Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đồng chí Phạm Văn Chiêu - Từ thầy giáo mẫu mực đến nhà trí thức tài năng của cách mạng Việt Nam

(Thanhuytphcm.vn)- Đồng chí Phạm Văn Chiêu sinh tại ấp Long Hòa, xã Long Thạnh Mỹ, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay là thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), trong một gia đình nông dân, ngay từ khi còn nhỏ tuổi đã rất ham học. Bằng sự thông minh và nỗ lực vượt bậc, đồng chí Phạm Văn Chiêu tốt nghiệp thủ khoa Trường Sư phạm Sài Gòn khi 19 tuổi. Sau đó, Đồng chí dạy học ở Gò Vấp, Hanh Thông Tây từ năm 1936. Năm 1942, Đồng chí được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tổng Hóc Môn. Suốt thời gian làm nghề dạy học, Thầy Bảy Chiêu đã mang hết tâm lực đào tạo, bồi dưỡng cho nhiều lớp học trò tư tưởng tiến bộ, tình yêu quê hương, đất nước, chí căm thù giặc. Đồng chí sáng lập Hội Ái hữu Giáo viên - Học sinh (Gò Vấp), Nhóm Minh Đức Văn tập (Hóc Môn) không chỉ có tính chất hội nghề nghiệp mà còn là hình thức tập hợp lực lượng quần chúng yêu nước. Rất nhiều người là học trò, đồng nghiệp của Đồng chí sau này trở thành những chiến sĩ cách mạng, nhiều người trở thành lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Gia Định trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, có người sau này là tướng lĩnh quân đội, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động.

Chân dung đồng chí Phạm Văn Chiêu. Chân dung đồng chí Phạm Văn Chiêu.

Năm 1942, vì hoạt động yêu nước, đồng chí Phạm Văn Chiêu bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Catinat, Khám Lớn Sài Gòn rồi đày đi Biên Hòa. Trong nhà tù, đồng chí Phạm Văn Chiêu được tiếp xúc với nhiều chiến sĩ cách mạng, nhiều đảng viên cộng sản và được giác ngộ cách mạng. Sau khi ra tù, tháng 4 năm 1944, đồng chí Phạm Văn Chiêu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sinh hoạt tại Chi bộ Hanh Thông Tây. Đồng chí cùng Chi bộ Hanh Thông Tây đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh tuyên truyền tư tưởng cách mạng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.

Tháng 8 năm 1945, khi thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Tỉnh ủy Gia Định, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh Gia Định đã thành công rực rỡ. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, đồng chí Phạm Văn Chiêu trực tiếp chỉ huy đánh chiếm dinh Tỉnh trưởng Gia Định, buộc tỉnh trưởng đầu hàng. Đồng chí Phạm Văn Chiêu được phân công tiếp nhận sự đầu hàng, sau đó Đồng chí được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Định, điều hành chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh.

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp nổ súng hòng đánh chiếm Sài Gòn. Sau khi chiếm được Trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ, chúng đưa quân lấn dần ra khu vực Thị Nghè, Cầu Bông, Cầu Kiệu. Ngày 12 tháng 10 năm 1945, quân Pháp đánh vào Trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Phạm Văn Chiêu tổ chức cho lực lượng ta chống trả quyết liệt, đến hơn 10 giờ tối mới rút về Gò Vấp.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với nhãn quan cách mạng và tầm nhìn bao quát, đồng chí Phạm Văn Chiêu đề xuất và được Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Gia Định quyết định thành lập Chiến khu An Phú Đông, gồm hai xã An Phú Đông và Thạnh Lộc. Chiến khu này cách trung tâm Sài Gòn chỉ 5km, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chiến khu An Phú Đông đã lập những chiến công hào hùng, trở thành một địa chỉ đỏ, một biểu tượng cho tinh thần quật khởi của nhân dân Sài Gòn - Gia Định.

Tháng 9 năm 1946, tại xã Tân Thới Hiệp, các đồng chí có trách nhiệm trong hai Tỉnh ủy Tiền Phong và Giải phóng đã họp và nhất trí thành lập một Tỉnh ủy thống nhất. Đồng chí Phạm Văn Chiêu được bầu vào Tỉnh ủy và được cử làm Bí thư Tỉnh ủy vào tháng 10 năm 1947. Tháng 6 năm 1951, Nam Bộ tách thành hai phân liên khu miền Đông và miền Tây. Tỉnh Gia Định Ninh cũng được tổ chức lại, Tỉnh ủy mới của Gia Định Ninh được chỉ định gồm 13 đồng chí, do đồng chí Phạm Văn Chiêu làm Bí thư.

Năm 1957, Phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thăm Vương quốc Campuchia (Nguồn: Ảnh tư liệu). Năm 1957, Phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thăm Vương quốc Campuchia (Nguồn: Ảnh tư liệu).

Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính (1945 - 1951) và Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Gia Định Ninh (1947 - 1951), đồng chí Phạm Văn Chiêu đã cùng tập thể Đảng bộ và chính quyền của tỉnh tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở Gia Định với nhiều thành tựu to lớn. Những chiến công đã đi vào lịch sử của tỉnh Gia Định có vai trò chỉ huy rất quan trọng của đồng chí Phạm Văn Chiêu. Đồng chí đã quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền, giáo dục và đoàn kết nhân dân kiên quyết đứng lên kháng chiến ở một địa bàn ngay sát Sài Gòn; tổ chức xây dựng chính quyền kháng chiến từ tỉnh tới xã; xây dựng hệ thống căn cứ kháng chiến An Phú Đông, Bình Lý - Tân Mỹ, Bưng sáu xã, địa đạo Củ Chi; xây dựng và phát triển vùng giải phóng ở tỉnh Gia Định; tổ chức in và phát hành công trái kháng chiến; phát triển phong trào bình dân học vụ… Ngày 25 tháng 4 năm 1949, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thưởng Huân chương Độc lập cho đồng chí Phạm Văn Chiêu với thành tích “Đã có công giữ vững và phát triển cơ sở kháng chiến tại một địa phương liền sát địch - Có thành tích vẻ vang” và tặng Đồng chí một vật kỷ niệm của Người.

Năm 1952, đồng chí Phạm Văn Chiêu nhận nhiệm vụ Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Phân liên khu miền Đông Nam Bộ, Bí thư Đảng đoàn kiêm Phó ban Mặt trận Phân liên khu miền Đông. Trong cương vị mới, Đồng chí đã cùng các đồng chí trong tổ chức vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể của Nam Bộ, đề xuất nhiều chủ trương quan trọng trong tổ chức tiến hành chiến tranh nhân dân, thực hiện dân chủ ở nông thôn, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất…, góp phần tích cực đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, mở rộng vùng giải phóng.

Sau Hiệp định Genève, tháng 10 năm 1954, đồng chí Phạm Văn Chiêu tập kết ra Bắc. Theo sự phân công của tổ chức, Đồng chí được cử làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đoàn ủy Đoàn tập kết số 9 miền Đông Nam Bộ. Tháng 01 năm 1955, Đồng chí được Trung ương điều về làm Trưởng phòng Tự do - Dân chính thuộc Vụ Dân chính, Bộ Nội vụ. Ngày 14 tháng 6 năm 1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 550/TTg về việc thành lập Ban Quan hệ Bắc Nam (về mặt Đảng là Ban miền Nam) trực thuộc Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm thống nhất cuộc vận động lập lại quan hệ Bắc - Nam, phục vụ cho công tác nghiên cứu, chỉ đạo kịp thời cách mạng miền Nam, do đồng chí Lê Đức Thọ, sau đó là đồng chí Phạm Văn Chiêu làm Trưởng ban. Trong thời gian làm việc tại Ban Quan hệ Bắc - Nam, Đồng chí đã tham gia vào nhiệm vụ nghiên cứu, giúp Trung ương theo dõi và chỉ đạo tình hình miền Nam, chỉ đạo phong trào đấu tranh đòi chính quyền miền Nam thi hành Hiệp định Genève, thực hiện công tác chính sách đối với cán bộ và gia đình các đồng chí, đồng bào tập kết.

Trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu tại phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn: Ảnh tư liệu). Trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu tại phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn: Ảnh tư liệu).

Tháng 9 năm 1956, đồng chí Phạm Văn Chiêu được điều về công tác ở Bộ Ngoại giao, giữ chức Vụ phó Vụ Á - Phi kiêm Bí thư Chi bộ, Đảng ủy viên Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Đồng chí đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động ngoại giao của Đảng, Nhà nước với các nước Á - Phi. Từ tháng 10 năm 1958 đến tháng 6 năm 1960, Đồng chí là Vụ phó phụ trách Phòng Tổ chức cán bộ, kiêm Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao. Tháng 6 năm 1960, Đồng chí được bổ nhiệm chức Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ. Với cương vị công tác này, Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng có ý nghĩa lâu dài cho ngành Ngoại giao. Đồng chí đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao hoàn thiện dần hệ thống tổ chức bộ máy của Bộ, tổ chức đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ ngoại giao đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đồng chí là người đã xây dựng những nguyên tắc về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao, những nguyên tắc này cho đến nay vẫn còn giá trị. Để giải quyết tình trạng thiếu cán bộ làm công tác ngoại giao kéo dài, đồng chí Phạm Văn Chiêu vừa chú ý công tác đào tạo cán bộ ở trong và ngoài nước, vừa đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương điều động về Bộ Ngoại giao nhiều cán bộ miền Nam tập kết, đó là những cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ học vấn, giỏi ngoại ngữ. Sự trưởng thành, phát triển của Bộ Ngoại giao về sau này có công lao đóng góp của Đồng chí.

Tháng 12 năm 1963, đồng chí Phạm Văn Chiêu được chuyển công tác về làm Chánh Văn phòng Tổng cục Thống kê. Trong cương vị công tác mới, Đồng chí đã góp phần chấn chỉnh công tác văn phòng; xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa Văn phòng và Công đoàn Tổng cục để chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên.

Tháng 02 năm 1968, đồng chí Phạm Văn Chiêu nhận quyết định nghỉ hưu. Sau ngày giải phóng miền Nam, Đồng chí về sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Phạm Văn Chiêu từ trần ngày 8 tháng 9 năm 1991.

Từ một nhà giáo, nhà trí thức yêu nước trở thành người cộng sản, dấn thân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho nhân dân. Cuộc đời của Đồng chí đã gắn bó với Gia Định, với Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần làm vẻ vang cho quê hương mình. Đồng chí còn là người sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Là một nhà lãnh đạo tài năng, Đồng chí còn là một nhà viết sử. Cuốn hồi ký “Cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia Định (1945 - 1954)” không chỉ tái hiện trung thực cuộc kháng chiến ở một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, kiên cường mà anh dũng với những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà còn thể hiện phẩm chất trong sáng của Đồng chí, người luôn đề cao vai trò của nhân dân và tận tâm phục vụ nhân dân, với một tình cảm nồng nàn, sâu sắc biết ơn đồng bào tỉnh Gia Định đã viết nên những trang sử vẻ vang.

Với những cống hiến của đồng chí Phạm Văn Chiêu, Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập. Tên Đồng chí Phạm Văn Chiêu đã được đặt cho một con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, một trường Trung học cơ sở ở Quận Gò Vấp và một trường tiểu học ở Quận 12.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo