Các đoàn diễn viên hóa trang thành Thần tài, các vị tướng, tiên nữ, bát tiên, Phúc, Lộc, Thọ trong Đêm hội Nguyên tiêu. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) (Thanhuytphcm.vn)- Bộ VHTT-DL vừa ban hành Quyết định về việc đưa Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5, TPHCM, một trong những lễ hội thường niên của thành phố mỗi dịp Rằm tháng Giêng, thu hút sự tham gia của hàng ngàn người, vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Nguyên tiêu” có nghĩa là đêm vọng đầu tiên của năm mới. Vào dịp Nguyên Tiêu, người Hoa thường đi chùa, miếu để cầu cho một năm bình an, khỏe mạnh và phát tài phát lộc. Tết Nguyên Tiêu được tổ chức chủ yếu tại các Hội quán - nơi thờ tự của cộng đồng. Các nhân vật được thờ tại các Hội quán như: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh, Ông Bổn (Phước Đức Chính Thần), Kim Long (các vị thần thuộc tín ngưỡng Tam Nguyên - Tam Quan), các vị thần người Hoa,…
Lễ hội sử dụng nông lịch, kết thúc năm cũ, mở ra năm mới với nhiều phong tục, nghi thức, đoàn tụ gia đình, vui chơi, xuất hành làm ăn,…
Lễ hội chính được tổ chức vào đêm rằm tháng Giêng với phần lễ, hội đa dạng, đặc sắc và phong phú tại các Hội quán, gia đình như: các nghi thức lễ, diễu hành, trình diễn ca kịch cổ truyền, múa lân sư rồng, đố chữ, thư pháp, trình diễn âm nhạc (Đại la cổ Triều Châu, Nhạc lễ Phúc Kiến),… Các hoạt động này được tổ chức trong suốt thời gian từ ngày mùng 10 tới hết tháng Giêng. Các hoạt động cúng lễ cũng được các gia đình người Hoa tổ chức tại gia đình. Bên cạnh các hoạt động lễ hội được tổ chức tại các Hội quán, gia đình, chính quyền và cộng đồng người Hoa ở Quận 5 tổ chức nhiều hoạt động trình diễn, giới thiệu, giao lưu văn hóa tại các Trung tâm văn hóa thuộc các cộng đồng, phường, quận.
Các vật phẩm trong lễ cúng tế được cộng đồng, gia đình chuẩn bị công phu theo cách truyền thống như: nhang, đèn, heo quay, mâm xôi, Tam sên (cua, trứng, thịt lợn), bánh cúng (bánh bò, bánh bao, bánh lá liễu, bánh con rùa), chè trôi nước, mâm quýt,… Các tập tục trong ngày lễ hội được cộng đồng, gia đình thực hiện như: đốt nhang vòng, dán giấy cầu an, lì xì, dâng dầu đèn, chui bụng ngựa, vay phú miếu, thỉnh thánh đăng, cũng lễ đôi đèn, hơ lên lửa đèn lễ và vuốt lên cơ thể,….
Lễ hội có sự tham gia của người Hoa, người Kinh sinh sống ở TPHCM với trung tâm là Quận 5 mang giá trị cố kết cộng đồng, giao lưu, giao thoa văn hóa của người Hoa nói riêng và với các cộng đồng người khác nói chung. Thông qua lễ hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Hoa được giữ gìn và phát huy. Không gian văn hóa lễ hội là dịp để thể hiện, giới thiệu, lưu giữ các truyền thống văn hóa đặc sắc. Nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, chế tác, kỹ thuật, sản vật đặc sắc, truyền thống được tạo ra và giới thiệu tại lễ hội. Lễ hội thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia, đem lại lợi ích về văn hóa, kinh tế cho cộng đồng.
Lễ hội vẫn đang được duy trì và phát huy tốt tại cộng đồng trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh của đô thị lớn. Cộng đồng người Hoa cùng chính quyền Quận 5 đã phối hợp, chung tay bảo vệ, gìn giữ di sản.
Cùng với “Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5, TPHCM”, 10 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đợt này thuộc 4 loại hình: Nghề thủ công truyền thống, Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Tri thức dân gian. Cụ thể gồm có: Lễ hội làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội; Lễ hội Gầu tào của người Mông, huyện Phong Thổ, huyện Sìn Hồ, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; Lễ hội Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; Lễ cấp sắc (Tủ cải) của người Dao Quần chẹt, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên; Lễ hội Đền, Chùa Linh Quang, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Nghề làm trống của người Dao Đỏ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai; Lễ Cấp sắc của người Dao Tiền, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; Nghi lễ Gội đầu (Lúng ta) của người Thái Trắng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.