Hỗ trợ thúc đẩy tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn
Kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần ban hành các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về trình độ, chất lượng của lao động nông thôn, thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp; đồng thời, xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia. Cần có cơ chế, chính sách để hướng tới mục tiêu Netzero, triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; phát triển tín chỉ carbon.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã (HTX) tại các vùng chuyên canh, nhất là đối với người trồng lúa; hỗ trợ thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp.
Ngoài ra, cần các giải quyết và tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế, đảm bảo hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, ổn định thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản. Chính sách về tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa chịu ảnh hưởng do thiên tai và cơn bão Yagi.
Một số ý kiến cũng cho rằng, cần đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn, nhất là tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội.
Quang cảnh tại điểm cầu TPHCM Theo các đại biểu, trên thực tế việc tích tụ đất đai quy mô đủ lớn cho HTX còn một số khó khăn, vướng mắc do hiện chưa có cơ chế, pháp lý rõ ràng để "tổ chức kinh tế tập thể", cụ thể ở đây là HTX, tổ hợp tác xã đứng ra tích tụ đất đai.
Về chủ trương quy hoạch đất, hiện Nhà nước đã có các quy hoạch theo 3 cấp, đó là: cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh. Tuy nhiên, lại thiếu quy hoạch liên vùng, liên tỉnh, dẫn đến việc có những vùng sản xuất nông nghiệp tương đồng ở hai tỉnh giáp ranh nhưng mỗi tỉnh lại có một quy hoạch khác nhau, làm ảnh hưởng đến việc hình thành chuỗi sản xuất lớn của các hợp tác xã, doanh nghiệp. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần có chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên.
Phát triển sản xuất gắn với thương mại và du lịch sinh thái
Trả lời các câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, khi xây dựng Luật Đất đai để trình Quốc hội thông qua, Chính phủ rất chú trọng đến việc bổ sung chính sách về tập trung và tích tụ đất đai trong sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó đã quy định cụ thể các phương thức để tập trung và tích tụ đất đai. Về tập trung đất đai, có 3 hình thức, thứ nhất là chuyển đổi quyền sử dụng đất thông qua hình thức dồn điền đổi thửa. Hình thức này được nhiều địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ áp dụng trong nhiều năm qua. Hình thức thứ 2 là thuê quyền sử dụng đất và hình thức thứ 3 là hợp tác sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.
Về tích tụ đất đai, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, theo quy định tại Điều 193 Luật Đất đai cũng có 2 hình thức, một là tổ chức cá nhân sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thứ hai là nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đó là 5 hình thức để thực hiện hình thức tập trung và tích tụ đất đai. Luật Đất đai 2024 cũng đã quy định theo hướng mở rộng đối tượng và nâng hạn mức tiếp cận đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… “Như vậy, khuôn khổ pháp lý về tập trung hay tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp quy định tại Luật Đất đai 2024 đã đầy đủ, rõ ràng và khắc phục được vướng mắc của Luật Đất đai 2013” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Đồng chí Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị Về vấn đề quy hoạch sử dụng đất theo ba cấp, cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề các địa phương lưu tâm vấn đề này trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, một mặt vừa phát triển kinh tế, nhưng đồng thời bám quy hoạch của ngành để tạo ra vùng nguyên liệu quy mô lớn.
Trả lời câu hỏi của các nông dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách cho thị trường phát triển tín chỉ carbon. Đây là nội dung rất mới cả với thế giới và Việt Nam, các bộ, ngành đang thống nhất để kiến nghị các Chính phủ ban hành. “Chúng ta không nói bán tín chỉ carbon được bao nhiêu mà là lợi ích của đề án này mang lại lớn hơn, hữu ích hơn cho sản xuất nông nghiệp. Đề án tín chỉ carbon chính là hướng đến mục tiêu tổng quát rộng lớn hơn không chỉ bán được bao nhiêu tiền. Vì vậy mục tiêu, ý nghĩa của đề án tín chỉ carbon là như thế” - đồng chí Lê Minh Hoan giải trình.
Để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần phải xem nguyên liệu của vùng đó đã tập trung chưa, tập trung chính là ghép đất nhỏ thành lớn, bản thân đất không quyết định tất cả, mà con người phải tập trung vào đó, tạo thành chuỗi nguyên liệu ngành hàng. “Chúng ta đang xây dựng tiêu chí đánh giá để khi ghép lại lớn, phải đi kèm nâng cao năng lực quản trị, khuyến nông, phối hợp nông nghiệp, công thương để phát triển cho vùng nguyên liệu tập trung đó” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu trong tháo gỡ xuất khẩu nông lâm thủy sản trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và áp dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn có chất lượng cao. Đồng thời, phải có bàn tay của chính quyền địa phương để quy hoạch, áp dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm... Từ chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, thì phải có các doanh nghiệp.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trong các hiệp định, đồng chí Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ có sổ tay, chương trình quảng bá trên truyền hình... Hiện, Bộ đang bố trí 40% kinh phí xúc tiến thương mại dùng cho xúc tiến nông nghiệp. Sắp tới Bộ Công thương sẽ nâng gói này lên để các doanh nghiệp mang hàng ra thế giới đạt hiệu quả cao hơn, thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Bộ sẽ xây dựng dữ liệu khu vực dùng chung để các đơn vị, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin xuất khẩu đạt hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng khuyến cáo các địa phương gắn phát triển sản xuất gắn với thương mại và du lịch sinh thái để đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững gắn theo chuỗi giá trị. “Đây là vấn đề quan trọng, không chỉ có sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành mà các cấp ủy chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để triển khai hiệu quả hơn” - đồng chí Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.