy định rõ hơn trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đảm bảo các ý kiến phản biện được xem xét một cách nghiêm túc.

Góp ý về đánh giá tác động chính sách, các đại biểu cho rằng, cần bổ sung các tiêu chí cụ thể để đánh giá tác động chính sách, đặc biệt là tiêu chí về quyền con người.

Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác nghiên cứu chính sách, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4, đồng thời giúp giảm thiểu thời gian và chi phí, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận và minh bạch trong quá trình xây dựng pháp luật.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo