Thứ Năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024

Kiên trì, kiên định bảo vệ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam -Bài 1: Sự phát triển lý luận chính trị và bản lĩnh sáng tạo của đảng chân chính cách mạng

Đảng ta ra đời trong “bão tố” cách mạng và không ngừng lớn mạnh. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Hơn 94 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng hành và lãnh đạo dân tộc, nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để làm nên những chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến và những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Điều đó có cội nguồn sâu xa từ nền tảng lý luận khoa học, cách mạng, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng ta ra đời trong “bão tố” cách mạng và không ngừng lớn mạnh

Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng ta là một đảng chân chính cách mạng. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời với bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết và đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình. Từ đây, Đảng ta chính thức ở vào vị thế đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Từ khi có Đảng, lịch sử dân tộc gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng. Kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi với đỉnh cao là Điện Biên Phủ, Việt Bắc lại tiếp đến sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn.

Vào năm 1960, khi Đảng ta tròn 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng ta là con nòi của giai cấp công nhân”, “lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đảng không có mục đích tự thân, Đảng ra đời, hoạt động chỉ vì dân, vì nước, vì độc lập, tự do và CNXH. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Đảng vì dân nên dân theo Đảng, trọn lòng tin yêu Đảng, tự hào gọi Đảng là Đảng ta, Đảng mình. Cội nguồn sâu xa làm nên sức mạnh của Đảng và cách mạng Việt Nam chính là sức mạnh của lòng dân-cơ sở xã hội quan trọng nhất của Đảng.

Công cuộc đổi mới với đường lối đổi mới được Đảng khởi xướng tại Đại hội VI (tháng 12-1986) là một mốc son mới trong lịch sử biên niên của Đảng. Đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã đi qua một chặng đường gần 40 năm với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. “Ý Đảng-lòng dân-phép nước” quyện chặt làm một, bằng sức mạnh giải phóng, bằng sức mạnh phát triển theo đúng chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng làm hồi sinh đất nước và chấn hưng dân tộc để chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay!

Sự trưởng thành về nhận thức lý luận của Đảng

Đổi mới ở Việt Nam là đổi mới theo định hướng XHCN. Đó là đổi mới có nguyên tắc, có bước đi phù hợp được dẫn dắt bởi phương hướng chính trị đúng đắn và phương pháp sáng tạo.

Ngay trong những năm đầu đổi mới, giữa bối cảnh quốc tế phức tạp và tình hình trong nước hết sức khó khăn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng giữa thập niên 1980, đời sống nhân dân rất khó khăn, niềm tin của một bộ phận nhân dân giảm sút, Đảng ta đã ra sức tận dụng thời cơ, dũng cảm đương đầu với thách thức để bình tĩnh vượt qua. Phải chủ động đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ để thay đổi cách làm.

Đảng ta nhấn mạnh, trước hết phải đổi mới tư duy kinh tế, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, mệnh lệnh hành chính trong điều hành, quản lý nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, từng bước thử nghiệm và áp dụng cơ chế thị trường, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Phương thức phân phối theo kiểu bao cấp, bình quân đã làm suy giảm và triệt tiêu động lực phát triển mà cũng không phù hợp với nguyên lý công bằng xã hội đã được khắc phục bằng cơ chế thị trường, tuân theo quy luật giá trị và cạnh tranh, tôn trọng lợi ích cá nhân của người lao động, thực hiện hài hòa các quan hệ lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội.

Cùng với giải phóng sức sản xuất (lực lượng sản xuất), Đảng ta ngay những năm đầu đổi mới đã chú trọng giải phóng ý thức tinh thần, thực hiện dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực của đời sống, bảo đảm cho nhân dân thực hiện và phát huy quyền làm chủ thực sự của mình. Đó là quan điểm tư tưởng đúng đắn, sáng tạo của Đảng, là những khởi đầu rất quan trọng để hình thành nhận thức lý luận mới của Đảng về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta.

Kinh tế thị trường và dân chủ là hai động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới, nhanh chóng tạo ra sinh khí mới, tính năng động và sức sáng tạo mới của xã hội và nhân dân ta. Đây cũng là quan điểm chính trị đúng đắn và nhất quán của Đảng trong lãnh đạo kinh tế, quản lý xã hội, vận dụng sáng tạo vai trò của chính trị, của lý luận chính trị vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật trong sự phát triển xã hội dưới ánh sáng của tư tưởng đổi mới.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đã định hình tư tưởng của Đảng về dân chủ và xây dựng nền dân chủ XHCN, về hệ thống chính trị và đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Lần đầu tiên, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (năm 2002), Đảng ta ra Nghị quyết chuyên đề về hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (năm 1998) và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào năm 2007.

Đến Đại hội XIII (năm 2021), Quy chế dân chủ ở cơ sở đã có sự bổ sung, phát triển đầy đủ quyền dân chủ, quyền làm chủ của người dân trong tư cách người chủ của xã hội, là chủ thể của đổi mới sáng tạo. Từ chỗ khẳng định “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đến chỗ khẳng định “dân giám sát, dân thụ hưởng” là một bước tiến dài trong nhận thức và thực hiện dân chủ ở nước ta. Tư tưởng tăng cường, kiểm soát quyền lực của nhân dân còn được khẳng định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Quốc hội khóa XV thông qua và chính thức có hiệu lực trong cuộc sống với tư cách là một đạo luật, nâng cao hơn hẳn tính pháp lý so với quy chế và pháp lệnh trước đây.

Vững vàng bản lĩnh của đảng cầm quyền

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thông qua lãnh đạo cách mạng, bản lĩnh của Đảng ta đã được tôi luyện, ngày càng vững vàng. Điều đó thể hiện qua những điểm cốt lõi sau.

Thứ nhất, kiên định lý tưởng và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Vững bước đi lên trên con đường đã chọn, quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước tiến tới CNXH.

Thứ hai, khẳng định và kiên quyết bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam. Bảo vệ bằng cách phát triển sáng tạo, không xơ cứng, giáo điều. Trung thành một cách sáng tạo, không máy móc, khuôn sáo, sao chép, bắt chước; biện chứng chứ không siêu hình.

Muốn sáng tạo phải phát triển và có phát triển lý luận xuất phát từ thực tiễn (Việt Nam và thế giới), làm cho lý luận trở nên phong phú, sống động trong thực tiễn chứ không khô cứng, có hơi thở của thực tiễn cuộc sống, đủ sức là lý luận tiên phong dẫn đường thì mới tỏ rõ sự trung thành. Đấu tranh không khoan nhượng chống lại sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, vừa ra sức khắc phục giáo điều cũ (chủ quan duy ý chí) vừa chủ động phòng ngừa rơi vào giáo điều mới, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản, phủ nhận CNXH, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng.

Thứ ba, kiên trì, kiên định giữ vững và bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng, địa vị cầm quyền của Đảng, không mất phương hướng chính trị để rơi vào ý thức hệ tư sản, cổ xúy đa nguyên, đa đảng và tam quyền phân lập trong xây dựng nhà nước pháp quyền.

Thứ tư, thể hiện ở tầm nhìn chiến lược của Đảng, chủ động hội nhập quốc tế, vượt qua sự trì trệ, bảo thủ, giáo điều, đồng thời không rơi vào cực đoan, phiến diện, thoát ly quan điểm thực tiễn, quan điểm lịch sử-cụ thể và quan điểm phát triển. Không thể phát triển nếu tự biến mình thành một ốc đảo, khép kín, biệt lập với thế giới bên ngoài nhưng cũng không thể phát triển tích cực, lành mạnh nếu từ bỏ CNXH, chạy theo kinh tế thị trường kiểu tư bản chủ nghĩa với thể chế chính trị tư sản, bất chấp những mặt trái và hệ lụy tiêu cực của nó.

Không thể vì lợi nhuận bằng mọi giá mà làm tổn thương xã hội, suy đồi đạo đức, tự đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống dân tộc trong hội nhập. Đảng ta nhấn mạnh, hội nhập nhưng không tự đánh mất chính mình, hòa nhập nhưng không hòa tan, đổi mới chứ không đổi màu. Giữ vững nền tảng tư tưởng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và CNXH mang bản chất khoa học-cách mạng-nhân văn.

Hơn ba phần tư thế kỷ liên tục cầm quyền, nêu cao dũng khí tự phê phán, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, nêu cao bài học tôn trọng quy luật khách quan và bài học lấy dân làm gốc, dựa vào dân mà xây dựng Đảng, ngày nay, Đảng ta coi xây dựng Đảng là then chốt, tập trung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Thực chất đó cũng là xây dựng Đảng về văn hóa theo ý nghĩa tổng hợp và rộng rãi nhất của khái niệm văn hóa, làm cho văn hóa với hệ giá trị chân-thiện-mỹ thấm sâu trong đời sống chính trị của Đảng, trong đạo đức, lối sống, nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên.

Những điều trình bày trên đây cho thấy, Đảng nỗ lực tự đổi mới chính mình để thúc đẩy đổi mới xã hội. Thực tiễn đổi mới đã dẫn đến nhận thức mới, tư duy đổi mới sáng tạo của Đảng, hình thành hệ thống lý luận khoa học và cách mạng của Đảng ta về CNXH Việt Nam và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Đó là sự kết hợp giữa tính phổ biến thế giới với tính đặc thù Việt Nam để nhận thức đặc điểm, bản chất, động lực phát triển CNXH, mục tiêu, phương hướng và giải pháp xây dựng XHCN ở Việt Nam, từ định hướng XHCN đến định hình CNXH ở Việt Nam thông qua đổi mới, hội nhập để phát triển và hiện đại hóa đất nước.

Từ Đại hội VI (năm 1986) đến Đại hội XIII (năm 2021) và hiện nay, có thể nói, thành tựu phát triển lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta là một hệ thống các quan điểm, nguyên tắc, được thể hiện toàn diện, phong phú trong đường lối của Đảng, được thể chế hóa thành luật pháp và chính sách, được thực tiễn hóa trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đưa đất nước phát triển cả về thế và lực như ngày nay, mở ra triển vọng phát triển tốt đẹp của đất nước, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào giữa thế kỷ 21, để dân tộc cường thịnh, trường tồn.

Mấu chốt là 8 đặc trưng của xã hội XHCN, 8 phương hướng xây dựng CNXH, 10 mối quan hệ lớn, quy định mô hình xây dựng CNXH ở Việt Nam với 3 trụ cột: Kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN từ định hướng đến định hình. Đó là những đường nét cơ bản của CNXH Việt Nam, một CNXH hiện thực mới sinh thành trong đổi mới đúng quy luật, thuận lòng dân, hợp thời đại theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo (Theo QDND.VN)

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo