Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Họp mặt truyền thống Lữ đoàn 316 anh hùng

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (thứ 3 từ bên phải sang) cùng các đồng đội cũ tại buổi họp mặt.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 19/4, tại Hội trường Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban Liên lạc Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động Bộ Tham mưu miền (B2) đã tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019) và 45 năm Ngày truyền thống Ngày thành lập Lữ đoàn 316 (12/3/1974 - 12/3/2019).

Tham dự buổi họp mặt có Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Tư lệnh Binh chủng Đặc công; Thiếu tướng Võ Văn Thi, Phó Tư lệnh Quân khu 7; đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Ngọc Minh, Phó Ban Nội chính Thành ủy TPHCM, cùng hơn 200 cựu chiến binh và gia đình cơ sở cách mạng của Lữ đoàn 316.

Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã nghe Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 ôn lại truyền thống anh hùng, vẻ vang của đơn vị. Lữ đoàn 316 được Bộ Tư lệnh Đặc công thành lập năm 1974 gồm 4 tiểu đoàn đặc công và 12 đơn vị Z biệt động (tương đương cấp tiểu đoàn). Lữ đoàn có trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ. Cán bộ chủ chốt lãnh đạo, chỉ huy của Lữ đoàn được rút từ Phòng Tình báo B2, các phân đội thuộc đoàn 367 đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, những đơn vị Đặc công – Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn từng gây khiếp đảm đối với quân thù và có những trận đánh vang dội trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Ngoài ra còn có những đơn vị Đặc công bộ, Đặc công nước được đào tạo từ miền Bắc, bổ sung với nhiệm vụ đánh và chiếm giữ các nục tiêu chủ yếu trong nội thành Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu trong đó có các mục tiêu trọng yếu: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy quân, Tổng nha Cảnh sát ngụy, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, dinh Độc lập ...

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn 316 đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao: đánh chiếm cầu Bà Bếp, cảng Rạch Dừa, dẫn đường cho Quân đoàn 2 chiếm Đài ra đa Núi Lớn, giải phóng thị xã Vũng Tàu; đánh chiếm sân bay Biên Hòa; đánh chiếm cầu Ga, cầu Cát, cầu Cả Bốn, cầu Rạch Sâu trên xa lộ Đại Hàn; đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy... góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Lữ đoàn tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Tư lệnh Binh chủng Đặc công đã nhấn mạnh đến những chiến công hiển hách của Lữ đoàn 316, ca ngợi tinh thần dũng cảm, gan dạ, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn. Những chiến công đó đã góp phần rất quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Hoài Nguyễn


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo