Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

Giá trị văn hóa của Di chúc Hồ Chí Minh

PGS.TS Phan Xuân Biên phát biểu tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Di chúc của Bác Hồ là một văn kiện có giá trị lịch sử và có ý nghĩa thời đại sâu sắc, tài sản vô giá được xếp vào đỉnh cao giá trị trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. 50 năm qua, kể từ lúc Bác đi xa, đã có biết bao công trình nghiên cứu, giới thiệu về tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn về lý luận, thực tiễn của Di chúc Bác Hồ. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thẩm thấu sâu sắc hơn về tầm cao trí tuệ, sự sâu sắc về tư tưởng, sự anh minh của nhà hiền triết, sự thiên tài của lãnh tụ cách mạng, lòng nhân ái bao la của Bác Hồ kính yêu.

Trong khuôn khổ một bài tham luận Hội thảo, xin nêu một số suy nghĩ về giá trị văn hóa của Di chúc Hồ Chí Minh.

1. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta gần đây, cụ thể như trong Nghị quyết số 33/NQ-TW được Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XI đã đề ra mục tiêu “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”. Trong bối cảnh của nước ta hiện nay, xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam là một nhiệm vụ vô cùng bức thiết. Theo đó, đã có rất nhiều công trình khoa học thuộc các cấp độ quản lý khác nhau nghiên cứu khá kỹ về Hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, nêu ra rất nhiều nội dung quan trọng với khối lượng tư liệu đồ sộ, vốn tri thức phong phú, đa dạng, phải tốn nhiều thời gian, trí lực mới nắm bắt được. Theo cách hiểu đơn giản, nôm na thì giá trị văn hóa (Cultural Values)[1] là những yếu tố cốt lõi tiêu biểu mang tính chuẩn mực, làm nên bản sắc văn hóa, nó được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử của mỗi cộng đồng trong những điều kiện, môi trường tự nhiên và xã hội nhất định và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Văn hóa là sản phẩm hoạt động có mục đích của con người, nên nói đến văn hóa là nói đến con người, không có thứ văn hóa nào không thuộc về con người, không liên hệ gì đến con người. Cho nên, hiện nay, nhiều người cho rằng không thể tách bạch “hệ giá trị văn hóa” và “hệ giá trị con người” mà nên chỉ bàn về “Hệ giá trị Việt Nam” tức là hệ giá trị quốc gia. Từ trước đến nay, những nhà nghiên cứu gạo cội về văn hóa cho đến các chuyên gia liên ngành gần đây thường đưa ra hệ giá trị của văn hóa Việt Nam như yêu nước, cần cù, đoàn kết, tự lực tự cường, sáng tạo, nhân ái[2] …

Từ khi Đổi mới đến nay, trong bối cảnh mới của đất nước, hệ giá trị văn hóa Việt Nam đang có sự biến động lớn với những chiều kích khác nhau. Dư luận xã hội  hiện nay đặt ra một vấn đề là, trong lúc kinh tế đất nước có sự phát triển rõ rệt, đời sống vật chất của nhân dân không ngừng được cải thiện, vận nước đang lên, nhưng “thành tựu phát triển văn hóa, xây dựng con người chưa tương xứng” với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Những yếu kém, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa được nhận ra từ lâu nhưng chậm được khắc phục, những năm gần đây một số mặt có chiều hướng trầm trọng hơn. Do vậy, nghiên cứu, chắt lọc các giá trị văn hóa Việt Nam đã được đúc kết, bổ sung thêm một số giá trị sản sinh ra trong thời hiện đại, tham khảo các giá trị chung của nhân loại, xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là hết sức cần thiết, là nhiệm vụ to lớn của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Trong tiến trình đó, thiết tưởng tìm hiểu, khẳng định những giá trị văn hóa của Di chúc Bác Hồ là điều bổ ích.

2. Từ những điều trên đây, dễ dàng nhận ra những giá trị văn hóa hàm chứa sâu sắc trong Di chúc Bác Hồ. Bản Di chúc của Bác được soạn thảo, bổ sung, hoàn chỉnh từ tháng 5/1965 đến tháng 5/1969, “tuy rất ngắn gọn, song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm”[3] của Bác Hồ, trong đó toát lên một giá trị của văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước. Lòng yêu nước là nền tảng, là động lực của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trở thành hệ giá trị cốt lõi của cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong Di chúc, Bác Hồ nói nhiều về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, về ý chí và niềm tin sắt đá đối với sự thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người …”, “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi”, “Tổ quốc ta nhất định thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”, “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” … Từ lòng yêu nước, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Sau 30 năm bôn ba khắp hải ngoại, Nguyễn Ái Quốc về nước để lãnh đạo Nhân Dân Việt Nam “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, đập tan ách nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật đổ chế độ phong kiến, giang sơn gấm vóc thu về một mối. Từ khi đất nước tạm thời bị chia cắt (1954), phần lớn trí tuệ sức lực, tình cảm Bác Hồ giành cho cuộc kháng chiến chống Mỹ để thống nhất đất nước. Rõ ràng, từ Yêu sách của nhân dân An Nam (1919) đến Chương trình Việt Minh (1941) qua Tuyên ngôn Độc lập (1945) và Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (1966) đến Di chúc của Người đã xuyên suốt tinh thần “ái quốc” của Bác Hồ, vốn được hun đúc từ mạch nguồn lịch sử, từ văn hóa Việt Nam. Từ “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” qua “Xã tắc từ đây bền vững, giang sơn từ đây đổi mới” đến “Còn non, còn nước, còn người, Thắng giặc Mỹ ta lại xây dựng hơn mười ngày nay” là dòng chảy của văn hóa Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước. Đó chính là một giá trị văn hóa của Di chúc, Bác muốn để lại cho đồng bào, đồng chí, cho thế hệ mai sau  lời dặn dò về lòng yêu nước, hạt nhân cơ bản của văn hóa Việt Nam. Tuân theo giá trị của lời dặn đó, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ bao quát của sự nghiệp xây dựng văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa tiên tiến là một nền văn hóa yêu nước và tiến bộ…; bản sắc dân tộc của Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn … nên phải vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước, thi đua yêu nước …

Trong Di chúc, Bác Hồ đã “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng…” thể hiện sinh động sâu sắc tình nhân ái bao la, hàm chứa trọn vẹn chủ nghĩa nhân văn, một giá trị chuẩn mực của văn hóa Việt Nam. Ai ai cũng biết, Bác Hồ sinh ra ở “Xứ Nghệ đất cằn cỗi, dân nghèo”, cảnh nghèo túng, bần hàn, thiếu trước hụt sau của gia đình, nhất là lúc một mình cơ cực vượt qua cơn hoạn nạn, khi cha vắng, ông bà ở xa, dù mới 11 tuổi đã phải đơn côi một mình lo tang mẹ, rồi sớm hôm đi xin sữa, xin cháo nuôi em sơ sinh, Nguyễn Sinh Cung đã thẩm thấu sâu sắc tình làng nghĩa xóm, lòng dân, nghĩa đồng bào. Nên lúc sinh thời, Bác Hồ đã dành hết tất cả lòng bác ái ấm áp tình thương cho đồng bào, già trẻ, trai gái, Bắc, Nam, miền xuôi, miền ngược. Vậy nên, trước lúc đi xa, Bác căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù … Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Tính nhân văn – một giá trị cốt lõi cơ bản của văn hóa Việt Nam được thể hiện trong Di chúc của Người là tình cảm thương yêu của Bác đối với tất cả các giới đồng bào, luôn đặt con người ở vị trí trước tiên, vị trí trung tâm, “đầu tiên là công việc đối với con người”. Trước hết, là “đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (Cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong), phải tìm mội cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, mở lớp dạy nghề thích hợp với mọi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với liệt sỹ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của các lực sỹ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với gia đình thương binh, liệt sỹ thì phải giúp đỡ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét … Đây là đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” thấm đẫm trong văn hóa, con người Việt Nam mà Bác Hồ muốn truyền dạy lại cho mọi người trước lúc đi xa. Tính nhân văn chan chứa tình người của Bác được dành cho tất cả các giới đồng bào, cho mọi tầng lớp nhân dân. Bác quan tâm đặc biệt đến nông dân, lực lượng đông đảo nhất của nước ta đã “ra sức góp của, góp người, chịu đựng mọi khó khăn gian khổ …, nên sau ngày thắng lợi miễn thuế nông nghiệp một năm”(!). Bác rất quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, các giới đồng bào, từ thanh niên, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong đến phụ nữ, mong sao để mọi người có đủ trình độ, đạo đức phục vụ đất nước. Từ lòng nhân ái, bao dung, thương người mà Bác đã quan tâm tới những nạn nhân của xã hội thực dân như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, cần phải giáo dục giúp đỡ họ hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội. Nhân ái, khoan dung, độ lượng, trọng nghĩa tình, đạo lý và cả “từ bi hỉ xả”, những giá trị văn hóa truyền thống đó đã thấm sâu vào con người của Bác và trước lúc đi xa, Bác muốn nhắc nhở mọi người sống tốt, sống có trách nhiệm, sống có tình thương con người, có trái tim nồng ấm “ôm cả non sông, mọi kiếp người”.

Toành cảnh Hội thảo Toành cảnh Hội thảo

Nghị quyết Trung ương lần thứ V (khóa 8) và gần đây là Nghị quyết Trung ương IX (Khóa XI) đều có xác định “nghĩa tình, đạo lý” là một giá trị bền vững, tinh hoa của văn hóa dân tộc hay một đặc tính của con người Việt Nam. Yếu tố giá trị văn hóa này được toát lên rõ nét trong Di chúc của Bác Hồ. Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó (ngày mà cuộc kháng chiến chống Mỹ đã thắng lợi- PXB), tôi sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sỹ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý…, đi thăm và cảm ơn các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Đây chính là thể hiện cái tình – “tiếng tơ lòng quý báu”, là đạo nghĩa vốn có của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong thời đại nào cũng phải có. Một nội dung quan trọng về giá trị văn hóa của Di chúc Hồ Chí Minh là ở đó Bác Hồ đã căn dặn rất nhiều điều cơ bản về “xây dựng văn hóa trong chính trị”, đặc biệt là xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước và các đoàn thể” mà gần đây, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã nhấn mạnh. Rõ ràng, vốn là người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta, bằng sự hiểu biết cặn kẽ về những biến động thường xảy ra trong giai đoạn “chuyển tạo lịch sử”, bằng sự mẫn cảm đặc biệt vốn có, bằng lý luận “Muốn cách mạng thành công phải có Đảng lãnh đạo”, “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là điều tiên quyết bảo đảm sự thắng lợi của cách mạng”. Trong Di chúc, Bác đã dành những điều “Trước hết, nói về Đảng”, rồi yêu cầu “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng’, Bác Hồ đã chỉ ra những điều phải làm khá rõ ràng, cụ thể. “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và Nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Nếu chúng ta soi xét vào tình hình nội bộ Đảng ta hiện nay, nào là “lợi ích nhóm”, lợi ích cá nhân ích kỷ, dẫn đến “phe cánh” với những thủ đoạn phi đạo đức, gài bẫy, hạ bệ nhau, rồi mafia thì lời dặn của Bác có giá trị lâu bền ra sao! Đoàn kết là giá trị, sức mạnh, là yếu tố hạt nhân của văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý. Tuân theo lời căn dặn, Đảng ta đã luôn chủ trương “giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội. Dưới góc độ văn hóa, đoàn kết là một giá trị to lớn, là “sức mạnh vô địch của chúng ta”.

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là phương cách, giải pháp để xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan nhà nước và các đoàn thể. Tự phê bình và phê bình phải trung thực, thành tâm, không được “giấu bệnh, sợ thuốc”, “không đặt điều”, “không thêm bớt”, “không phải để công kích, để nói xấu, để chửi rủa…”, “phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”. Tự phê bình và phê bình là thể hiện văn hóa ứng xử giữa con người với con người, hơn nữa đây là những con người trong tổ chức tiên tiến, tiên phong nhất, những người cùng chí hướng, cùng lý tưởng … cho nên tự phê bình và phê bình, kiểm điểm công tác, phân loại đảng viên công chức hàng năm là thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan Nhà Nước, trong các đoàn thể chính trị - xã hội. Đó là giá trị văn hóa của Di chúc Hồ Chí Minh.

Văn hóa là sản phẩm hoạt động có định hướng của con người. Cho nên xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước, phải xây dựng từ con người mà trước hết là cán bộ mà cốt lõi là phải “vừa hồng”, “vừa chuyên”. Trong Di chúc, Bác Hồ đã căn dặn khá rõ ràng về công tác giáo dục đào tạo, coi “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” để có “những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Đặc biệt, Bác Hồ đã dặn rất kỹ về rèn luyện đạo đức. Đạo đức là nhân tố cốt lõi của văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, Bác căn dặn “Đảng ta là đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Soi xét vào tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay (tham nhũng, lãng phí, thực dụng, háo danh, vụ lợi, cục bộ, bè phái, quan liêu, xa dân, vô cảm, sống xa hoa …), càng thẩm thấu sâu sắc giá trị văn hóa của “lời dặn lại” của Bác Hồ trước lúc đi xa. Tuân theo lời dạy của Bác Hồ, trong thời gian gần đây, Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết về xây dựng Đảng, xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước, tiêu biểu như Nghị quyết TW4 (khóa XI), NQ TW4 (Khóa XII), NQ TW9 (khóa IX)… với mong ước nâng cao văn hóa lãnh đạo, quản lý, coi đó là nhiệm vụ then chốt, nhằm nâng tầm người đại diện cho văn hóa Việt Nam thực sự “là đạo đức, là văn minh”, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

3. Giá trị văn hóa của Di chúc Bác Hồ không những hàm chứa và được toát lên từ nội dung, ngôn ngữ diễn đạt của Bác trong “lời dặn lại” như trên đã nêu, mà còn phản ánh chân thực tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một “danh nhân văn hóa kiệt xuất”, “suốt đời hết lòng hết sức phục vụ Tổ Quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” với “ham muốn tột cùng là ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành” và “mong muốn cuối cùng là toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh …”. Và giá trị văn hóa của Di chúc còn ở chính tác phẩm. “Đó là một tác phẩm văn chương đặc biệt trong văn học Việt Nam hiện đại (thế kỷ XX), một tác phẩm giản dị, trong sáng, sâu sắc, rộng lớn và vô cùng trọn vẹn, hoàn hảo. Trong lịch sử văn học dân tộc chưa từng có một tác phẩm như thế; trong lịch sử văn học thế giới cũng hiếm có một tác phảm như thế”[4]. Nội dung, tư tưởng, giá trị nghệ thuật của Di chúc phản ánh giá trị văn hóa sâu sắc, có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng Tổ Quốc Việt Nam, trong đời sống của mỗi con người nước Việt, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Bác đi … Di chúc giục lòng ta

Cho cả muôn đời một khúc ca

Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn

Và tình thương, ơn nghĩa bao la …[5]”.

-------------------------------------------------------------------
[1] Khái niệm này được dùng khá phổ biến. Nếu gõ trên Google sẽ cho kết quả rất phong phú, có thể lên hàng triệu thông tin.

[2] - Trần Văn Giàu (1980). Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. NXB KHXH, Hà Nội.

- Phạn Ngọc (1999). Bản sắc văn hóa Việt Nam. NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.

- Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (chủ biên, 1999). Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam ngày nay. NXB Thế giới. Tập 1, 1996 – tập 2.

- Ngô Đức Thịnh (chủ biên, 2014). Giá trị văn hóa Việt Nam - Truyền thống và biến đổi. NXB Chính trị Quốc gia.

- Trần Ngọc Thêm (2016). Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai. NXB Văn Hóa Văn nghệ TPHCM …; và nhiều tác phẩm khác.

[3] Phạm Văn Đồng. Bản Di chúc bất hủ sáng ngời tính thời sự. Báo Nhân Dân, ngày 19/5/1997.

[4] GS.Trần Thanh Đạm. Phong cách Hồ Chí Minh, Nhân cách Hồ Chí Mnh trong Di chúc của Người. Trong sách “Sài Gòn – TPHCM 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”. NXB Tổng hợp TPHCM (Tr.35).

[5] Tố Hữu. “Theo chân Bác” (Thơ). Tháng 1 năm 1970.

PGS. TS Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo