Quang cảnh dự thảo góp ý dự án Luật. (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 1/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS). Đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.
Dự thảo Luật Công nghiệp CNCNS gồm 8 chương, 73 điều, được quy định về CNCNS, bao gồm: hoạt động CNCNS; phát triển CNCNS; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến CNCNS. Luật này không quy định về hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho quốc phòng, an ninh, hoạt động cơ yếu để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số; khái niệm tài sản số; tiêu chuẩn, kỹ thuật trong công nghiệp số;…
Góp ý về cung cấp, sử dụng sản phẩm công nghệ số vào mục đích lôi kéo, phân biệt đối xử, xâm phạm quyền riêng tư, các đại biểu cho rằng, do hệ thống trí tuệ nhân tạo là một loại sản phẩm công nghệ số nên các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công nghiệp, công nghệ số cần được áp dụng chung đối với toàn bộ sản phẩm công nghệ số.
Về chính sách ưu đãi, các đại biểu cho rằng, cần quy định rõ các chính sách ưu đãi để kịp thời hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu thực tế. Trong đó, có quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với một số dự án có tính đặc thù; các ưu đãi về chính sách thuế;… Các chính sách ưu đãi phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, khả thi cho ngành CNCNS, tránh trùng lắp.
Đối với cơ chế thử nghiệm, có ý kiến đề nghị cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh các địa phương, các bộ ngành nhằm tăng cường tính chủ động và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, cần rà soát, hoàn thiện cơ chế bảo vệ cơ quan, cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến thử nghiệm khi thực đúng, đủ các quy định về thử nghiệm trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan.
Góp ý về tài sản số, đại biểu Nguyễn Hữu Tuấn - đại diện Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội cho rằng, tài sản số được sinh ra cùng với sự phát triển của công nghệ số như các tài khoản trực tuyến, tài khoản email, tài khoản mạng xã hội,... Theo đại biểu Nguyễn Hữu Tuấn, việc pháp luật công nhận tài sản số là một loại tài sản không chỉ bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan mà còn tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghệ số và nền kinh tế số.
“Tuy nhiên, để tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc cho các hoạt động liên quan đến tài sản số; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành CNCNS phát triển mạnh mẽ. Do vậy, dự án luật cần quy định thêm các nguyên tắc cơ bản về tài sản số, làm nền tảng cho việc thực hiện các giao dịch, chuyển quyền và bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng tài sản số” - đại biểu Nguyễn Hữu Tuấn nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Tuấn, cần xác định rõ quyền sở hữu và cơ chế quản lý tài sản số trong môi trường công nghệ chuỗi khối, bao gồm cả việc xác nhận và bảo vệ quyền sở hữu của người sở hữu tài sản số, quy định các tiêu chuẩn và quy trình xác thực, chứng nhận về tính chính xác và hợp pháp của tài sản số, để giúp ngăn ngừa gian lận và tranh chấp liên quan đến tài sản số.
Đại biểu Nguyễn Hữu Tuấn cũng đề nghị dự án Luật cần đưa ra các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và các bên liên quan, như chính sách bồi thường và giải quyết tranh chấp khi có tranh chấp liên quan đến tài sản số. Bên cạnh đó, các biện pháp để quản lý rủi ro và đảm bảo an ninh thông tin cho các giao dịch liên quan đến tài sản số, nhằm bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân của người dùng.
Ngoài ra, cần đảm bảo khung pháp lý vững chắc cho loại hình tài sản số nhằm hạn chế những rủi ro trong giao dịch tài sản số nói riêng và các vấn đề khác liên quan đến tài sản số nói chung được thực hiện một cách minh bạch, an toàn và hiệu quả.
Một số ý kiến đề xuất bổ sung mô hình kinh doanh mới như: mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng dữ liệu số…