Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

Đối thoại với nàng Kiều

Poster tác phẩm về Kiều của Sân khấu Kịch Hồng Vân tham gia dự án “Sân khấu thử nghiệm nàng Kiều”

(Thanhuytphcm.vn) - Sau khi ra mắt khán giả Thủ đô, dự án “Sân khấu thử nghiệm nàng Kiều” – được Viện Goethe khởi xướng, hợp tác với Nhà hát Tuổi Trẻ và 4 đạo diễn Amélie Niermeyer (Đức), NSND Hồng Vân, NSƯT Trần Lực và NSƯT Bùi Như Lai thực hiện – sẽ đến với khán giả TPHCM trong suất diễn tối 19/10 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (Quận 1).

Cầu nối đến với văn hóa Việt Nam

Chia sẻ về dự án, Viện trưởng Viện Goethe TPHCM Mpangi Otte cho biết: Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm lớn của nền văn học Việt Nam đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Người Đức nhận định đây là tác phẩm mang tầm quốc tế khi câu chuyện về cuộc đời truân chuyên của nàng Kiều thực sự làm rung động lòng người dù ở nền văn hóa nào. Người Đức cũng xem Nguyễn Du là tác gia tầm cỡ thế giới như những Goethe của nước Đức, Shakespeare của nước Anh...

“Truyện Kiều được xem là một trong những phương tiện, cầu nối quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Viện Goethe mời 4 đạo diễn thực hiện dự án “Sân khấu thử nghiệm nàng Kiều” không phải để kể lại Truyện Kiều mà mong muốn thấy được những phân tích mới, những suy nghĩ của con người hôm nay về Truyện Kiều, tìm thấy sức sống của tác phẩm trong thời đại mới”  - ông Mpangi Otte cho biết.

Thực tế, dự án đã được triển khai trong nhiều năm với nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, hội thảo về Truyện Kiều cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu lẫn độc giả trẻ. Theo Ban Tổ chức, bên cạnh vẻ đẹp ngôn ngữ, vô vàn những tình huống éo le của cuộc đời thì Truyện Kiều nêu lên thực trạng xuyên suốt nhiều thế kỷ về sự áp bức phụ nữ và nạn buôn người. Câu chuyện về người phụ nữ bị đàn áp khơi gợi suy ngẫm về sự tiến bộ của lịch sử, về giá trị và phẩm giá của con người trong thế giới này. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: liệu hình ảnh người phụ nữ của Kiều còn phù hợp với thời đại? Điều gì đã đổi thay theo thời đại? Hình ảnh nào về phụ nữ trở thành then chốt trong nền văn hóa hôm nay? Ngày nay, chúng ta diễn giải và đọc Truyện Kiều như thế nào? Nàng Kiều trong mắt chúng ta giờ ra sao?... và dự án ra đời nhằm tìm lời đáp cho những câu hỏi xuyên suốt đó.

Viện trưởng Viện Goethe TPHCM Mpangi Otte chia sẻ về dự án “Sân khấu thử nghiệm nàng Kiều” sẽ đến với khán giả TPHCM trong tối 19/10. (Ảnh: Ngọc Tuyết) Viện trưởng Viện Goethe TPHCM Mpangi Otte chia sẻ về dự án “Sân khấu thử nghiệm nàng Kiều” sẽ đến với khán giả TPHCM trong tối 19/10. (Ảnh: Ngọc Tuyết)

4 góc nhìn về Truyện Kiều

Ở dự án đặc biệt này, các đạo diễn không dựng kịch dựa trên cốt Truyện Kiều mà thông qua những giá trị vẫn mang tính thời đại của tác phẩm để phản ánh và đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi về phẩm giá và hình ảnh người phụ nữ. Vì thế, cả 4 đạo diễn được chọn tham gia dự án đều được đánh giá cao bởi tính sáng tạo, có góc nhìn táo bạo, cởi mở kể cả đối với văn hóa truyền thống. Trong đó, nữ đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer mang đến một góc nhìn hoàn toàn từ bên ngoài khi trên sân khấu không hề có nhân vật của Truyện Kiều mà là cuộc thảo luận của những con người hôm nay về Truyện Kiều, thể hiện những suy nghĩ của người hiện đại về một tác phẩm xưa cũ và xem xét có thể liên tưởng được gì đến cuộc sống hôm nay.

Đạo diễn - NSƯT Trần Lực trăn trở về vấn đề nam - nữ bình đẳng. Trên sân khấu có một nàng Kiều nhìn mỏng manh, yếu đuối, thân phận bất hạnh nhưng nội tâm lại vô cùng kiên cường, mạnh mẽ nào kém nam nhi. Vì thế, đạo diễn Trần Lực chọn tuồng cổ làm nghệ thuật biểu hiện cho phần diễn của mình.

Đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai lại làm phép so sánh về thân phận “2 nàng Kiều” – 1 từ nguyên tác của Nguyễn Du và 1 từ xã hội hiện đại – để nêu bật khát vọng về cuộc sống tự do, bình đẳng của người phụ nữ.

Là đại diện đến từ sân khấu phía Nam, NSND Hồng Vân mang đến một phiên bản Kiều thật tươi trẻ cùng sự phá cách trong dàn dựng khi lồng… nhạc trẻ vào Kiều. “Tôi tâm đắc với dự án này khi thấy những người nước ngoài lại yêu mến, tìm hiểu về Truyện Kiều và mong muốn giữ gìn, lan tỏa sự hiểu biết về Kiều. Việc nhìn lại Kiều với quan điểm hiện đại là một cách hay để chúng ta có thể phát hiện được nhiều điều thú vị hơn về Kiều. Với hình thức thử nghiệm như dự án này, tôi cho là một cách hay để đưa Truyện Kiều đến với rộng rãi công chúng khi hình thức biểu hiện sân khấu sẽ gây nên những tò mò, thắc mắc và cả bức bối, khó chịu hay thậm chí “không hiểu gì” nhưng từ đó sẽ kích thích người xem phải tìm hiểu, phải đọc Truyện Kiều” - NSND Hồng Vân chia sẻ; đồng thời cho biết sẽ dàn dựng một phiên bản hoàn chỉnh về Kiều dựa trên tác phẩm tham gia dự án để đưa Kiều đến gần hơn với khán giả TPHCM.

Với cách tiếp cận mới mẻ từ một tác phẩm kinh điển đã được nhiều lần dàn dựng trên sân khấu, dự án “Sân khấu nàng Kiều” qua 4 tác phẩm (khoảng 20 phút/tác phẩm) mang phong cách thể nghiệm khác nhau mong muốn tái khám phá những mối quan hệ giữa người với người, giữa những giá trị truyền đời và hiện đại, hay ở một khía cạnh khác là mở ra những khả năng sáng tạo cho sân khấu đương đại Việt Nam.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo