Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đồng chí Võ Văn Tuấn - Người gắn bó với công tác tuyên huấn của Đảng

Đồng chí Võ Văn Tuấn

(Thanhuytphcm.vn)- Đồng chí Võ Văn Tuấn là con trưởng trong một gia đình tiểu thương có 4 người con. Thuở nhỏ sống ở Vĩnh Long (Cửu Long). Năm lên 9 tuổi cha mất nên cùng mẹ và các em về sống ở quê ngoại tại Tân Trụ, Tân An. Tháng 5 năm 1945, học hết chương trình Trung học đệ nhất cấp (hiện nay là Trung học cơ sở) thì thoát ly tham gia kháng chiến, công tác tại cơ sở bí mật của Quận ủy quận Châu Thành, tỉnh Tân An. Đồng chí làm thư ký và là đội viên Đội Tuyên truyền vũ trang của Quận ủy. Tháng 11 năm 1945, đồng chí được Chi bộ Văn phòng Tỉnh ủy Tân An kết nạp vào Đảng. Sau đó lần lượt kinh qua các nhiệm vụ: Bí thư Chi bộ xã Vĩnh Thạnh (Mộc Hóa), Bí thư Huyện ủy huyện Mộc Hóa.

Từ giữa năm 1947 đến đầu năm 1949, đồng chí là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Tân An phụ trách công tác Tuyên huấn kiêm Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh. Đến tháng 3 năm 1949 đồng chí được điều về Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, đi học ở trường Trường Chinh của Xứ ủy Nam Bộ (khóa I).

Căn cứ vào tình hình Thành phố và yêu cầu mới của công tác xây dựng Đảng, cuối tháng 4 năm 1949, Xứ ủy Nam Bộ ra chỉ thị cho các tỉnh thành chọn cán bộ để thành lập Ban Tuyên huấn.

Tháng 11 năm 1949, Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập do đồng chí Võ Văn Tuấn (Hai Trúc) - Thành ủy viên, làm Trưởng ban. Do Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn phải đóng xa nội thành (Vàm Trà Cú - Bến Tre) nên sự chỉ đạo trong nội thành đều do Ban Cán sự nội thành.

Sau cao trào cách mạng đầu năm 1950, ở Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã bộc lộ phần lớn lực lượng bí mật, địch đánh phá ác liệt nên các cấp Đảng bộ bị tổn thất nặng. Phong trào ở Thành phố do thiếu người lãnh đạo nên tạm thời bị lắng xuống, hoạt động của Ban Tuyên huấn cũng như công tác tuyên huấn ở quận và hộ cũng giảm đi rất nhiều, không còn tích cực sôi động như trước.

Tháng 8 năm 1950, theo chủ trương của Xứ ủy, Sài Gòn - Chợ Lớn được tách ra để thành lập khu đặc biệt trực thuộc Xứ ủy. Thực hiện chủ trương đó, ngày 21 tháng 8 năm 1950, Hội nghị Thành ủy họp tại Tân Long (Thủ Dầu Một) để thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Hội nghị bầu ra Đặc khu ủy mới do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư. Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy cũng có sự thay đổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Đặc khu ủy kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn, đồng chí Võ Văn Tuấn và Huỳnh Tấn Phát làm Phó ban. Giai đoạn này, đồng chí Võ Văn Tuấn không còn trong Thành ủy mà công tác ở Ban Tuyên huấn Đặc khu, phụ trách trường Đảng và công tác Huấn học, là Ủy viên một Ban Cán sự phụ trách một cánh của Thành ủy.

Tháng 12 năm 1952, Đặc khu ủy triệu tập Hội nghị Quân Dân Chính Đảng toàn khu để thực hiện nhiệm vụ về công tác đô thị. Sau Hội nghị này, Đặc khu được chia làm các ban Tham chính đóng ở ba nơi là Tân Long (Thủ Dầu Một, Nhơn Trạch (Đồng Nai) và Quận 6 (Sài Gòn - Chợ Lớn). Ban Tuyên huấn thời gian này cũng có sự thay đổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Đặc khu kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn được rút ra Bắc, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được rút về Xứ ủy, chỉ còn đồng chí Võ Văn Tuấn - Phó ban nên công tác tuyên huấn đều phụ thuộc vào hoạt động của các ban Tham chính. Từ năm này cho đến giữa năm 1953, đồng chí Võ Văn Tuấn là Chánh Văn phòng của Đặc Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuối năm 1953, Xứ ủy bổ sung thêm cán bộ cho Đặc khu ủy và Nguyễn Văn Quảng được cử làm Trưởng Ban Tuyên huấn[1].

Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1954 đến đầu năm 1960, hệ thống tổ chức Đảng ở thành phố bao gồm Khu Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn (nằm trong phạm vi Đô thành Sài Gòn của chính quyền Ngô Đình Diệm) và Đảng bộ Gia Định (bao trùm toàn tỉnh Gia Định). Tháng 9 năm 1954, Trung ương Cục chỉ định Khu ủy mới của Sài Gòn - Gia Định gồm 13 đồng chí, Bí thư Khu ủy là đồng chí Nguyễn Văn Linh (cuối năm 1956, đồng chí Nguyễn Văn Linh được điều lên công tác ở Xứ ủy), đồng chí Võ Văn Tuấn là Ủy viên dự khuyết của Khu ủy. Từ năm 1957 đến năm 1958, đồng chí là Khu ủy viên dự khuyết phụ trách trí vận. Giai đoạn này, lực lượng cách mạng trong học sinh, sinh viên đã có bước phát triển nhanh chóng về số lượng, trong đó số khá đông là con em các tầng lớp lao động. Những cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên luôn luôn được các bậc phụ huynh và giáo chức ủng hộ.

Cuối năm 1957, tổ chức cơ sở đảng của Sài Gòn - Chợ Lớn bị thiệt hại nặng nề, có bảy đồng chí Khu ủy viên bị địch bắt, chỉ còn lại hai người là đồng chí Huỳnh Tấn Phát và đồng chí Võ Văn Tuấn. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát được điều lên Xứ ủy. Đồng chí Võ Văn Tuấn tìm cách liên lạc, móc nối với đồng chí Võ Văn Kiệt để gây dựng, phục hồi lại cơ sở đảng.

Năm 1959, Xứ ủy điều động đồng chí Võ Văn Kiệt - Xứ ủy viên, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây về Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí đã cùng đồng chí Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình) và đồng chí Võ Văn Tuấn (Hai Trúc) khẩn trương tìm hiểu, nắm số đảng viên còn lại, tiến hành ráo riết công tác giáo dục chính trị tư tưởng và sắp xếp tổ chức. Đồng chí Võ Văn Kiệt khi về phụ trách Sài Gòn đã nhận thấy nội thành Sài Gòn không có căn cứ ở nông thôn làm chỗ đứng chân nên kiến nghị với Xứ ủy sáp nhập hai Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Đảng bộ Gia Định thành một Đảng bộ lấy tên là Đảng bộ Khu Sài Gòn - Gia Định. Tháng 4 năm 1960, đồng chí Võ Văn Tuấn bị bắt, Khu ủy chỉ còn một mình đồng chí Võ Văn Kiệt.

Sau khi ra tù vào tháng 3 năm 1964, do có sai lầm trong thời gian bị tù, đồng chí Võ Văn Tuấn phải kiểm điểm và bị khai trừ ra khỏi Đảng nhưng vẫn là cán bộ Huấn học của Ban Tuyên huấn Thành ủy và sau đó là công tác nghiên cứu ở Văn phòng Thành ủy. Do nhận rõ sai phạm của mình và nỗ lực phấn đấu công tác để khắc phục lỗi lầm, đến tháng 10 năm 1967, đồng chí Võ Văn Tuấn được kết nạp trở lại vào Đảng.

Từ tháng 10 năm 1967, đồng chí tiếp tục làm công tác nghiên cứu ở Văn phòng Thành ủy, sau đó phụ trách một đoàn cán bộ dân chính đảng phối hợp với đơn vị bộ đội vũ trang tiến vào Sài Gòn thực hiện Tổng tấn công Xuân Mậu Thân, với nhiệm vụ là đánh đến đâu thì xây dựng chính quyền, xây dựng các đoàn thể cách mạng đến đó. Tuy nhiên, ở đợt tiến công này ta chỉ đánh thời gian ngắn rồi rút ra.

Từ năm 1968 đến năm 1972, đồng chí là Chánh Văn phòng Thành ủy.

Giai đoạn từ tháng 4 năm 1972 đến tháng 6 năm 1975, đồng chí là Thành ủy viên Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, lần lượt giữ các nhiệm vụ: Chánh Văn phòng Thành ủy, Trưởng Tiểu ban Huấn học Ban Tuyên huấn Thành ủy, Ủy viên Ban Tuyên huấn Thành ủy, rồi lại Chánh Văn phòng Thành ủy.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 6 năm 1975, đồng chí là Phó Văn phòng Thành ủy, Trưởng Tiểu ban Nghiên cứu của Văn phòng Thành ủy. Đến tháng 3 năm 1976, đồng chí được phân công giữ nhiệm vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí mất ngày 13 tháng 3 năm 1987, thọ 63 tuổi.

Ghi nhận công lao đóng góp của đồng chí, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho đồng chí: Huân chương Giải phóng hạng Ba; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

_____________________

[1] Đến tháng 10 năm 1957, Nguyễn Văn Quảng phụ trách Tuyên huấn Khu đã đầu hàng phản bội, cơ sở tuyên huấn, báo chí, văn nghệ bị tổn thất nặng.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo