Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và các đồng chí lãnh đạo tặng hoa chúc mừng ban chấp hành mới * Đồng chí Nguyễn Đình Khang tái đắc cử Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII
(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 3/12, tại Hà Nội, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra phiên bế mạc. Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương.
Trong phiên bế mạc, đại hội tiến hành các nội dung: báo cáo tiếp thu, giải trình vào dự thảo báo cáo của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; báo cáo tiếp thu, giải trình Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); thảo luận, biểu quyết thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam; báo cáo kết quả phiên họp thứ nhất Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII.
Cũng trong sáng 3/12, Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII ra mắt Đại hội.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương báo cáo kết quả hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐV khóa XIII cho biết, hội nghị đã bầu 28 đồng chí tham gia Đoàn Chủ tịch; bầu đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam giữ chức Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII; bầu 5 đồng chí, gồm: Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu, Thái Thu Xương, Huỳnh Thanh Xuân, Nguyễn Xuân Hùng giữ chức Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ khóa XIII; bầu Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam khoá XIII gồm 17 đồng chí; bầu đồng chí Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Thay mặt Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII phát biểu nhận nhiệm vụ, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, đây vừa là vinh dự to lớn, song cũng gắn với trọng trách nặng nề mà đại hội và cán bộ đoàn viên cả nước tin tưởng giao phó cho tập thể ban chấp hành. Nhiệm kỳ 2023-2028, bên cạnh những thời cơ và nhiều thuận lợi, Công đoàn Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn như báo cáo trình đại hội đã chỉ rõ. Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của đại hội và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đại hội đề ra, Ban Chấp hành khóa XIII sẽ kế thừa và tiếp tục phát huy những thành quả, kinh nghiệm qua các kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam, quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vượt mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và đoàn viên, người lao động cả nước giao phó.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang thay mặt Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XIII phát biểu nhận nhiệm vụ Trước đó, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu báo cáo tiếp thu, giải trình tập trung vào những nội dung lớn của dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cho biết, thông qua trao đổi, thảo luận sôi nổi, đã có nhiều đề xuất sáng kiến nhằm tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động Công đoàn Việt Nam để thích ứng với bối cảnh tình hình mới; góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại; đóng góp trực tiếp và nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Các đại biểu đề nghị công đoàn cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động. Tăng cường thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, huy động các nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ cho người lao động; rà soát, ký kết các thỏa thuận hợp tác có chất lượng, nâng cao phúc lợi cho người lao động; phối hợp tham gia triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”…
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cũng trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn với Đảng, Nhà nước. Theo đó, Công đoàn Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích và trách nhiệm của người lao động và hoạt động công đoàn. Các dự án luật cần được khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp; các quy định đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế, thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động; giúp người lao động được thụ hưởng thành quả xứng đáng với sự đóng góp của họ trong gần 40 năm đổi mới đất nước.
Tại Đại hội này, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam trân trọng đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng quan tâm có cơ chế phân bổ biên chế phù hợp với số lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và cho phép TổngLĐLĐ Việt Nam sớm được thí điểm thực hiện cơ chế tuyển dụng cán bộ từ nguồn cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân theo Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”…