Tạo điều kiện để các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội hoạt động trong doanh nghiệp
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Trí Dũng cho biết, hiện nay TP Thủ Đức có khoảng 51.193 doanh nghiệp, số hộ kinh doanh cá thể khoảng 44.087 hộ, tổng số lao động 247.424 người. Trong đó, 69 doanh nghiệp có trên 500 lao động; 52 doanh nghiệp từ 300 - 500 lao động; 228 doanh nghiệp có từ 100 - 300 lao động; 435 doanh nghiệp từ 50 - 100 lao động; còn lại 50.419 doanh nghiệp dưới 50 lao động.
Tính đến nay, Liên đoàn Lao động TP Thủ Đức có 1.749 công đoàn cơ sở (CĐCS), với 73.680 đoàn viên/99.393 lao động. Trong đó, có 29 doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, với 3.296 đoàn viên/3.738 lao động), 12 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí, với 222 đoàn viên/288 lao động. Theo đồng chí Nguyễn Trí Dũng, trong năm qua công tác tổ chức chăm lo cho người lao động được các cấp, các ngành, đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia của các doanh nghiệp, các chủ nhà trọ trên địa bàn TP đã chung tay chia sẻ với khó khăn của người lao động góp phần thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Trí Dũng cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn TP Thủ Đức có 52 doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên, trong đó có 37/52 doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, chiếm tỷ lệ 71,15%, có 18/52 doanh nghiệp có tổ chức Đảng, chiếm tỷ lệ 34,61%, trong đó, có 13/18 doanh nghiệp từ 500 lao động trở lên có tổ chức đảng, chiếm tỷ lệ 72,22%.
Bên cạnh đó, có 1 đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy Thủ Đức và 166 chi bộ, đảng bộ bộ phận trực thuộc Đảng ủy cơ sở, trong đó, có 122 chi bộ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp; 35 chi bộ Tổ Doanh nghiệp; 7 chi bộ Chợ, Hợp Tác xã và 2 đảng bộ bộ phận, với 1.729 đảng viên, trong đó, có 1.688 chính thức, 41 dự bị...
Theo đồng chí Nguyễn Trí Dũng, năm 2022, tổ chức Công đoàn TP Thủ Đức phát huy tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19. Kết quả trong năm có 1.455 đủ điều kiện thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm; 1.190 đơn vị tổ chức đối thoại nơi làm việc, đạt 96,6%, đối với việc thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể có 207/160 bản thỏa ước và hơn 500 lao động được thụ hưởng các điều khoản, phúc lợi cao hơn so với quy định và mặt bằng chung của các doanh nghiệp trên địa bàn…
Về thành lập chi bộ, phát triển đảng viên, đồng chí Nguyễn Trí Dũng cho biết, trong năm đã thành lập mới 3 chi bộ. Đồng thời, tiếp nhận 3 tổ chức đảng và 54 đảng viên; giải thể 5 chi bộ. Bên cạnh đó, phát triển 49 đảng viên là công nhân người lao động. LĐLĐ TP Thủ Đức đã thành lập 120 tổ chức công đoàn đạt 136% chỉ tiêu; phát triển được 13.169 đoàn viên công đoàn, đạt 120% chỉ tiêu; Thành đoàn TP Thủ Đức thành lập 49 chi đoàn, chi hội đạt 163,3%; đã phát triển mới 407 đoàn viên, hội viên ngoài khu vực nhà nước, đạt 101,75% chỉ tiêu…
Đồng chí Nguyễn Trí Dũng kiến nghị TPHCM cần thiết nghiên cứu đề xuất Trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung, phương pháp sinh hoạt chi bộ và hoạt động của các tổ chức đảng cho phù hợp với các đặc điểm, điều kiện doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhiều tỉnh, TP trên cả nước nên đảng viên cư trú, làm việc phân tán ở nhiều địa phương khác nhau.
Đồng thời, cần có chế độ, chính sách phù hợp nhằm tạo động lực thiết thực đối với cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Bên cạnh đó, cần quan tâm sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật lao động theo hướng luật hóa trách nhiệm chủ doanh nghiệp trong việc thống nhất thành lập và tạo điều kiện để các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội hoạt động trong doanh nghiệp.
Quang cảnh buổi khảo sát. Cấp ủy Đảng và từng đảng viên phải nêu gương
Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải ghi nhận và đánh giá cao kết quả của Thành ủy TP Thủ Đức trong công tác xây dựng tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội. Theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng, góp phần giúp thu ngân sách của TPHCM đạt cao. Dù vậy, TP nhận định, năm 2023 có nhiều khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp, nhất là công nhân và những người yếu thế.
“Vì vậy, ngay từ rất sớm, TP đã chủ động các giải pháp chăm lo, hỗ trợ, với tinh thần Đảng bộ, chính quyền TP cùng cấp ủy, các quận, huyện, TP Thủ Đức, các cơ sở quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là trong dịp Tết Cổ truyền của dân tộc” – đồng chí Nguyễn Hồ Hải cho hay.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, TPHCM là TP trung tâm, nơi thu hút người dân ở các tỉnh đến sinh sống và làm việc. Người dân ở các tỉnh đã về đây và đóng góp công sức cho TP, góp phần làm cho TP giàu, đẹp. Do đó, TP phải chăm lo để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, không phân biệt người dân tỉnh nào. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải yêu cầu các cơ quan, đơn vị TP Thủ Đức tập trung thật tốt các hoạt động chăm lo cho người lao động trên địa bàn.
Về vận động, tuyên truyền, xây dựng các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Hồ Hải lưu ý công tác tuyên truyền, vận động phải làm cho quần chúng thấy được đây là những tổ chức ưu việt. Do vậy, đồng chí Nguyễn Hồ Hải yêu cầu cấp ủy các cấp và từng đảng viên phải thể hiện được tính nêu gương, gương mẫu trong các hoạt động cũng như trong từng phần việc. Bên cạnh đó, tuyên truyền để quần chúng nhân dân thấy được đứng vào hàng ngũ của Đảng không có mục đích nào ngoài mục đích làm cho cuộc sống của người dân ấm no hạnh phúc hơn, trong đó có họ.
“Khi khó khăn, các tổ chức Đảng và đảng viên một lòng hướng về người dân với những việc làm thiết thực.” - đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh; đồng thời yêu cầu Thành ủy TP Thủ Đức cần nghiên cứu từ thực tiễn để kiến nghị hình thức sinh hoạt phù hợp với các tổ chức Đảng đặc thù. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng tổ chức chính trị - xã hội để tạo sức mạnh cho tổ chức Đảng trong doanh nghiệp.