Thứ Tư, ngày 29 tháng 3 năm 2023

Huy động, tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo trong xây dựng và phát triển huyện Củ Chi

Đoàn cán bộ, công chức và các vị chức sắc, chức việc tiêu biểu tôn giáo, dân tộc trên địa bàn huyện Củ Chi viếng Lăng Bác.

(Thanhuytphcm.vn) - Trong những ngày xuân mới này, cùng với công tác chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tập thể Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi phấn khởi với kết quả hoàn thành tốt chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2022 và được trao Giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM”. Với vai trò trung tâm đoàn kết, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện huy động, tập hợp các ngành, các giới, dân tộc, tôn giáo chung sức xây dựng và phát triển huyện nhà.

Nhân lên khối đại đoàn kết từ sức mạnh nhân dân

“Với vai trò trung tâm đoàn kết, năm qua, mặt trận Củ Chi có nhiều phong trào thi đua, mô hình, cách làm hay hiệu quả từ sự huy động sức dân, xây dựng khối đại đoàn kết từ sức mạnh nhân dân; từ đó, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động ở địa phương, góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền chăm lo, nâng cao đời sống người dân” - đồng chí Võ Thị Kiều Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện nhận xét.

Trên thực tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều ảnh hưởng đến công tác mặt trận. Song, với sự đồng tâm, nỗ lực của cán bộ mặt trận các cấp, cả hệ thống, mặt trận huyện Củ Chi đã vượt qua khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm theo định hướng của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tăng cường phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên; không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện.

Đặc biệt là trong công tác an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, hệ thống mặt trận có nhiều giải pháp hỗ trợ, chăm lo phù hợp. Cán bộ mặt trận cơ sở làm tốt công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu hộ nghèo, cận nghèo để chăm lo phù hợp, hiệu quả. Năm qua, ngoài tặng quà dịp lễ, Tết, hỗ trợ vốn vay từ các nguồn vốn đoàn, hội quản lý, hệ thống mặt trận còn tặng phương tiện sinh kế, trao học bổng, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì mô hình “Trao cây, con giống”, “Trao yêu thương”, “Gian hàng 0 đồng”, “Bữa sáng nghĩa tình”… góp phần cùng chính quyền thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của huyện. Đến nay, huyện Củ Chi còn 2.285 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,73%, còn 2.530 cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,91%.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện, Ban Đoàn kết Công giáo huyện, Ban Trị sự Miếu Quan Đế, Ban Cai quản họ đạo Cao Đài xã Trung Lập Hạ trao bảng tượng trưng 350 phần quà cho thanh niên Củ Chi lên đường nhập ngũ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện, Ban Đoàn kết Công giáo huyện, Ban Trị sự Miếu Quan Đế, Ban Cai quản họ đạo Cao Đài xã Trung Lập Hạ trao bảng tượng trưng 350 phần quà cho thanh niên Củ Chi lên đường nhập ngũ

Hoạt động về nguồn tập hợp khối đại đoàn kết trong dân tộc, tôn giáo

Gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, năm 2022, Ủy Ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục có chuyến về nguồn, về địa chỉ đỏ với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Huyện ủy - HĐND - UBND, các vị chức sắc, chức việc tôn giáo, người uy tín trong đồng  bào dân tộc, đại diện Mặt trận xã, thị trấn. “Đây cũng là một trong số các mô hình Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện được Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và Huyện ủy đánh giá cao trong công tác dân tộc, tôn giáo, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - đồng chí Trương Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện (phụ trách công tác dân tộc, tôn giáo) cho biết.

5 năm qua Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức 5 chuyến về nguồn tại Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Côn Đảo, Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng và chuyến về nguồn viếng lăng Bác với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Điểm nổi bật là có nhiều chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ tôn giáo và cộng đồng người dân tộc thiểu số tham gia các chuyến về nguồn (trung bình có 60 vị trong 1 chuyến về nguồn).

Qua các chuyến về nguồn, cán bộ, công chức, các vị chức sắc, chức việc dân tộc, tôn giáo giao lưu, gắn kết, hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận huyện và cơ sở xây dựng mối quan hệ gắn bó với các cơ sở tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc. Phát huy đoàn kết, đồng bào các dân tộc, tôn giáo thấy được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó đồng bào dân tộc, tôn giáo tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội.

Cụ thể, chỉ riêng trong năm 2021, hệ thống mặt trận cùng các tổ chức tôn giáo, các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay đóng góp hỗ trợ người dân vượt qua đại đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí ước tính hơn 30 tỷ đồng và thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương với số tiền trên 20 tỷ đồng; đồng thời, góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Củ Chi thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Ngọc Nữ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo