Thứ Sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024

Dấu ấn Trần Văn Giàu trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định

Giáo sư, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu. Ảnh tư liệu

(Thanhuytphcm.vn) - Cách nay 75 năm, vào mùa thu năm 1945, Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định cùng cả nước sục sôi khí thế cách mạng như những đợt sóng vỗ bờ đã cuốn phăng ách thống trị của thực dân, phong kiến, làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Cách mạng Tháng Tám thành công ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định có tính quyết định thắng lợi của Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa trong cách mạng Tháng Tám trên phạm vi cả nước thành công trọn vẹn, đưa đến sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thay đổi vị trí của nước ta từ thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất. Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định có những điểm chung với cả nước, tiêu biểu là ở Hà Nội, Huế, đồng thời có nhiều đặc thù phản ánh bối cảnh, điều kiện của một vùng lãnh thổ xa Trung ương, không nắm được sự chỉ đạo chung. Qua đó, phản ánh tính năng động, sáng tạo của Xứ ủy Nam bộ với người đứng đầu là Bí thư Trần Văn Giàu. Dấu ấn sâu đậm của Trần Văn Giàu trong cách mạng Tháng Tám là sự kiên quyết với trí tuệ sáng suốt của một thủ lĩnh cách mạng, khôn khéo, nhạy bén, đầy sáng tạo của một chiến lược gia.

Trước hết là sự lựa chọn và quyết định chiến lược đúng đắn, phương pháp phù hợp với chiến trường đô thị xa Trung ương và mới hồi phục sau tổn thất nặng nề trong Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Khi chiến tranh thế giới kết thúc, Đức, Nhật đầu hàng đồng minh, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ đứng đầu là Bí thư Trần Văn Giàu thấy rằng thời cơ khởi nghĩa đã đến. Trong điều kiện mất liên lạc với Trung ương, không nhận được Chỉ thị khởi nghĩa, không nắm rõ tình hình ở Bắc và Trung, nhưng với kiến thức có được qua những năm nghiên cứu, hoạt động cách mạng, với khả năng phân tích thực tiễn, Trần Văn Giàu đã thấy được thời cơ “trăm năm có một ngày”, nên đã cùng Thường vụ Xứ ủy lập Ủy ban Khởi nghĩa ngay tối 15 tháng 8 và triệu tập Hội nghị Xứ ủy để phát lệnh khởi nghĩa và chỉ định Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ.

Chúc mừng Giáo sư Trần Văn Giàu 95 tuổi. Ảnh tư liệu Chúc mừng Giáo sư Trần Văn Giàu 95 tuổi. Ảnh tư liệu

Sau này ông Giàu kể, rút kinh nghiệm từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Xứ Ủy cần có quyết định tập thể và để “chắc ăn” còn mời thêm 3 cây lý luận đàn anh – Nguyễn Văn Tạo (ở Rạch Giá lên), Bùi Công Trừng (ở Huế mới vào) và Nguyễn Văn Nguyễn cùng dự. Kịch bản Trần Văn Giàu đưa ra là Hội nghị Xứ ủy diễn ra chiều tối 16/8 ở chợ Đệm, sáng 17/8 kết thúc và tối 18/8 là “bấm nút” khởi nghĩa ở Sài Gòn, sáng 19/8 có một cuộc biểu tình vũ trang lớn của nhân dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận để “phê chuẩn” danh sách Lâm ủy Hành chính Nam bộ do Hội nghị Xứ ủy đề xuất và sau đó là khởi nghĩa ở các tỉnh Nam bộ. Song, Bùi Công Trừng và Nguyễn Văn Nguyễn phản đối chủ trương khởi nghĩa với lý do cần tính toán đến tương quan lực lượng, nhất là đối với quân Đồng minh (Anh, Pháp) và ngay cả Nhật. Hội nghị chia hai phe (phe khởi nghĩa và phe không khởi nghĩa), phe khởi nghĩa do Trần Văn Giàu chủ xướng cùng Phạm Ngọc Thạch, Ngô Tấn Nhơn đã phân tích và tranh luận quyết liệt, nhưng cuối cùng, ngày 17/8 toàn thể Hội nghị đi đến một Nghị quyết mang tính dung hòa, tạm hoãn ngày “bấm nút” khởi nghĩa ở Sài Gòn để tiếp tục hoàn thành chuẩn bị khởi nghĩa, chờ tin Hà Nội nổi dậy.

Ngày 20 tháng 8, được tin Hà Nội khởi nghĩa, ngay tối hôm đó Hội nghị chợ Đệm tái họp, mọi người phấn khởi, tưởng đâu sáng ngày thì xong, chiều 21/8 “bấm nút” khởi nghĩa. Nhưng các ý kến của “phe không khởi nghĩa” tiếp tục phân tích, đặc biệt lo ngại đội quân Nhật. Lý luận chưa phân thắng bại, phải viện tới thực tiễn, nên thống nhất lấy Tân An làm khởi nghĩa thí điểm. Ngày 22/8 Tân An khởi nghĩa thành công, quân Nhật “án binh bất động”. Từ thực tiễn đó, Sài Gòn quyết định “bấm nút” khởi nghĩa vào chập tối 24/8. Được lệnh của Xứ Ủy, Thanh niên tiền phong và Công đoàn đã được xây dựng trong các công sở của địch lập tức đồng loạt chiếm các cơ quan công sở như Dinh Khâm Sai, Bưu điện và các nơi khác; chiếm đóng các cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Macmathon, cầu Nhị Thiên Đường, Chữ Y, Khánh Hội…, chiếm các cửa ô dẫn vào nội thành. Đồng thời, chuẩn bị lễ đài với các khẩu hiệu “Chính quyền về Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Độc lập hay là chết”… Như vậy, trong đêm 24/8, Sài Gòn đã “cướp chính quyền” thành công bởi đạo quân chính trị hùng hậu khoảng 200.000 người.

Trong điều kiện “trở lực” hết sức lớn như trên đã nói, vậy mà khi tiến hành khởi nghĩa lại rất nhanh gọn. Đây là một đặc điểm nổi bật của Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn và các tỉnh thành Nam bộ, mang đậm dấu ấn về trí tuệ, mưu lược và sự chỉ đạo đúng đắn của Xứ ủy Nam Kỳ với Bí thư Trần Văn Giàu. Trong điều kiện bị tổn thất nặng nề về lực lượng sau Nam Kỳ Khởi nghĩa, Xứ ủy đã “tương kế tựu kế” nhanh chóng xây dựng “đội quân chính trị” bao gồm cả lực lượng công khai - Thanh niên Tiền phong cùng  Thanh niên cứu quốc, công nhân cùng nông dân, các tầng lớp xã hội khác. Với trí tuệ và ý chí Trần Văn Giàu, với kinh nghiệm của người Sài Gòn lợi dụng công khai hợp pháp để hoạt động, trong một thời gian ngắn vài 3 tháng, Thanh niên Tiền phong phát triển thành một đoàn thể thuộc cỡ lớn nhất. Vào tháng Tám 1945, Thanh niên Tiền phong riêng ở Sài Gòn có 200 trụ sở với 80.000 đoàn viên. Đặc biệt, Công đoàn có 342 cơ sở với 120.000 đoàn viên, tạo thành “đạo quân chính trị của Đảng”, làm nòng cốt, tiên phong cho hàng trăm vạn quần chúng, lực lượng làm nên chiến thắng vĩ đại của cách mạng Tháng Tám 1945 ở Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh Nam Bộ.

Giáo sư Trần Văn Giàu và PGS.TS Phan Xuân Biên. Ảnh: Th.L Giáo sư Trần Văn Giàu và PGS.TS Phan Xuân Biên. Ảnh: Th.L

Một đặc điểm quan trọng của Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định là cách chỉ đạo khởi nghĩa “gần sát với khoa học và nghệ thuật khởi nghĩa của chủ nghĩa Mác – Lê nin”, được các nhà sử học trong và ngoài nước đánh giá “khác” với các nơi khác ở chỗ “chiếm từ bên trong”, “tập trung hơn và có trật tự hơn”, “đồng loạt hơn” vì tất cả đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng từ bên trong các công sở. “Trong khi ở Hà Nội, những nhóm người biểu tình vũ trang di chuyển từ công sở này đến công sở khác để chiếm từng công sở một, thì ở Sài Gòn tất cả những điểm chiến lược được chiếm cùng một lúc. Nhiều công sở được chiếm từ bên trong bởi những chi đoàn công chức được thành lập một cách bí mật. Dinh Khâm Sai được chiếm bởi một nhóm Thanh niên tiền phong gồm những thư ký, những người bảo vệ… Tại Nhà dây thép, Công đoàn và Thanh niên phối hợp với nhau nắm quyền kiểm soát. Vài đơn vị vũ trang của lực lượng phụ trợ miền Nam (Bảo an binh) cùng làm binh biến. Đây là một cuộc lật đổ chính quyền hữu hiệu, yên lặng và nhanh chóng, được thực hiện trong vòng 4 tiếng đồng hồ, từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối và kết thúc bằng việc tuyên bố thành lập Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ vào ngày hôm sau, 25 tháng Tám (Stein Tonnesson: The Vietnamese Revolution of 1945. NXB Sage, London 1991. Tr.342). Đó là kết quả của “khả năng và ý chí” mang đậm dấu ấn bản lĩnh Trần Văn Giàu trong Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Đó là bài học về xây dựng lực lượng, chỉ đạo phong trào cách mạng đô thị…, được phát huy mạnh mẽ trong lịch sử kháng chiến cũng như xây dựng Thành phố ngày nay.

Bản lĩnh, trí tuệ Trần Văn Giàu còn được thể hiện đậm nét trong cuộc “biểu tình vũ trang khổng lồ” vào ngày 25/8/1945 ở Sài Gòn. Theo ông Giàu, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã thành công từ đầu hôm 24/8, song ngày 25/8 có cuộc biểu tình là “để cho bàn dân thiên hạ, cả thù lẫn ta, cả ta lẫn tây… biết được đây là cuộc cách mạng long trời lở đất của toàn dân. Toàn dân đứng lên làm cách mạng, ai dám đụng tới cách mạng này là phải đương đầu với hàng triệu, hàng triệu người Việt Nam quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng. Chính quyền này là chính quyền của dân dựng lên, bầu lên, cho nên sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh để bảo vệ nó, đánh tan kẻ thù xâm lược…”. Ông Giàu nói về cuộc biểu tình khổng lồ ngày 25/8/1945: “Mấy ông Tây, bà đầm hé cửa sổ nhòm ra đường, khi trông thấy 100 cây tầm vông, 100 mũi chĩa thì còn khinh rẻ. Khi thấy 1.000 cây tầm vông, 1.000 mũi chĩa thì đã rợn người, khi thấy mũi nhọn của mấy chục vạn tầm vông, mũi chĩa thì bay hồn bạt vía vì như thế là thấy cả dân tộc nổi dậy, đòi xé xác chủ nghĩa thực dân”.

Đó là bài học về sức sân, về vai trò của dân, về xây dựng chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân được Trần Văn Giàu thẩm thấu và trải nghiệm, được rút ra như một bài học lịch sử mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị.

PGS.TS Phan Xuân Biên
Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương,
Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo