Các tác phẩm của Trần Văn Binh mang những hoài niệm, thu hút bởi sự lộng lẫy của sắc của màu. (Thanhuytphcm.vn) - Tối 8/7, tại Huyen Art House (8A Đặng Tất, Quận 1), họa sĩ Trần Văn Binh ra mắt bộ sưu tập tranh trừu tượng với chủ đề “Vườn tâm tưởng”. Triển lãm diễn ra từ nay đến 17/7.
Trần Văn Binh sinh năm 1964 tại Điện Bàn, Quảng Nam, hiện sống tại quê nhà. Anh tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1985, là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sau hai triển lãm cá nhân năm 1993 tại TP Đà Nẵng và 1996 tại Hội An, Trần Văn Binh lui về chiêm nghiệm và vẽ. Nay, sau 26 năm, anh mới chọn ra 26 tranh tiêu biểu để trình làng.
Về mặt ý niệm, tranh của Trần Văn Binh có hai thực tại, chúng hòa quyện và khuất lấp vào nhau. Đó là cái miền quê mà anh gắn bó máu thịt, suốt bao nhiêu đời, chẳng thể rời xa. Đó là chuyện “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, ở giữa quê mà như xa quê, mà nhớ quê đến da diết... Về mặt sáng tạo, Trần Văn Binh cho thấy một kỹ thuật tuyệt vời và một cảm xúc dạt dào, được hun đúc dài lâu. Dường như anh tạo dựng lên một thực tại hiện thực trước, sau đó tìm cách tẩy xóa nó bằng những đường chéo đan xen, dàn trải khắp mặt tranh. Chúng tạo ra không gian đa chiều, tiếp nối, dịch chuyển, như từ miền hiện thực tìm về miền tâm tưởng, và từ miền tâm tưởng vọng về miền hiện thực. Chính điều này đã làm cho bút pháp biểu hiện - trừu tượng chỉ còn là cái cớ, là phương tiện của người sáng tạo. Lấy biểu tượng dân gian Trung bộ làm nền, anh pha trộn kỷ hà, ký hiệu với biểu hiện, và trừu tượng. Về kỹ thuật, anh thường lấy chất trắng dẻo tạo nền, sau đó là acrylic, hoặc sơn dầu, hoặc đôi khi sơn dầu “đè” acrylic.
Tác phẩm “Nhịp phách bài chòi”. (Ảnh: Trương Bách Thảo) Nói về thế giới tranh của Trần Văn Binh, nhà thơ - nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông nhận định: “Trần Văn Binh, theo tôi - là một trong những họa sĩ Quảng Nam đã lựa chọn một lối vẽ riêng, chẳng giống ai, từ mấy chục năm nay. Cũng như nhiều người trẻ khác - anh đã khởi đi từ lối vẽ hiện thực theo kiểu “trường quy”, “bài bản” rồi những tác phẩm sau đó dần thiên về “biểu hiện”, “biểu hiện - trừu tượng”, rốt lại thì Trần Văn Binh định hình hẳn ở “trừu trượng”.
“Đọc” những tác phẩm trừu tượng của Binh dễ nhận ra tâm thức “duy cảm xúc” của kẻ tạo tác những cảnh giới của cái đẹp ngầm ẩn đâu đó, khó nắm bắt trong đời sống, nhưng có thực, thường hằng và người vẽ đã vén mở cho chúng ta nhận diện. Tranh trừu tượng của Binh thường chất vấn chúng ta về nỗi ám ảnh của ký ức, về những dự cảm mai kia hơn là trình diễn cái đẹp, cái thu hút bởi sự lộng lẫy của sắc của màu. Kiên trì, nhọc sức, dám chọn lựa một cách thế bày tỏ như anh quả là việc đáng quý phục”.