Thứ Tư, ngày 31 tháng 5 năm 2023

Kiểm điểm chứ không phải “kiếm điểm”!

Thực hiện nghiêm nguyên tắc ttự phê bình và phê bình là giải pháp quan trọng để góp phần bảo đảm các cuộc kiểm điểm cuối năm của tổ chức đảng đạt kết quả tích cực.

(Thanhuytphcm.vn) - Hiện nay, các cơ quan, đơn vị và tổ chức đảng của Đảng bộ thành phố đã và đang tổ chức kiểm điểm cuối năm. Đây là dịp quan trọng để đánh giá lại các mặt hoạt động trong năm, chuẩn bị cho hoạt động của năm mới. Các quy định của Đảng về mục đích và yêu cầu kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thường nhằm:

Thứ nhất, kiểm điểm tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng cá nhân tự soi, tự sửa lại mình, từ đó đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ; làm căn cứ để thực hiện các nội dung về công tác cán bộ; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Thứ hai, trong kiểm điểm phải khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; phải nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để sửa chữa, khắc phục; lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân, lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể. Thực hiện đánh giá liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đương và công khai kết quả; gắn đánh giá, xếp loại chất lượng của cá nhân với tập thể và với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm. Cấp ủy cấp trên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo đảm khách quan, toàn diện, thực chất.

Ngoài ra, kiểm điểm còn có một tác dụng quan trọng khác là làm căn cứ để bình xét các danh hiệu, mức độ hoàn thành của tổ chức đảng và đảng viên, làm căn cứ để thực hiện việc biểu dương và các đánh giá khác. Trên thực tế, dù việc khen thưởng luôn có sự khống chế tỷ lệ nhưng về cơ bản có tác dụng tích cực đến sự phấn đấu, nỗ lực của cả cá nhân, tập thể được biểu dương và chưa được biểu dương. Ngoài ra, kết quả đó còn liên quan đến sự quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm nên một kết quả khách quan, trung thực, chính xác sẽ góp phần cung cấp cho tổ chức đảng và các cơ quan, đơn vị những đảng viên đủ năng lực, phẩm chất và từ đó có ý nghĩa tích cực đến việc phát triển của cơ quan, địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, có lúc, có nơi, việc kiểm điểm còn có một số hạn chế. Chẳng hạn, còn có tình trạng xuê xoa, vo tròn với nhau, không quyết liệt tìm ra những hạn chế, tồn tại, khuyết điểm của tổ chức và cá nhân, vì nể nang hoặc vì không đủ dũng khí để đấu tranh, phê bình. Hoặc có nơi có hiện tượng thỏa hiệp nhau, theo kiểu “người không đụng ta thì ta không đụng người”, chỉ thực sự đấu tranh khi bị đụng chạm đến quyền lợi. Hay trong kiểm điểm còn nặng phê bình mà nhẹ tự phê bình, chỉ thấy khuyết điểm của người khác mà không nhìn ra hạn chế của mình, chỉ kêu gọi người khác sửa chữa mà bản thân thì coi như hoàn hảo… Những điều đó rõ ràng làm cho chất lượng cuộc kiểm điểm bị ảnh hưởng; không khí đoàn kết, gắn bó nhau có thể chỉ là hình thức; khả năng phát huy vai trò của các đảng viên trong công tác chuyên môn hay công tác xây dựng Đảng không được bảo đảm…

Bên cạnh đó, còn có một trạng thái đáng chú ý nữa là có người biến cuộc kiểm điểm thì cuộc “kiếm điểm” cho bản thân và cho ê kíp của mình. Đó là khen ngợi quá mức, thổi phồng thành tích, che giấu hạn chế, lấp liếm khuyết điểm của bản thân và những người thuộc “phe” của mình. Đó là “phủ đầu” những người không cùng “cánh” bằng các động thái cho thấy nếu ai đó muốn đấu tranh sẽ bị “phản công” bằng cách tung ra các khuyết điểm. Đó là tìm mọi cách lôi kéo “đồng minh” hoặc cô lập những người thường có ý kiến khác để họ không thể góp ý, phê bình hay đấu tranh được bởi không đủ can đảm đương đầu khi ở trạng thái đơn độc… Các hiện tượng trên đây thường xảy ra ở các tổ chức đảng mất đoàn kết, có sự kết bè kéo cánh, đặc biệt là vai trò hạt nhân đoàn kết của người đứng đầu và cấp ủy không được thể hiện rõ nét. Có khi, người đứng đầu, cấp ủy lại là nguyên nhân của sự mất đoàn kết đó khi thiên lệch trong nhìn nhận, đánh giá, quan hệ, ứng xử với các đảng viên khác.

Hiện tượng đó có thể dẫn đến một số người sẽ có thêm “điểm”, như được lãnh đạo chú ý và ưu ái hơn, hoặc trở nên “an toàn” hơn khi được trở thành “phe” của ai đó, hay có thể ít bị phê bình bởi các “đối thủ” đã bị cô lập… Từ hiện tượng xảy ra ở cuộc kiểm điểm nếu không được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời có thể trở thành một khuyết điểm trầm trọng của tổ chức đảng, là nguồn cơn dẫn đến những suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ tổ chức đảng. Những đảng viên tích cực có thể không còn hăng hái trong công tác chuyên môn, cũng không còn mạnh dạn trong phê bình, đấu tranh với các biểu hiện chưa lành mạnh trong tổ chức. Điều đó có thể dẫn đến sự lây lan với một số đảng viên khác, tác động tiêu cực đến sự phấn đấu của tất cả các đảng viên và sự nỗ lực khẳng định mình để được đứng vào hàng ngũ của Đảng ở một số quần chúng.

Do đó, để cuộc kiểm điểm thực sự có chất lượng, đúng mục đích và yêu cầu của Trung ương thì vai trò công tâm, khách quan, bản lĩnh của cấp ủy viên, người đứng đầu là hết sức quan trọng, nhất là không được xuê xoa, thiên lệch, tránh né, thỏa hiệp. Đồng thời, mỗi đảng viên phải nắm chắc các nguyên tắc, quy định của Đảng về các vấn đề có liên quan, nhất là quyền và trách nhiệm của mình trong công tác kiểm điểm nói riêng và trong tổ chức đảng nói chung.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo