Thứ Năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024

Giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên trong giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng

Đồng chí Hà Phước Thắng điều hành hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.

NCTN cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt

Dự thảo Luật Tư pháp NCTN gồm 11 Chương, 173 Điều được quy định các nội dung như: về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với NCTN phạm tội; thủ tục tố tụng đối với NCTN là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp NCTN…

Góp ý dự thảo Luật Tư pháp NCTN, các đại biểu cho rằng, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, được thể hiện trong nhiều nghị quyết, văn kiện quan trọng. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".

Theo các đại biểu, NCTN là nhóm dễ bị tốn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự… Góp ý về biện pháp xử lý chuyển hướng, Luật sư Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho rằng, biện pháp xử lý chuyển hướng là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa thay thế cho hình phạt áp dụng đối với NCTN phạm tội theo quy định của Luật này, bao gồm các biện pháp khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; cấm tiếp xúc; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thanh, dự thảo Luật đưa ra 12 biện pháp xử lý chuyển hướng nhưng cần làm rõ hơn quy định về  nguyên tắc áp dụng NCTN phạm tội có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng. “Một trong những biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội trong dự thảo luật có biện pháp hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại” - Luật sư Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thanh, hạn chế khung giờ đi lại là việc giới hạn NCTN phạm tội ra khỏi nhà vào khung giờ nhất định trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, trừ trường hợp được người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cho phép. Do vậy, đề nghị dự thảo Luật quy định chặt chẽ để biện pháp trên có tính khả thi trên thực tiễn.

Luật sư Nguyễn Thị Thanh góp ý dự án Luật Luật sư Nguyễn Thị Thanh góp ý dự án Luật

Đồng quan điểm về áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, quy định này không bảo đảm được tinh thần "phát triển tư pháp thân thiện với NCTN phạm tội", nhất là trong thực tế có nhiều trường hợp thời gian xem xét bị kéo dài gây ảnh hưởng, thiệt hại quyền lợi cho người phạm tội chưa thành niên. Do đó, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng vì lý do khách quan đã kéo dài thời gian xem xét NCTN phạm tội. Vì vậy, nếu người phạm tội đã đủ 18 tuổi thì vẫn áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 36, Điều 37, Điều 38, trừ các biện pháp xử lý chuyển hướng không thể áp dụng đối với người đã đủ 18 tuổi như: giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bổ sung chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch MTTQ Việt Nam cấp xã,… có quyền kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Có buồng giam riêng cho NCTN phạm tội

Góp ý về NCTN là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án, một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ thế nào là "vai trò không đáng kể trong vụ án" để đảm bảo tính nghiêm minh, khách quan, công bằng trong xử lý.

Góp ý về người làm công tác xã hội, các đại biểu cũng cho rằng, vai trò của người làm công tác xã hội thực sự rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động tư pháp NCTN. Do vậy, cần quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, đặc biệt là cơ sơ, có được đội ngũ này sẽ tham gia vào hoạt động tư pháp NCTN, góp phần hạn chế tối đa việc áp đặt một chiều các biện pháp mang tính cưỡng chế, nghiêm khắc từ phía cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhân viên công tác xã hội cho phù hợp với từng địa bàn; cần quan tâm đến chế độ, chính sách khả thi cho những người làm công tác xã hội, đặc biệt là chế độ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ khi tham gia vào hoạt động tư pháp NCTN. Vì đây là một lĩnh vực đặc thù cần có nghiệp vụ và chuyên môn sâu.

Góp ý về bảo đảm giữ bí mật cá nhân, các đại biểu cho rằng, dự thảo đã bổ sung giữ bí mật cá nhân của NCTN trong giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng là cần thiết và thỏa đáng đối với NCTN là bị can, bị cáo, người vi phạm pháp luật hình sự. Do vậy, có ý kiến đề nghị bổ sung bảo đảm giữ bí mật cá nhân cả trong giai đoạn NCTN đã trưởng thành. Vì hiện nay đang phát triển về quyền được quên của người vi phạm pháp luật. Do đó, cần phát triển quyền được quên của NCTN vi phạm pháp luật hình sự khi họ đã trưởng thành.

Góp ý về trách nhiệm của gia đình trong việc thi hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bổ sung khi nhận Quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đại diện gia đình phải có cam kết thực hiện trách nhiệm của gia đình trong việc thi hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Đối với phạt tiền, Luật sư Trương Thị Hoà đề nghị bổ sung "người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời".

Góp ý về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, một số ý kiến đề nghị bổ sung chương trình đào tạo luật sư, trợ giúp viên pháp lý phải có nội dung đào tạo về nhận thức, kỹ năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NCTN. Đối với điều kiện cơ sở vật chất của trại giam, các đại biểu cho rằng cả 2 mô hình trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho NCTN trong trại giam nhưng cần nỗ lực theo hướng trại giam riêng cho NCTN phạm tội.

Có ý kiến cho rằng, cần có những buồng giam riêng cho NCTN vi phạm pháp luật và người song tính, đồng tính và chuyển giới… Đối với quy định về chế độ gặp thân nhân, liên lạc, nhận quà của học sinh trường giáo dưỡng, một số đại biểu kiến nghị cần quy định cụ thể về thời gian, số lần gặp thân nhân, liên lạc qua điện thoại với thân nhân trong tuần, tháng. Về quy định tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, có đại biểu đề nghị giữ nguyên theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự. Bởi việc xem xét, quyết định hình phạt đối với NCTN còn được đánh giá trên cơ sở tâm lý, độ tuổi, nhận thức của người đó tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.

Kết luận hội nghị, đồng chí Hà Phước Thắng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu đối với dự thảo Luật Tư pháp NCTN; đồng thời cho biết các ý kiến sẽ được tiếp thu, xem xét và tổng hợp để Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM làm cơ sở tham gia đóng góp tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo