Thứ Hai, ngày 17 tháng 3 năm 2025

Đồ án quy hoạch chung đưa Thành phố Thủ Đức phát triển trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao

Bản đồ hiện trạng kiến trúc cảnh quan hệ thống hạ tầng xã hội, quy hoạch chung Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 6/2, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị công bố Đồ án quy hoạch chung Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040 và xúc tiến mời gọi đầu tư vào Thành phố Thủ Đức.

Ngày 21/1/2025, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040 tại Quyết định số 202/QĐ-TTg.

Quy hoạch chung Thành phố Thủ Đức đến năm 2040 được phê duyệt có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của TPHCM; là cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng phát triển không gian, tổ chức hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, quy hoạch sử dụng đất,… nhằm khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2040 đưa Thành phố Thủ Đức phát triển trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao; khu vực dẫn dắt kinh tế TPHCM, vùng đô thị TPHCM thông qua các hoạt động kinh tế tri thức; bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế.

Thành phố Thủ Đức là đô thị loại 1 thuộc TPHCM, là đầu mối giao thông của vùng Đông Nam Bộ về đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa và là trung tâm phía đông về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo với quy mô dân số đến năm 2030 có khoảng 1,8 triệu người, đến năm 2040 có khoảng 2,6 triệu người và sau năm 2040 khoảng 3 triệu người. Không gian Thành phố Thủ Đức được chia thành 9 phân vùng tương ứng với 11 trọng điểm phát triển gắn với giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng lợi thế riêng, đã được nghiên cứu, phản biện hết sức khoa học, trí tuệ và trách nhiệm sẽ phát huy tối đa giá trị của mỗi phân vùng, làm động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, kiến tạo cơ hội việc làm, cung cấp tiện ích xã hội chất lượng cao cho người dân, trong đó các trọng điểm phát triển cũng là những trung tâm đổi mới, sáng tạo để hình thành nền kinh tế tri thức; phát triển theo xu hướng đô thị thông minh.

Quy hoạch chung Thành phố Thủ Đức sẽ tác động tích cực sâu rộng đến nhiều mặt của Thành phố Thủ Đức từ công tác quản lý điều hành của cấp chính quyền cũng như hoạt động của người dân và doanh nghiệp, mở ra nhiều hướng phát triển mới nhờ vào tính kết nối và đồng bộ thông qua 9 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 từ Quy hoạch chung được duyệt, từ đó sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn trong công tác cấp phép xây dựng và các nhu cầu chính đáng khác cho người dân và doanh nghiệp. Hạ tầng giao thông sẽ mở ra nhiều không gian mới như phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị và liên vùng kết nội tại Thành phố Thủ Đức với phần còn lại của TPHCM và sân bay quốc tế Long Thành, đáp ứng 50% - 60% nhu cầu đi lại; phát triển đô thị theo theo định hướng gắn với giao thông công cộng (TOD); phát triển nhiều tuyến đường mới, có tính kết nối liên vùng như tuyến đường nối Liên cảng Cát Lái – Phú Hữu – Nút giao Vành Đai 3 – Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến nối đường Vành đai 2 vào cao tốc TPHCM - Chơn Thành.

Không gian đô thị được quy hoạch lấy không gian cây xanh mặt nước làm trung tâm, tổ chức hệ thống sông, kênh, rạch (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Tắc, rạch Chiếc, rạch Trau Trảu, rạch Gò Công, rạch Ông Nhiêu,…) gắn kết với hệ thống công viên cây xanh sử dụng công cộng, hình thành nên khung cấu trúc không gian đặc sắc, đồng thời có vai trò là các hành lang trữ và thoát nước. Thành phố Thủ Đức sẽ tăng diện tích đất cho công trình giáo dục cấp đô thị lên gần 5 lần, tăng diện tích đất cho các cơ sở y tế cấp đô thị lên hơn 10 lần, tăng diện tích đất cho các công trình văn hóa và thể dục thể thao cấp đô thị lên khoảng 3 lần, trong đó, bao gồm khu Liên hợp thể thao quốc gia tại khu vực Rạch Chiếc cũng như diện tích công viên cây xanh sẽ đạt 1.800 ha.

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo