Phải phá “cái dạ dày” chứa đầy bom đạn
Đã bước vào tuổi 86, nhưng ông vẫn còn khỏe, giọng nói sang sảng, đầu óc minh mẫn, đặc biệt là ông có trí nhớ rất tốt. Ông kể, quê ông ở Cà Mau, năm 1947 ông lên Sài Gòn kiếm sống rồi theo cách mạng tham gia kháng chiến. Khi đánh kho bom Phú Thọ ông mới 23 tuổi, trẻ nhất trong tổ. Nhớ lại câu chuyện cách đây 63 năm, ông cho biết, để có được thành công lớn của trận đánh, anh em phải gian nan vất vả lắm. Đánh thì nhanh, nhưng công tác điều tra, nghiên cứu, trinh sát thì vô cùng vất vả và đầy nguy hiểm. Đây là kho dự trữ chiến lược bom, đạn, nhiên liệu phục vụ cho Pháp trong chiến tranh Việt Nam và Đông Dương thời kỳ 9 năm…
Hệ thống của kho bom hình bầu dục rộng gần 3.000 mét vuông nằm trong vạt rừng cao su ở hướng tây Sài Gòn - mạn đường Lũy Bán Bích quận Tân Phú dọc lên ngã tư Bà Quẹo, quận Tân Bình ngày nay. Bấy giờ nhà cửa, dân cư còn thưa thớt, ruộng đồng chủ yếu là cây tạp, bưng lác. Kho được canh phòng hết sức nghiêm ngặt, ngoài cùng là 6 hàng rào dây thép gai, cách 25 mét có một bóng đèn pha, 100 mét lại có một tháp canh. Trong rào, chúng bố trí đủ loại mìn, bẫy chông. Không những vậy, xung quanh kho còn có đường xe cơ giới, lính bộ binh và chó béc-giê tuần tra.
Ngoài cùng của các hàng rào là một bãi đất trống đèn soi thâu đêm tưởng như đến con chuột cũng khó thoát chứ đừng nói đến cả chục con người ta với vũ khí, thuốc nổ chằng buộc quanh thân trong thế bị động. Ngoài ra, chúng còn có một lực lượng bên trong cùng một đại đội lính đánh thuê và 2 tiểu đoàn ở bên ngoài sẵn sàng ứng chiến khi có động…
Giọng ông háo hức khi nhớ lại: Biết là nguy hiểm và có thể không còn người nào trở về sau trận đánh, nhưng anh em ai nấy đều hừng hực khí thế thể hiện quyết tâm cao độ. Đó là, bằng mọi giá phải phá bằng được “cái dạ dày” chứa đầy bom đạn này. Pháp tuy đã đại bại ở Điện Biên Phủ, nhưng ở Nam bộ chúng vẫn còn một lực lượng quân sự lớn. Vì thế việc tiêu diệt kho bom này sẽ có ý nghĩa rất lớn. Đó sẽ là quả đấm bồi, đấm nhồi sau trận Điện Biên Phủ góp phần làm cho bộ máy chiến tranh của Pháp ở Việt Nam sụp đổ hoàn toàn. Và với trận đánh này, ta sẽ chính thức dập tắt giấc mơ của người Pháp muốn trở lại thống trị Đông Dương lần nữa.
Sau những ngày điều nghiên nắm tình hình, rạng sáng ngày 2/6/1954, Tổ của ông gồm Nguyễn Văn Cự (tức Ba Huỳnh), Phạm Văn Hai, Bùi Văn Ba, Tạ Minh Dục, Mai Văn Ổn (tức Tư Sơn), Nguyễn Văn Phép (tức Thép), Trần Văn Bích (tức Khưu Bộ Đích), Nguyễn Văn Nết (tức Thân), Dương Gia Lũy (tức Lê Đình Sâm) và một chiến sĩ nữa tên Chơn đã luồn lách, ém quân thực hiện trận đánh. Một điều thuận lợi cho ta là, trong số nhân viên phục dịch làm việc ở kho bom có một nội gián của ta, nên việc nắm đường đi lối lại, phân định các lô, các khu kho chứa những loại bom, loại đạn của địch ta đều nắm rất kỹ qua sơ đồ bản vẽ được người bên trong cung cấp. Sau này mới biết, người làm nội gián đó chính là con ruột của Ba Huỳnh. Tiếc rằng, sau khi tập kết ra Bắc, ông không còn được thông tin gì về người con của Ba Huỳnh nữa.
Đêm ngày 1 rạng sáng ngày 2/6/1954, kho bom Phú Thọ nổ tung, nhà cửa, mặt đất chuyển rung, lửa cháy rực trời, khói đen phủ đầy cửa ngõ phía tây thành phố. Với cách đánh bí mật, bất ngờ, luồn sâu, ém sát, Tổ đặc công của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không một ai thương vong. Đây là trận đánh đặc công nổi tiếng ở Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đạt hiệu suất rất cao. Kết quả là, hơn 9.000 tấn bom đạn, 10 triệu lít xăng dầu, 28 khu nhà kho của địch bị thiêu hủy; một đại đội lính Âu Phi bị diệt; gần 400 tên địch đến ứng cứu bị tiêu hao nặng.
Không quên ký ức xưa…
Sau trận đánh này, Tiểu đoàn Quyết tử 950 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; Bùi Văn Ba, Phạm Văn Hai, Tạ Minh Dục được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Gần 2 tháng sau thì Hiệp định Genève ký kết (20/7/1954). Đầu năm 1955 ông tập kết ra Bắc.
Trong câu chuyên thân tình, ông còn cho biết một chi tiết khá thú vị. Đó là, ông Mai Văn Ổn (Tư Sơn) trong thời gian tập kết sống ở Hà Nội, là người đã trực tiếp bắt sống viên thiếu tá không quân Mỹ John McCain (Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ hiện nay) ngày 26/10/1067 ở hồ Trúc Bạch trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ lần thứ nhất ra miền Bắc.
Sau giải phóng năm 1975 ông Hà Quang Minh trở vào Nam và làm việc ở TPHCM. Năm 1982 ông nghỉ hưu. Vợ ông, bà Nguyễn Huệ Phi xấp xỉ tuổi ông và cũng là cô gái miền Nam tập kết quê ở Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Năm 1964 hai người tổ chức đám cưới và có với nhau hai người con gái. Cô gái đầu sinh năm 1967, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn quận Thủ Đức, còn cô em thì theo nghề kinh doanh. Cuộc sống của vợ, chồng ông và các con cháu lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.
Người lính già nay đã yên lòng với cuộc sống hiện tại khi niềm vui trong ông quá nhiều,… Ông nói: Vui vì đã làm tròn bổn phận của người lính; vui vì quê hương, đất nước đổi thay, phát triển từng ngày. Nhưng rồi, giọng ông lặng xuống khi không ít đêm nằm đầu óc cứ suy tư nhớ về đồng đội trong những ngày gian lao mà đầy vinh hạnh, tự hào, nhớ về Cà Mau dải đất cuối cùng của đất nước quê hương nơi chôn rau cắt rốn của ông; nhớ về những tháng năm trên đất Bắc dù cuộc sống còn thiếu thốn khó khăn nhưng nghĩa tình sâu đậm. Tất cả đều đã qua, và không buồn sao được, khi đồng đội 10 người trong trận đánh năm xưa giờ đây chỉ còn lại một mình ông…
Hàng chục năm qua, hầu như năm nào Quận Tân Bình cũng tổ chức kỷ niệm trận đánh kho bom Phú Thọ, dù đường xa, mưa nắng thất thường nhưng chưa lần nào ông vắng mặt…