Thứ Sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn Ocop và tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp

Đồng chí Huỳnh Thanh Nhân kết luận tại giám sát.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 24/9, đoàn giám sát của Thường trực HĐND TPHCM do đồng chí Huỳnh Thanh Nhân, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM làm trưởng đoàn giám sát công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2025 tại UBND huyện Củ Chi.

Báo cáo với đoàn giám sát, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đình Đức cho biết, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Củ Chi đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, đến nay, huyện đã hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp trước thời hạn hai năm; tháng 7/2024, huyện được UBND TP ban hành quyết định công nhận huyện Củ Chi hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP giai đoạn 2021-2025.

Trong giai đoạn 2020-2025, các chỉ tiêu về đào tạo nghề và giải quyết việc làm; tạo việc làm mới đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề hàng năm đạt trên 87%; tạo việc làm mới đạt trên 150%, giới thiệu việc làm mỗi năm trên 11.000 lượt người).

Về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng chí Lê Đình Đức cũng cho biết, từ năm 2022 đến nay, đã đào tạo 2.924 người học nghề nông nghiệp, 3.304 người học nghề phi nông nghiệp; thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ 1.002 người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân.

Tại buổi giám sát, UBND huyện kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền, triển khai, phổ biến đến các doanh nghiệp, cơ sở lao động về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động; ban hành văn bản hướng dẫn doanh nghiệp về hình thức, nội dung tuyên truyền pháp luật lao động đến người lao động nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho người lao động.

Kết luận tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân đề nghị UBND huyện Củ Chi tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động, nhất là lực lượng lao động tự do, lao động nông thôn; đồng thời, quan tâm các giải pháp hỗ trợ các trường hợp khó khăn tại địa phương.

Đồng chí Lê Đình Đức báo cáo tại giám sát. Đồng chí Lê Đình Đức báo cáo tại giám sát.

Đối với các chỉ tiêu về đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Chương trình giảm nghèo bền vững TP giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí Huỳnh Thanh Nhân yêu cầu huyện tiếp tục phối hợp MTTQ và các đoàn hỗ trợ kịp thời cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận đầy đủ và sử dụng hiệu quả vốn vay, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn; quan tâm hỗ trợ phương tiện sinh kế phù hợp, giới thiệu việc làm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội. Đồng thời, phối hợp Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp, Khu Nông nghiệp công nghệ cao giới thiệu việc làm cho người lao động; cung cấp thông tin nhu cầu lao động của doanh nghiệp đến người dân.

Riêng lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đồng chí Huỳnh Thanh Nhân yêu cầu huyện tăng cường công tác tư vấn học nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn, hướng nghiệp; vận động học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông bỏ học giữa chừng tiếp tục tham gia học nghề…; thực hiện tốt công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh nhất là học sinh trung học cơ sở và học sinh phổ thông; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thành viên các hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn Ocop và tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, kết nối giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp tại địa trong hỗ trợ các học viên có điều kiện thực hành thực tế tại doanh nghiệp.

Đối với các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 62/NQ-HĐND, đồng chí Huỳnh Thanh Nhân đề nghị huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn lao động, nhất là đối với người sử dụng lao động; tăng cường phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm và các nghành nghề có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động trên địa bàn.


Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Củ Chi đã hỗ trợ vốn vay cho 26.989 lượt hộ, với trên 1.200 tỷ đồng, trong đó 13.249 trường hợp vay vốn tạo việc làm; giới thiệu việc làm cho 1.932 trường hợp, hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 3.000 trường hợp. Qua đó, giúp cho 4.503 hộ thoát nghèo.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo