Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Đề xuất chuyển Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội

Phiên họp cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 42, sáng 11/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật cho thấy, về việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn (Ban) thuộc Quốc hội để bảo đảm tính đồng bộ về loại hình tổ chức và yêu cầu chuyên môn hóa đối với bộ máy tham mưu, giúp việc Quốc hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến chưa nhất trí việc nâng cấp các Ban này thành các cơ quan thuộc Quốc hội vì chưa đủ lập luận về sự cần thiết.

Hiện tại, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện đã có Đề án chuyển Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị bổ sung vào Luật Tổ chức Quốc hội quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này. Theo đó, Ban Tổ chức đại biểu dân cử là cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, có chức năng tham mưu, giúp việc Quốc hội, trực tiếp và thường xuyên là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về công tác đại biểu dân cử và tổ chức bộ máy, nhân sự của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật. Ban Dân nguyện là cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, có chức năng tham mưu, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo thấy rằng, các Đề án này đã được Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, nêu rõ các căn cứ chính trị, pháp lý và có phương án cụ thể đề xuất về quy định về các cơ quan này trong Luật Tổ chức Quốc hội. Qua nghiên cứu, thảo luận bước đầu về Đề án của các Ban, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thuộc Quốc hội cơ bản vẫn là các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đang thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, để có cơ sở tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội, đề nghị làm rõ hơn một số nhiệm vụ, quyền hạn còn có sự giao thoa, chưa rõ ràng với các cơ quan khác, giữa Ban Tổ chức đại biểu dân cử với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội. Hay giữa Ban Dân nguyện với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Ban Tổ chức đại biểu dân cử, Văn phòng Quốc hội,… Việc bổ sung quy định về các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội cần được cân nhắc, đánh giá một cách thận trọng, củng cố thêm lập luận thuyết phục để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Làm rõ hơn về đề án chuyển Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu ra các cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, trong đó khẳng định khi làm đề án này, Ban Dân nguyện nhận thấy cơ sở chính trị vững vàng, cơ sở pháp lý đầy đủ. Đề án lần này đã triệt để tiếp thu tất cả ý kiến và chuyển Ban Dân nguyện là cơ quan chuyên môn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội để không tăng thêm biên chế, không phát sinh bộ máy và không gây xáo trộn, đảm bảo nguyên tắc hoạt động hiệu quả, xuyên suốt.

Về những lo ngại về vấn đề chồng chéo, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, chức năng, nhiệm vụ làm công tác dân nguyện là thuộc về các đại biểu Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội. Khi chuyển lên thành cơ quan của Quốc hội, Ban Dân nguyện không làm ảnh hưởng tới các nhiệm vụ làm công tác dân nguyện của các đại biểu Quốc hội, các ủy ban khác. Với thực tiễn hiện nay, số lượng đơn thư chuyển tới nếu các đại biểu Quốc hội không có đủ thời gian giải quyết thì muốn chuyển cho Ban Dân nguyện làm cũng không thể được. Nếu Ban Dân nguyện được chuyển đổi thành cơ quan của Quốc hội thì chắc chắn sẽ giảm thiểu đến mức tối đa hiện tượng đơn thư trùng lặp, đơn thư cùng một nội dung nhưng nhiều cơ quan của Quốc hội cùng xem xét xử lý, gây tốn kém, lãng phí.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo