Thứ Năm, ngày 26 tháng 12 năm 2024

Đồng chí Diệp Ba - Người chiến sĩ Công an vì nước quên thân - vì dân phục vụ

Chân dung đồng chí Diệp Ba

(Thanhuytphcm.vn) - Đồng chí Diệp Ba sinh năm 1917[1], trong một gia đình tiểu thương tại thị trấn Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là thị trấn Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Lúc nhỏ, mặc dù gia đình khó khăn nhưng Diệp Ba cũng được gia đình cho theo học tiểu học và trung học tại Mỹ Tho. Sau khi tốt nghiệp tú tài tại trường Petrus Ký Sài Gòn (nay là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong), ông được gia đình gửi ra Hà Nội học tại trường Đại học Luật nhờ sự tài trợ của người cậu ruột là bác sĩ Trần Văn Lễ.

Với lòng yêu nước nồng nàn và ngọn lửa đấu tranh chống giặc ngoại xâm luôn hừng hực, từ khi bắt đầu ý thức được những cái xấu xa mà thực dân Pháp đã làm với Nhân dân Việt Nam, đồng chí Diệp Ba đã tham gia tích cực vào nhiều phong trào yêu nước lúc bấy giờ, đặc biệt là quãng thời gian học đại học và sau khi Diệp Ba tốt nghiệp với tấm bằng luật sư.

Cách mạng tháng Tám thành công, niềm vui độc lập chưa được bao lâu, Pháp lại nổ súng xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Năm 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ bùng nổ, đồng chí Diệp Ba trở về miền Nam và được chính quyền cách mạng bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Mỹ Tho. Đầu năm 1946, ông được Nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ năm 1948 đến năm 1954, đồng chí Diệp Ba được chính quyền kháng chiến bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Công an Nam Bộ. Trong giai đoạn đảm nhiệm chức Giám đốc Công an Nam Bộ, đồng chí đã có những chỉ đạo thiết thực, góp phần xây dựng lực lượng Công an những ngày đầu khó khăn gian khổ.

Từ ngày 2 đến ngày 4/7/1949, Sở Công an Nam Bộ tổ chức hội nghị các Trưởng Phó Ty và Trưởng Phó Phòng nghiệp vụ các tỉnh để đánh giá tổng kết tình hình. Trong hội nghị này, đồng chí Diệp Ba, Giám đốc Sở tổng kết tình hình địch và công tác của Công an trong thời gian qua, phân tích những mặt yếu kém về tổ chức, về nghiệp vụ, nhất là trong công tác bắt giữ hỏi cung.

Ngày 6/7/1949, Sở Công an Nam Bộ ra chỉ thị về công các gia đình cùng liên kết để bảo vệ an ninh trật tự, chống địch hoạt động do thám, tình báo. Chỉ thị này đã góp phần hoàn chỉnh hệ thống tổ chức phong trào quần chúng làm công tác công an trong một giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cuối năm 1949, đồng chí Diệp Ba đã chỉ đạo in ấn Tờ nội san Rèn luyện của Sở, đây cũng là sự kiện cuối năm đánh dấu bước trưởng thành của công tác bồi dưỡng chuyên môn và rèn luyện phẩm chất đạo đức cho cán bộ chiến sĩ toàn ngành. Đây là tờ nội san có sức lôi cuốn và rất hấp dẫn người đọc, góp phần đóng góp nhất định trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ Công an Nam Bộ giai đoạn khó khăn này.

Bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường, thực dân Pháp càng đẩy mạnh tuyên truyền chống cộng, triệt để đề cao chính phủ bù nhìn Bảo Đại, lôi kéo các tôn giáo chống lại kháng chiến. Đầu năm 1950, chúng liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện do thám để tung vào hoạt động trong các chiến khu và đến ngày 10/3/1950, lần lượt tổ chức bộ máy Công an và Cảnh sát bù nhìn. Chúng tổ chức Sở An ninh Pháp ở Đông Dương, chuyển một số nhân viên mật thám cũ cho Công an bù nhìn nhưng vẫn giữ những tên giỏi nghề, đầu sỏ lại. Chúng lập ra nhiều chi nhánh ở Bắc, Trung, Nam, Lào, Cao Miên và vùng Tây Nguyên. Ở Nam Bộ là Sở An ninh Pháp Nam phần do tên Moret làm giám đốc và Bazin làm phó, thực chất quyền hành nằm trong tay Bazin. Trước tình hình trên, đồng chí Diệp Ba chỉ huy Sở Công an Nam Bộ tích cực chống phá âm mưu này bằng cách đẩy mạnh hoạt động trong nội thành, đẩy mạnh công tác điệp báo và tổ chức trừng trị những tên chỉ huy mật thám đầu sỏ, tiến công vào những tên do thám đột nhập căn cứ, đồng thời xây dựng lực lượng sẵn sàng cho chuẩn bị tổng phản công.

Nội san Rèn Luyện, nhân bản bằng máy chữ không dấu, phải đánh dấu bằng bút viết tay (Nguồn: Báo Công an nhân dân) Nội san Rèn Luyện, nhân bản bằng máy chữ không dấu, phải đánh dấu bằng bút viết tay (Nguồn: Báo Công an nhân dân)

Trong giai đoạn này, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy chỉ đạo nhiệm vụ của Công an Nam bộ là chuyển sang tổng phản công, tập trung công tác điệp báo phản gián, chống bọn phản động trong các tôn giáo Cao Đài, Hòa Hảo và Thiên Chúa. Đồng chí đã phân tích sâu về lịch sử hình thành, phát triển và tính chất của hai Giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, âm mưu của Pháp lợi dụng họ để chống kháng chiến. Từ đó, đồng chí đề ra nhiệm vụ của Công an trong công tác đấu tranh chống bọn cầm đầu phản động lợi dụng tôn giáo. Ngoài ra, đồng chí còn xác định quan điểm Nhân dân của Đảng mà mọi cán bộ chiến sĩ cần phải quán triệt, Công an phải phục vụ Nhân dân và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những ý kiến chỉ đạo trên của đồng chí Bí thư Xứ ủy đã được các cấp Công an Nam Bộ tiếp thu và thực hiện đạt được nhiều kết quả trong công tác lúc đó cũng như lâu dài về sau.

Năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, đồng chí Diệp Ba được lệnh tập kết ra miền Bắc nhận nhiệm vụ mới. Sinh sống và làm việc ở miền Bắc, từ năm 1955 đến 1967, đồng chí lần lượt đảm nhận chức vụ Bí thư Đảng bộ Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy viên Ủy ban thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh Tòa án dân sự và Chánh Tòa hình sự 2…

Đồng chí Diệp Ba còn có một người em song sinh là Diệp Tư. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, cả hai anh em Diệp Ba, Diệp Tư đều cống hiến nhiều sức lực và trí tuệ cho cuộc kháng chiến, góp một phần sức lực nhỏ nhoi của mình cùng quân dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Để ghi nhớ công lao của đồng chí Diệp Ba, Đảng và Nhà nước đã trao tặng đồng chí Diệp Ba: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, giai đoạn 1945 - 1954; Huân chương Lao động hạng Nhất, giai đoạn xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Ngày 29/12/1967, sau thời gian lâm bệnh nặng, đồng chí đã qua đời. Sự ra đi của đồng chí là mất mát, tổn thất lớn đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn cam go của toàn dân tộc.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

---------------

 

[1] Có tài liệu thể hiện đồng chí Diệp Ba sinh năm 1919.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo