Thứ Tư, ngày 18 tháng 9 năm 2024

Kiến nghị cho phép người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Quang cảnh buổi giám sát

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 13/9, đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM do đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM làm trưởng đoàn, đã có buổi giám sát với các sở, ngành, đơn vị của TPHCM, UBND Quận 7 và huyện Nhà Bè về "Việc thực hiện Luật Việc làm trên địa bàn TPHCM từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2024".

Tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Đoàn Trung cho biết, Luật Việc làm được ban hành, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động; là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức… góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định an sinh xã hội. 

Trong thời gian qua, các cấp Công đoàn TP luôn chủ động và tích cực tham gia với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động và việc làm trên địa bàn TP; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động theo quy định pháp luật và nắm sát tình hình công nhân lao động để kịp thời phối hợp các ngành chức năng giải quyết nhanh các vụ ngừng việc tập thể, không để lây lan, kéo dài gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. 

Để công tác đào tạo nghề cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp phát huy hiệu quả, đồng chí Trần Đoàn Trung cho rằng, Chính phủ cần thay đổi chính sách hỗ trợ học nghề cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp một cách phù hợp. Bên cạnh việc điều chỉnh mức hỗ trợ phí học nghề lên cao hơn và kéo dài thời gian học nghề, cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Cụ thể, nếu doanh nghiệp cần lao động về ngành nghề, lĩnh vực gì thì sẽ trực tiếp mở lớp đào tạo cho người lao động về ngành nghề đó, kinh phí đào tạo sẽ do BHXH trích từ nguồn BHTN chi trả cho doanh nghiệp.

“Sau khi học xong, doanh nghiệp nhận lao động vào làm việc đúng với ngành nghề mà doanh nghiệp đã đào tạo cho họ. Chỉ khi thấy được nơi nhận việc mới sẽ tác động đến nhận thức của người lao động để họ chịu học nghề và chuyển đổi nghề một cách thích hợp, nhằm giảm tỷ lệ người thất nghiệp trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội”- đồng chí Trần Đoàn Trung nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) TPHCM Lượng Thị Tới cho biết, hiện chính sách hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề, chưa có giải pháp hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, hoặc nâng cao trình độ. Do đó, chính sách chưa thu hút sự quan tâm cũng như hỗ trợ người thất nghiệp học nghề, dẫn đến người lao động gặp khó khăn trong việc tham gia học nghề. “Bản thân người lao động phải tự trang trải nhiều khoản chi khác cho cuộc sống trong thời gian học nghề... nên gặp nhiều khó khăn” - đồng chí Lượng Thị Tới chỉ rõ.

Đồng chí Lượng Thị Tới cũng kiến nghị Bộ LĐTB-XH có ý kiến đề xuất Chính phủ cho phép người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức vay theo giá trị thực tế của hợp đồng mà không cần tài sản thế chấp (đối với trường hợp vay từ 100 triệu đồng trở lên). Đồng thời, Bộ LĐTBXH xây dựng ứng dụng giới thiệu việc làm dùng chung cho cả nước, khu vực, giúp cho người lao động ở các tỉnh thành có cơ hội tiếp cận với thông tin việc làm từ các doanh nghiệp tại TPHCM và các tỉnh thành, sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động tại một số khu vực. Ngoài ra, giúp người lao động tìm việc làm một cách linh hoạt và hiệu quả hơn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực.

“Thay vì phải mất nhiều công sức và chi phí để tìm kiếm ứng viên phù hợp từ các khu vực xa, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với một lượng lớn ứng viên tiềm năng đến từ các khu vực địa phương, không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn giúp mở rộng phạm vi tuyển dụng và tạo ra sự đa dạng trong lực lượng lao động”- đồng chí Lượng Thị Tới nhấn mạnh.

Cần có phương án hỗ trợ đào tạo, kết hợp nhiều nguồn lực

Tại buổi giám sát, các ĐBQH cho rằng, hiện nay hiệu quả việc dự báo nguồn nhân lực; về kết nối việc làm cho người lao động thất nghiệp; về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài… còn hạn chế. Một số ý kiến cho rằng, quy định về hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm hiện còn nhiều vướng mắc, nhiều người muốn vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, khởi nghiệp… nhưng không được.

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh phát biểu tại giám sát ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh phát biểu tại giám sát

Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh, vấn nạn người lao động Việt Nam vi phạm pháp luật khi ra nước ngoài làm việc, bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài cũng như khi tìm việc qua các trang mạng online… rất báo động. Còn ĐBQH Trần Anh Tuấn cho rằng, cần có chính sách chi trả cho doanh nghiệp để đào tạo lại lao động. Đây là một kênh quan trọng, vì các doanh nghiệp hiện tự tổ chức đào tạo lao động theo nhu cầu riêng của mình, nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước. Thực tế, lao động sau khi được các cơ sở đào tạo ra trường vẫn phải được doanh nghiệp đào tạo lại. Vì vậy, cần có phương án hỗ trợ đào tạo, kết hợp nhiều nguồn lực từ Nhà nước và doanh nghiệp.

ĐBQH Trần Anh Tuấn phát biểu tại giám sát ĐBQH Trần Anh Tuấn phát biểu tại giám sát

Kết luận tại giám sát, đồng chí Hà Phước Thắng ghi nhận và đánh giá cao các sở, ngành, đơn vị của TP, UBND Quận 7 và huyện Nhà Bè đã thực hiện hiện quả Luật Việc làm trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua; đồng thời cho biết, sẽ có báo cáo đến các cơ quan, bộ ngành Trung ương liên quan để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung Luật thời gian tới.

Đồng chí Hà Phước Thắng kết luận tại giám sát Đồng chí Hà Phước Thắng kết luận tại giám sát

Đồng chí Hà Phước Thắng đánh giá cao, các sở, ngành TP đã phối hợp thực hiện các chính sách, giải pháp lao động việc làm, nhất là giai đoạn khôi phục kinh tế sau Covid-19, góp phần ổn định thị trường lao động việc làm, thúc đẩy kinh tế xã hội TP phát triển. Trong khi chờ đợi luật sửa đổi, đồng chí Hà Phước Thắng mong muốn các đơn vị tiếp tục kiến nghị khắc phục những khó khăn vướng mắc để giải quyết tạm thời, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan mình được giao.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo