Đoàn đại biểu văn nghệ sĩ TPHCM tham gia hành trình về nguồn năm 2024 chủ đề “Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ” dâng hoa, dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 (Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục hành trình về nguồn, chiều 27/11, đoàn đại biểu văn nghệ sĩ TPHCM tham gia hành trình về nguồn năm 2024 chủ đề “Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ” đã tổ chức Lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên (Nghĩa trang liệt sĩ A1).
Tham gia lễ dâng hương có các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM; đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật TP, các hội chuyên ngành và Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP; Nghệ sĩ Ưu tú Phi Điểu, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thiện cùng hơn 100 văn nghệ sĩ của TP.
Cùng dự lễ dâng hương có đồng chí Lò Thị Minh Phượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên.
Các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 Các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ; bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954 là một mốc son chói lọi, với “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, tất cả để tạo nên “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Văn nghệ sĩ cùng hát ca khúc “Linh thiêng Việt Nam” tại lễ dâng hương Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự kế thừa, phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Để làm nên chiến thắng vĩ đại ấy, hàng nghìn người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình cho Tổ quốc. “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
NSƯT Phạm Thế Vỹ thắp hương trên từng phần mộ liệt sĩ Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên (còn có tên là Nghĩa trang liệt sĩ A1), trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Đây là nơi an nghỉ của 645 anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (53 liệt sĩ có một phần thông tin, 592 liệt sĩ chưa xác định được thông tin), trong đó có 4 ngôi mộ lớn khắc tên 4 anh hùng liệt sĩ tiêu biểu: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc cùng các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ Nghĩa trang được xây dựng năm 1958 và qua 2 lần quy hoạch, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng vào các năm 1993, 2013. Cổng chính của Nghĩa trang với hai bên là tường thành kiểu thành cổ. Cụm tượng màu vàng đặt bên trái nghĩa trang là hình tượng hai người phụ nữ dân tộc Thái, Kinh và em bé đang nâng dải lụa. Bảng vàng hai bên cổng chính đi vào là nơi ghi danh các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được thống kê theo từng địa phương. Mặt trước tường thành được đắp nổi hai cụm phù điêu. Một cụm thể hiện 56 ngày đêm quân dân ta chiến đấu tại Điện Biên Phủ, một cụm thể hiện 9 năm kháng chiến trường kỳ.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ Trước đó, đoàn đại biểu tham gia hành trình về nguồn đã dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ (phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).
Cùng ngày, đoàn đã đến dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu tưởng niệm Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, thuộc Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (tại Mường Phăng, tỉnh Điện Biên).