Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Học tập và làm theo Người - tuổi trẻ ngày nay cần phải hành động thế nào cho xứng danh “Thanh niên Việt Nam”

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu dự chương trình “Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ cán bộ đoàn các thời kỳ và đoàn viên tiêu biểu năm 2021”. (Ảnh: nguồn Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Người thanh niên 21 tuổi năm ấy – Nguyễn Tất Thành với mong muốn “đi ra ngoài xem họ thế nào rồi trở về giúp đồng bào mình” đã quyết định chọn phương Tây là điểm đến cho cuộc hành trình. Với hành trang là lòng yêu nước nồng nàn và hai bàn tay trắng, Người trí thức trẻ đã không chần chừ khi xin làm bất cứ một công việc nào đó trên chuyến tàu buôn của Pháp để có phương tiện thực hiện chuyến hành trình mang theo khát vọng của dân tộc và hoài bão của mình. Trong những năm đầu của cuộc hành trình ấy, trên đất nước Pháp, Mỹ, Anh, người thanh niên ấy đã không nề hà bất cứ công việc gì: cào tuyết, đốt lò, rửa bát… miễn là có tiền để có thể sinh sống mà thực hiện mục đích đã xác định…

Sau này, trong một bức thư viết tháng 02/1925, cụ Phan Bội Châu đã từng bày tỏ sự khâm phục và trân trọng đối với thành quả của người thanh niên Nguyễn Tất Thành: “Người cháu rất kính yêu của Bác,…Cháu học vấn rộng rãi và từng đi nhiều nơi, hơn bác cả chục, cả trăm lần. Trí thức và kế hoạch của cháu tất vượt sức đo lường của bác…”[1]

Một thế kỷ trôi qua, mỗi dịp kỷ niệm ngày Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, dân tộc ta vẫn còn nguyên cảm xúc với những bức chân dung của người thanh niên yêu nước trong cuộc sống và hoạt động cách mạng nơi hải ngoại được khắc họa bằng ký ức của bạn bè các nước lúc bấy giờ: “Ngõ hẻm Compoint có bốn căn nhà…, căn thứ tư, trên gác có hai buồng, tôi và anh Nguyễn ở trọ. Buồng anh Nguyễn vừa đủ chỗ kê một chiếc giường sắt và một cái bàn nhỏ trên đó có một chậu thau, trong chậu thau có một pô nước rửa mặt. Khi nào anh Nguyễn cần viết thì anh để chậu thau và pô nước dưới gầm giường. Không có đồ đạc gì khác”; “1919, đi mít tinh…, gặp ở cửa phòng họp một thanh niên Việt Nam đang phát truyền đơn kịch liệt lên án chủ nghĩa thực dân; anh thanh niên đó mảnh khảnh, vầng trán mênh mông, cử chỉ nhanh nhẹn: Nguyễn Ái Quốc”.[2]

Thời kỳ 1911 đến 1920, người thanh niên đã khảo cứu, trải nghiệm thực tiễn ở nhiều quốc gia, nhiều châu lục; đã tìm hiểu các cuộc cách mạng lớn trên thế giới (cách mạng tư sản Mỹ, tư sản Pháp, cách mạng vô sản Nga) và kiểm chứng thành quả của các cuộc cách mạng ấy từ thực tiễn cuộc sống của nhân dân lao động tại các nước này; bằng trí tuệ thiên tài, sau khi nghiên cứu, tìm tòi, đối sánh từ thực tiễn và lý luận đã đưa đến cho Người một sự quyết định chọn lựa đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đó là con đường cách mạng vô sản của Cách mạng tháng Mười Nga.

Các đại biểu tham dự chương trình “Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ cán bộ đoàn các thời kỳ và đoàn viên tiêu biểu năm 2021” chụp hình lưu niệm. (Ảnh: nguồn Thanhuytphcm.vn) Các đại biểu tham dự chương trình “Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ cán bộ đoàn các thời kỳ và đoàn viên tiêu biểu năm 2021” chụp hình lưu niệm. (Ảnh: nguồn Thanhuytphcm.vn)

Học tập và làm theo Người khi ở lứa tuổi đôi mươi, tuổi trẻ chúng ta ngày nay cần phải hành động thế nào cho xứng danh “Thanh niên Việt Nam”. Đấy là phải đẩy mạnh học và làm theo tấm gương của Bác bằng những hành động và nhận thức cụ thể, như:

- Xây dựng hoài bão lý tưởng cách mạng. Xác định trách nhiệm của bản thân mình với quê hương, Tổ quốc. Ngày nay, thanh niên chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ và góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng TPHCM xứng đáng với niềm vinh dự Thành phố mang tên Bác Hồ - Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

- Cố gắng học để tiếp cận và nắm bắt tinh hoa văn hoá, khoa học, kỹ thuật của các nước tiên tiến, phát triển; phải học để biết sử dụng ngoại ngữ trong nghiên cứu, học tập hội nhập và tiếp thu tiến bộ của nhân loại. 

- Rèn luyện đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính. Cần cù học tập, lao động; tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức của bản thân, gia đình, xã hội; bền bĩ vượt gian nan; không nề hà bất cứ việc gì có ích cho cuộc sống; xây dựng lối sống giản dị; cống hiến hết lòng; yêu thương đồng bào, nhân loại; biết hy sinh cho lợi ích chung của xã hội và Nhân dân.

Hơn 100 năm trước, người thanh niên với khối óc thiên tài, trái tim quả cảm, yêu nước nồng nàn, ý chí kiên định,… chỉ có một mình bôn ba ra hải ngoại, vượt qua muôn trùng gian khó tìm ra hướng đi đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo cách mạng vô sản và thẳng tiến đến bến bờ vinh quang.

Ngày nay, đặc biệt, trong những lúc đất nước đối mặt những khó khăn như bây giờ - đại dịch Covid -19 bùng phát, Nhân dân cả nước đã chứng kiến và cảm phục hình ảnh hàng ngàn thanh niên xung kích đã ra quân sát cánh cùng lực lượng y tá, bác sĩ, nhân viên y tế để truy vết, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Đồng thời, có sự lãnh đạo đúng đắn kịp thời của Đảng là một trong những nhân tố quyết định cho mọi thành công. Chính vì vậy, không thể để cho bất kỳ một trở lực nào có thể ngăn cản chúng ta, nhân dân ta “quyết chiến, quyết thắng” dịch Covid-19!

Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang
Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM

--------------

[1] Phan Văn Hoàng (2018) đã dẫn trong Hồ Chí Minh Chân dung và di sản, trang 19.

[2] Phan Văn Hoàng (2018): Hồ Chí Minh Chân dung và di sản, trang 25 và 309.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo