Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Huyện Củ Chi họp mặt 29 năm giải phóng miền Nam

Trong khí thế phấn khởi chung của Thành phố và cả nước, Đảng bộ và nhân dân Củ Chi tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 29 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, giải phóng Củ Chi (29/04/1975 – 29/-04/2003), đồng thời khánh thành tượng đài Củ Chi đất thép, đây là tượng đài thể hiện lòng yêu nước của người dân Củ Chi đối với cuộc kháng chiến đầy mất mát và hy sinh.

Củ Chi có một vị trí chiến lược quan trọng, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là bàn đạp để lực lượng cách mạng tấn công vào trung tâm đầu não của chế độ ngụy quyền Sài gòn, chính vì thế mà kẻ thù đã tập trung những lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến nhất với nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân hiện đại hòng hủy diệt mãnh đất này. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, với lòng yêu nước và chí căm thù giặc sâu sắc, quân dân Củ Chi đã đoàn kết một lòng, quyết tâm bám trụ, chiến đấu kiên cường “một tấc không đi, một ly không rời” đã thể hiện khí phách hào hùng của một dân tộc không cam chịu khuất phục, với tinh thần: quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bằng hệ thống địa đạo với ý chí và tinh thần chiến đấu, linh hoạt mưu trí, dũng cảm của quân dân Củ Chi đã bao phen làm bạt vía kinh hoàng giặc Mỹ, góp phần cùng với cả nước lần lượt đánh bại các kiểu chiến lược chiến tranh của địch, chôn vùi những tham vọng ngông cuồng của đế quốc và tay sai.

Vào những ngày này cách đây 29 năm, với khí thế cách mạng sôi sụt của cả nước trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân dân Củ Chi đã đồng loạt nổi dậy phối hợp cùng bộ đội chủ lực tấn công vào các cứ điểm then chốt, làm tan rã bộ máy ngụy quyền và hệ thống đồn bót dày đặc của địch giành lấy chính quyền vào tay nhân dân, vào trưa ngày 29/04/1975. Thắng lợi này đã làm cho phòng tuyến cửa ngỏ tây Bắc Sài Gòn hoàn toàn sụp đỗ tạo điều kiện cho đại quân tiến vào trung tâm đầu não của địch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chúng ta vô cùng tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương địa đạo, mảnh đất kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ, một chiếc nôi của cách mạng đã từng một thời được coi là một trong 3 lá cờ đầu của chiến tranh du kích miền Nam. Chúng ta chiến thắng kẻ thù rất vẻ vang, song để có được cuộc sống độc lập, tự do ngày hôm nay, chúng ta đã phải đổi bằng xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ, sự cống hiến hy sinh của bao thế hệ. Trong số 18.000 người con ưu tú của Củ Chi lên đường chiến đấu đã có gần 11.000 liệt sĩ, trên 3.000 thương binh, với trên 10.000 gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng. Với sự đóng góp, hy sinh to lớn đó, qua 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược, quân và dân Củ Chi đã được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu “Củ Chi đất thép thành đồng” và Huyện anh hùng; 2 đơn vị lực lượng võ trang và 16 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng, 29 cá nhân Anh hùng, có 757 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, và hàng vạn tập thể, cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương và các danh hiệu cao qúy khác. Đó là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Củ Chi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.Đại thắng mùa Xuân 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc ta. Cả nước được độc lập thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những ngày đầu mới giải phóng Đảng bộ và nhân dân Củ Chi đã tiến hành san lấp hàng vạn hố bom, tháo gỡ và phá hủy trên 86.000 quả bom mìn, phục hóa ruộng vườn để phát triển sản xuất. Đặc biệt các xã vùng giải phóng càng khó khăn hơn vì chưa có đường sá, điện, nước, trường học, trạm xá, cũng như các công trình phúc lợi khác hầu như không có gì, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực, nhiều hộ thiếu, đói.

Nhưng qua 29 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương và Thành phố, Đảng bộ và nhân dân Củ Chi đã nổ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn thử thách và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều phong trào hành động cách mạng đã phát huy được truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, khơi động “ tình làng nghĩa xóm” giải quyết được những vấn đề bức xúc của cuộc sống như phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tole hóa nhà tranh tre, công tác “xóa đói giảm nghèo”, phát triển giao thông nông thôn v.v. Những việc làm thiết thực đó chúng ta có thể cảm nhận được qua bộ mặt nông thôn Củ Chi ngày nay. Đó là sự hòa quyện giữa ý Đảng lòng dân trong sự nghiệp xây dựng quê hương Củ Chi văn minh giàu đẹp.

Hoạt động y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ, trình độ học vấn của người dân được nâng lên một bước, lĩnh vực quốc phòng an ninh được thường xuyên củng cố, tinh thần cảnh giác cách mạng trong nhân dân được nâng cao, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng được nâng lên và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bảo đảm cho các quyền dân chủ của nhân dân được phát huy mạnh mẽ trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Có thể nói những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước và kết quả đạt được của Huyện trong những năm qua đã góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, tạo ra thế và lực mới trong tiến trình đổi mới. Đó là những tín hiệu đáng mừng là hành trang qúy báu cho Củ Chi cùng với Thành phố và cả nước trên bước đường phát triển và hội nhập, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Kỷ niệm 29 năm ngày giải phóng Củ Chi, giải phóng hoàn toàn miền Nam chính là dịp để ôn lại truyền thống cách mạng, tưởng nhớ và mãi mãi khắc ghi trong tâm khảm của mỗi người về những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ để có ý chí mới, sức mạnh mới, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ VIII đã đề ra, góp phần cùng với Thành phố và cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo