Thứ Bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024

Đồng chí Lê Đức Thọ: “Trong văn có võ”

Phan Đình Khải tức đồng chí Lê Đức Thọ - ảnh chụp lúc bị bắt lần thứ hai (tháng 9/1939) tại Sở Mật thám Nam Định. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Đồng chí Lê Đức Thọ thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng. Với quá trình đấu tranh cách mạng kiên cường, đồng chí đã sớm trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng giàu kinh nghiệm và có tài năng nhiều mặt. Không chỉ là nhà lãnh đạo lỗi lạc, một nhà ngoại giao tài ba, đồng chí Lê Đức Thọ còn biết đến là một nhà thơ với những vần thơ hào hùng, thúc giục tinh thần yêu nước, yêu đồng bào, đồng chí, hay những lời thơ thủ thỉ tâm tình của một người con xa mẹ, nhớ quê.

“Chất thép” trong con người Lê Đức Thọ

Suốt một đời tận tụy với sự nghiệp cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ để lại trong tâm trí của đồng đội, đồng chí một con người cương trực, khẳng khái; “chất thép” của người chiến sĩ cộng sản Lê Đức Thọ được thể hiện trong ngục tù thực dân đế quốc, trên chiến trường, trên bàn đàm phán ngoại giao và trong công tác xây dựng Đảng.

Bác Hồ cùng các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp tại chiến khu Việt Bắc năm 1947. (Nguồn: Ảnh tư liệu) Bác Hồ cùng các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp tại chiến khu Việt Bắc năm 1947. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Trong những năm tháng bị tù đày, dù bị địch tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn quyết không khai về hoạt động bí mật của mình. Đồng chí từng nói với đồng chí Hoàng Tùng khi đang bị giam tại nhà giam Hỏa Lò (Hà Nội) vào năm 1939: “Phải dũng cảm, khai thì chết bỏ mẹ ấy!”[1]. Ngay sau khi được thả, đồng chí Lê Đức Thọ đã gửi bức thư điện cho Toàn quyền Đông Dương với nội dung: “Chúng tôi cực lực phản đối việc khám nhà và bắt người hàng loạt ngày 31/7/1939. Chúng tôi cho rằng đó là làm trái với tự do dân chủ”.

Là một nhà lãnh đạo thông minh, sáng tạo, thực tiễn, sát quần chúng và thực tế, đồng chí luôn theo sát tình hình, diễn biến ở chiến trường Nam bộ. Đồng chí Lê Đức Thọ luôn thể hiện tư tưởng tiến công nhất quán trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí đã vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Lần thứ hai, đồng chí được cử vào miền Nam để phổ biến Nghị quyết về Tổng tiến công lịch sử và cùng với một số đồng chí thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp tham gia chỉ huy trận quyết chiến cuối cùng phối hợp với tổng nổi dậy vào sào huyệt địch tại thành phố Sài Gòn giữa mùa Xuân năm 1975.

Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng với các gia đình cán bộ tại chiến khu Việt Bắc (đồng chí Lê Đức Thọ hàng cuối, thứ hai từ phải sang, mặc áo thẫm). (Nguồn: Ảnh tư liệu) Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng với các gia đình cán bộ tại chiến khu Việt Bắc (đồng chí Lê Đức Thọ hàng cuối, thứ hai từ phải sang, mặc áo thẫm). (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Lúc này, theo tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Đức Thọ luôn gắn công tác xây dựng với các tổ chức đoàn thể, tích cực vận động công nhân, nông dân, nhân sĩ, trí thức, tiểu tư sản, các chức sắc tôn giáo… tham gia kháng chiến, kiến quốc. Chính vì vậy mà phong trào kháng chiến ở Nam bộ đã thu hút được nhiều trí thức ở trong thành ra và nhiều chức sắc trong các tôn giáo đã có những hành động ủng hộ cách mạng. Từ năm 1948 đến mãi sau này ở miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ luôn được anh em, đồng chí gọi bằng cái tên thân mật là anh “Sáu Búa” - đó là biểu thị một sự kính trọng đối với một chiến sĩ cộng sản thẳng thắn, kiên cường. “Mỗi khi nghe cách gọi đùa vui thân mật theo kiểu Nam bộ, mọi người thường thấy anh Sáu chỉ thản nhiên cười xòa. Anh Sáu Thọ là một cán bộ lãnh đạo vốn sống chan hòa tình cảm, gắn bó với anh em và là người dễ gần, dễ xáp. Đối với những người đồng chí có mối quan hệ thân tình, anh thường cư xử rất tự nhiên…”[2].

Đồng chí Lê Đức Thọ còn là một nhà ngoại giao uyên bác, sắc sảo trong đấu tranh chính trị ngoại giao. Tính kiên quyết, khẳng khái, không khoan nhượng trước kẻ thù nhằm bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải, giữ vững nguyên tắc nhưng rất khôn khéo, mềm dẻo về sách lược, chiến thuật, làm cho kẻ thù phải khâm phục, buộc chúng phải chấp nhận. Luôn tiến công và đầy mưu lược “vừa đánh, vừa đàm” với phía Mỹ kéo dài hơn 4 năm trời tại Paris (1969 - 1973). Những đối đáp, tranh luận, ứng xử với Henry Kissinger - đại diện Chính phủ Mỹ tại Hội nghị Paris - để đạt được kết quả về Hiệp định về hòa bình chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đã minh chứng bản lĩnh của đồng chí Lê Đức Thọ. Có thể nói, đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo góp phần quan trọng vào việc lập nên kỳ tích cả trên ba lĩnh vực: Chính trị - Quân sự - Ngoại giao.

Đồng chí Lê Đức Thọ chụp ảnh lưu niệm với đại diện các tỉnh giáp với Đồng Tháp Mười sau cuộc họp Xứ ủy Nam bộ tại Kinh 4Bis, năm 1949 (đồng chí ngồi đầu tiên, hàng sau, từ phải sang). (Nguồn: Ảnh tư liệu) Đồng chí Lê Đức Thọ chụp ảnh lưu niệm với đại diện các tỉnh giáp với Đồng Tháp Mười sau cuộc họp Xứ ủy Nam bộ tại Kinh 4Bis, năm 1949 (đồng chí ngồi đầu tiên, hàng sau, từ phải sang). (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Công tác tổ chức là sự nghiệp hầu như suốt cả cuộc đời cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ từ ngày hoạt động trong nhà tù Côn Đảo, Sơn La, Hỏa Lò… khi công tác ở miền Nam và tham gia Bộ Chính trị trên cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí là người quyết đoán trong sắp xếp, bố trí và đào tạo một đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước đáng tin cậy, bảo đảm mục tiêu chiến lược của Đảng. Luôn nắm vững tâm tư, nguyện vọng, khuyết điểm, nhược điểm của các cán bộ, tạo được một đội ngũ cán bộ kế thừa, đồng chí không nể nang, dung dưỡng trước những sai lầm của cấp dưới. Dù rất nghiêm khắc đối với sai lầm, khuyết điểm, nhưng đồng chí Lê Đức Thọ cũng rất khoan dung, chân tình, khuyên răn, nhắc nhở và yêu thương cán bộ.

Là một nhà tổ chức lâu năm của Đảng, đồng chí đã có đóng góp quan trọng về đường lối chung đồng thời xây dựng đường lối, chính sách tổ chức và cán bộ của Đảng. Đồng chí đặc biệt coi trọng vai trò tiền phong, gương mẫu của mỗi đảng viên thể hiện ở phẩm chất trung thành, tận tụy với đất nước, nhân dân, đồng chí Lê Đức Thọ đã từng căn dặn: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng phụ thuộc một cách quyết định vào trình độ mọi mặt và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên lúc này cần có lý luận cách mạng, hiểu biết về chuyên môn, khoa học - kỹ thuật và văn hóa, đồng thời phải nâng cao trình độ tổ chức thực hiện đi kịp với nhiệm vụ chính trị của Đảng”. Cho đến nay, qua các kỳ Đại hội, Điều lệ Đảng đã có những sửa đổi, bổ sung nhưng những quan điểm cơ bản về xây dựng đảng cầm quyền theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Đức Thọ chỉ đạo xây dựng vẫn được giữ vững.

Nhấn mạnh về những đóng góp của đồng chí Lê Đức Thọ trong công tác tổ chức của Đảng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng chia sẻ: “Trong công tác tổ chức, anh (đồng chí Lê Đức Thọ) tập trung sức vào việc xây dựng, quản lý và bố trí đội ngũ cán bộ cấp cao. Điều đó thể hiện trong việc anh thẳng thắn góp ý với cán bộ cao cấp phạm tiêu cực để ngăn chặn từ gốc việc phát triển tiêu cực vào trong Đảng và nhắc nhở cán bộ tổ chức: phải thực sự công minh, nếu vì “yêu nên tốt, ghét nên xấu” hoặc vì sợ va chạm, sợ bị oán thù dẫn đến bố trí hoặc xử lý sai cán bộ thì không thể làm cán bộ tổ chức”[3].

Đồng chí Lê Đức Thọ cùng các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam bộ: Nguyễn Văn Kỉnh, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Phan Trọng Tuệ, năm 1950. (Nguồn: Ảnh tư liệu) Đồng chí Lê Đức Thọ cùng các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam bộ: Nguyễn Văn Kỉnh, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Phan Trọng Tuệ, năm 1950. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Có một nhà thơ Lê Đức Thọ

Trong khi đi theo bước chân thần tốc của đoàn quân bách chiến, đồng chí Lê Đức Thọ đã gửi cho đồng chí Lê Duẩn một bài thơ hào hùng:

“Cuộc tổng tiến công đã mở màn

Quân ta thắng lớn địch hoang mang

Phen này quét hết quân xâm lược

Bắt bọn tay sai phải cúi đầu”.

Bài thơ thể hiện được tinh hoa của tư tưởng yêu nước mãnh liệt - là khí phách cách mạng tiến công mà đồng chí Lê Đức Thọ đã dày công tôi luyện suốt cả cuộc đời. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Sóng Hồng (Trường Chinh), Xuân Thủy…, nhà thơ Trung Thành - Lê Đức Thọ đã góp phần quan trọng vào việc hun đúc nên “chất thép” trong thơ ca cách mạng Việt Nam. 

Trong những ngày bị giam cầm trong lao tù đế quốc, hay trên đường hành quân ở nơi chiến trường ác liệt, trong sâu thẳm lòng, đồng chí Lê Đức Thọ vẫn luôn đau đáu về hình ảnh người mẹ hiền yêu dấu của mình. Yêu con và yêu nước, mẹ đã trở thành người cùng chí hướng với con mình, dõi theo con trên bước đường hoạt động cách mạng gian khó, hiểm nguy nhưng rất đỗi oanh liệt, tự hào:

“Hiểu con mẹ lại càng thương,

Thương con, thương nước vấn vương trong lòng.

Thế rồi mẹ lại chờ mong,

Mừng con đi tiếp chặng đường con đi.

Sớm khuya đồng chí đi về,

Mẹ nuôi, mẹ giấu một bề thủy chung”.

(Tình quê hương)

Sau này, trong phần lớn cuộc đời cách mạng của mình, do sự phân công của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ không hoạt động ở quê hương Nam Định, nhưng đồng chí luôn dành cho quê hương những tình cảm mặn nồng, sâu đậm. Nỗi lòng này được đồng chí thể hiện trong bài thơ Tình quê hương tặng Đảng bộ và nhân dân Nam Định:

“Trở về thăm lại quê hương

Sáu mươi năm mấy đoạn trường đã qua

Đường đi ngàn dặm dù xa

Tình quê vẫn thắm lòng ta dạt dào”.

Nhớ về mẹ, nhớ về quê hương, đồng chí Lê Đức Thọ lại nhớ về một thời thanh niên sôi nổi, những ngày bắt đầu bước vào con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn:

“Nhớ ngày Đảng mới dựng lên

Truyền đơn, cờ đỏ treo phố này.

Nhớ khi báo Đảng công khai

Phong trào hoạt động trong ngoài hăng say”.

(Nghĩa tình)

Được mệnh danh là “kiến trúc sư” trong công tác xây dựng và tổ chức Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ đã tổng kết vô cùng sâu sắc nguyên tắc, Điều lệ Đảng trong bài thơ Lẽ sống để mỗi đồng chí cán bộ, đảng viên có thể soi rọi vào đó thực hiện nhiệm vụ cách mạng của mình:

“Giữ tập trung dân chủ

Có cơ chế hợp thời

Chống gia trưởng độc đoán

Lắng nghe hết mọi nơi”.

Giữ vững tình đồng chí và sự đoàn kết trong Đảng:

“Đoàn kết là sức mạnh

Quyết tiến tới tương lai”.

Phát huy vũ khí phê bình, tự phê bình của cán bộ, đảng viên:

“Tự phê bình không lơi

Có ưu thì có khuyết

Chớ ngại mắc điều sai

Dám nhìn thẳng sự thật…

Ngã xuống thì đứng dậy

Biết tiến thì biết lui!”.

Với 79 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, 64 năm hoạt động cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng, đồng chí Lê Đức Thọ là chiến sĩ cộng sản tiêu biểu, kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng, suốt đời vì Tổ quốc, vì nhân dân. Điều này càng thể hiện rõ hơn trong tác phẩm Đời viết văn của tôi của nhà văn Nguyễn Công Hoan như sau: “Càng gần gũi anh em chính trị phạm cũ, nhất là anh Phan Đình Khải[4], hay đến chơi với tôi, tôi càng hiểu chủ nghĩa cộng sản là nhân đạo, và đấu tranh giai cấp chính là đấu tranh giải phóng cho đất nước, cho quảng đại nhân dân”.

Ái Nhi

________________________

[1] Hồi ký Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.73.

[2] Võ Văn Kiệt - Anh Sáu Thọ: Một chiến sĩ cộng sản nhiệt thành, một nhà lãnh đạo tài năng, trong Hồi ký Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng, sđd, tr.43.

[3] Hồi ký Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng, sđd, tr.26.

[4] Tên khai sinh của đồng chí Lê Đức Thọ.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo