Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Thanhuytphcm.vn) – Ngày 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Các đại biểu Quốc hội (ĐB) cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của đất nước.
Quan tâm đến Luật Kiểm toán độc lập, ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An) nêu ý kiến về việc bổ sung đối tượng kiểm toán. ĐB cơ bản nhất trí với các đề xuất tăng cường các đối tượng cần kiểm toán bằng là “doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định của chính phủ; doanh nghiệp, tổ chức khác theo quy định của luật có liên quan”. Luật Kiểm toán độc lập hiện hành không quy định điều này dẫn tới một số doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn hay các công ty bất động sản không niêm yết, không đại chúng cũng không cần kiểm toán gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội trong thời gian qua.
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cũng đồng tình mở rộng đối tượng cần kiểm toán. Nhưng theo ĐB, qua rà soát nghị định hướng dẫn của Chính phủ cho thấy 2 tiêu chí được xác định là: số lượng lao động tham gia bình quân trên 200 người và tổng doanh thu của năm từ 300 tỷ đồng trở lên hoặc tổng tài sản trên 100 tỷ đồng. Tính toán sơ bộ, nếu áp dụng theo hai tiêu chí trên thì có khoảng 20.000 doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm toán bổ sung và con số này là tương đối lớn. Do đó, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị, cần làm rõ mục đích kiểm toán theo diện rộng này là gì, nếu vì lý do thời gian qua có một số doanh nghiệp tư nhân có sai phạm dẫn đến kiểm toán theo diện rộng như trên liệu đã thỏa đáng? Việc kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp sẽ gây tốn kém chi phí và nguồn lực lớn cho xã hội. Hằng năm doanh nghiệp đều phải thực hiện hồ sơ kiểm toán có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, ĐB cho rằng, cần xác định rõ phạm vi, đối tượng kiểm toán theo ngành, lĩnh vực để bảo đảm tương đồng với các quy định tại Luật Kiểm toán độc lập hiện hành.
Quan tâm đến Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM) kiến nghị, nhằm tăng cường các nguồn lực của xã hội đầu tư cho y tế, cần bổ sung quy định “đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất để thực hiện liên doanh liên kết”. Về vấn đề xác định giá trị tài sản thương hiệu của đơn vị sự nghiệp y tế trong liên doanh liên kết, ĐB cho rằng, giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp y tế là một tài sản vô hình lớn, nó được hình thành, bao gồm nhiều yếu tố: từ truyền thống, tầm nhìn, hạng bệnh viện, uy tín, chất lượng điều trị, chuyên môn của đội ngũ bác sĩ và sự nhận biết từ phía người bệnh đối với cơ sở y tế... Như vậy, luật cần quy định cụ thể trường hợp nào được xác định thẩm định theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, trường hợp nào được sử dụng xác định pháp luật về sở hữu trí tuệ… không nên quy định nhiều hình thức và chung chung như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (TPHCM) Giải trình ý kiến các ĐB, liên quan đến Luật Chứng khoán, về mức phạt, trước ý kiến của ĐB cho rằng phạt gấp 20 lần là cao quá, thời gian 2 năm là dài quá, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề vi phạm thuộc 2 việc. Nếu vi phạm Bộ luật Hình sự thì đương nhiên phải bị khởi tố hình sự; còn chưa đến mức khởi tố hình sự nhưng hành vi đó nguy hiểm hay tạo điều kiện để một số người, một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục hành vi đó gây thiệt hại, hoặc gây ảnh hưởng đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội thì phải phạt ở mức cao để có tính chất răn đe. “Nếu như luật cũ thì không có tính chất răn đe nên chúng tôi trình Quốc hội với lĩnh vực đặc thù này, nếu thao túng thị trường chứng khoán, gian lận trong thị trường chứng khoán, gian lận trong phát hành trái phiếu, nếu chưa đủ yếu tố để cấu thành tội hình sự thì phải phạt nặng, mở thời gian kiểm tra không phải 2 năm, khi đã kiểm tra, phát hiện ra thì quá mất thời hiệu, cho nên phải mở thời hiệu ra là 5 năm” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu.
Tại sao kiểm toán bắt buộc các doanh nghiệp lớn, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, chỉ bắt buộc kiểm toán các doanh nghiệp lớn, không bắt buộc kiểm toán những doanh nghiệp trên 200 tỷ đồng hoặc trên 300 lao động, lớn ở mức nào thì giao cho Chính phủ quy định để đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Việc phát hành ra công chúng phải kiểm toán, đặc biệt là vốn điều lệ ban đầu. Vốn điều lệ ban đầu theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền kê khai và tự chịu trách nhiệm. Có thể một doanh nghiệp thành lập ra trên tài khoản không có tiền, trụ sở cũng không có nhưng trên tài khoản có thể ghi vốn điều lệ là 10.000 tỷ đồng, thậm chí là 20.000 tỷ đồng không có ai kiểm tra, kiểm soát, vừa rồi đã xảy ra một số vụ việc và các cơ quan quản lý cũng đã kiến nghị sửa Luật Doanh nghiệp về điều này. Còn về phía Luật Chứng khoán, sửa đổi lần này cũng đã siết vấn đề này để đảm bảo tránh vấn đề lợi dụng trên thị trường chứng khoán.