Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Kinh tế số - Động lực để TPHCM bứt phá

Nhà máy thông minh, ứng dụng số được nhiều doanh nghiệp lựa chọn

(Thanhuytphcm.vn) - Xây dựng nhà máy thông minh, số hóa quy trình sản xuất, đẩy mạnh giao dịch hàng hóa bằng phương thức thương mại điện tử, trực tuyến… chính là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp tại TPHCM trong thời gian qua, nhất là từ giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 cho đến nay.

Sự lựa chọn tất yếu

Theo chia sẻ từ đại diện Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa, đây cũng là sự lựa chọn tất yếu vì sự sống còn, vì sự phát triển. Năm qua, cùng với việc tham gia vào chương trình Hợp tác phát triển nhà máy thông minh - Smart Factory do Bộ Công thương và Tập đoàn Samsung phối hợp tổ chức, Kềm Nghĩa đã được các chuyên viên công nghệ tư vấn, cải tiến và nâng cao quy trình, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng lộ trình rõ ràng và vững chắc để Kềm Nghĩa trở thành nhà máy thông minh với những công nghệ tiên tiến trong tương lai.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Kềm Nghĩa cho biết: “Các dự án đã được triển khai và mang lại hiệu quả nổi bật, giúp Kềm Nghĩa kiểm soát lỗi bỏ sót công đoạn nhằm cải thiện tỷ lệ tái tạo, nâng cao năng suất công đoạn mài kềm, quản lý hiệu quả tổng thể của máy dập nhằm gia tăng tỷ lệ vận hành, tự động thống kê kết quả sản xuất, không sử dụng giấy trong thu thập số liệu, quản lý xuất nhập kho bán thành phẩm công đoạn… Nhờ vậy mà Kềm Nghĩa đã đạt được kết quả kinh doanh bứt phá vào năm 2022 và hứa hẹn nhiều triển vọng hơn vào năm 2023”.

Được biết, với kết quả sản xuất kinh doanh thuận lợi như vừa kể trên, Kềm Nghĩa thưởng tối đa 4 tháng lương cho người lao động, thu nhập của lực lượng lao động tăng đến 40% so với năm trước.

Từ điển hình của Kềm Nghĩa, nhìn rộng ra cộng đồng doanh nghiệp tại TPHCM, ông Phạm Ngọc Hưng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Giám đốc Công ty Luật TNHH Phạm Hưng nhấn mạnh: “Kinh tế số là một yêu cầu khách quan, bắt buộc phải áp dụng công nghệ số vào trong tất cả các hoạt động. Trong thời gian qua, với doanh nghiệp nào áp dụng chuyển đổi số sớm và lựa chọn phương thức phù hợp thì doanh nghiệp đó gặt hái được thành công. Thông qua các nhà phân phối lớn trên nền tảng thương mại điện tử, doanh số và doanh thu của các doanh nghiệp đã đạt sự tăng trưởng đáng kể”.

Theo kết quả khảo sát từ VCCI về “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19” với sự tham gia của trên 400 doanh nghiệp. Kết quả cho thấy đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có kỳ vọng lớn đối với quá trình chuyển đổi số. Có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm tỷ lệ hơn 71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%) đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%). Trong đó, các doanh nghiệp quy mô lớn chuyển đổi nhanh hơn và tin tưởng vào kết quả tích cực của chuyển đổi số hơn. Kết quả này cũng phản ánh rõ, kinh tế số là sự lựa chọn tất yếu.

TPHCM đặt mục tiêu phát triển kinh tế số cao hơn cả nước

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2022, Phó Thủ Tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã nhấn mạnh: Về mục tiêu phát triển kinh tế số, TPHCM đã đặt ra các mục tiêu cao hơn cả nước, đến 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%. Kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế. Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TPHCM sẽ góp phần quan trọng thành công trên cả nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của TP và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực.

Trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, TPHCM đã xác định kinh tế số sẽ giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế để hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch. Và đó cũng là giải pháp giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế.

Thành công về chuyển đổi số trong thực hiện kinh tế số tại TPHCM góp phần quan trọng tạo nên thành công trên cả nước, đồng thời khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế của địa phương. Kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng. Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TPHCM sẽ góp phần quan trọng vào thành công trên cả nước, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của TP về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ ở tầm quốc gia và khu vực.

Thương mại điện tử chính là chất xúc tác để kinh tế số tăng trưởng Thương mại điện tử chính là chất xúc tác để kinh tế số tăng trưởng

Thực tế cho thấy, nhiều nhà quản lý, chuyên gia đánh giá TPHCM có nhiều điều kiện để tăng tốc kinh tế số trong năm 2023 và cả ở những năm tiếp theo. Từ quan điểm cá nhân, ông Trương Gia Bình, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho rằng: Khi chuyển đổi số thành công, TPHCM không chỉ là nơi tốt nhất để sống, để làm việc trên nền tảng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số - mô hình phổ biến nhiều TP đang thực hiện, mà còn có tiềm năng trở thành viên ngọc xanh lấp lánh những công nghệ mới nhất như AI, IoT, Metaverse...  Khi đó, TPHCM sẽ vang danh là TP xây dựng các TP thông minh khác, một TP chuyên kiến tạo các thế giới mới. Bởi vì, TP đang sở hữu nguồn lực và nền tảng để biến các khát vọng này thành sự thật.

“TPHCM đi đầu về công nghệ thông tin của cả nước, là nơi ứng dụng các công nghệ mới hiệu quả nhất, đồng thời là kho dữ liệu tốt nhất trên cả nước. TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung hiện sở hữu nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào, tương quan với nhiều nước tiên tiến trên thế giới” - ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Từ sự chọn lựa đúng và trúng trong phát triển kinh tế số đã giúp TP gặt hái nhiều kết quả đáng phấn khởi trong phục hồi và tạo nên sự tăng trưởng của kinh tế TP. Theo nhận định từ các chuyên gia, từ nền tảng của năm 2022 thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là khoảng 7,5%. Nhưng nếu duy trì tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng, tập trung gỡ điểm nghẽn đặc thù, các nguồn vốn đầu tư thông qua nâng cao trách nhiệm của bộ máy hành chính công vụ các cấp, đẩy nhanh các công trình trọng điểm quốc gia, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức gắn với phát triển khoa học công nghệ thì chắc chắn con số về tăng trưởng kinh tế có thể tăng lên hơn 7,5% như dự báo.

Tin tưởng vào sự phát triển của kinh tế số để tạo động lực cho sự phát triển TP, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM hiến kế: “Cơ sở hạ tầng số cần được quan tâm đầu tư, cập nhật nhanh những tiến bộ mới trên thế giới như AI, Bigdata… Tăng sự tương tác giữa chính quyền và người dân, giữa chính quyền và doanh nghiệp, giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất… Để phát triển kinh tế số thì TP phải có các chương trình khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nhiều hơn nhất là hỗ trợ trong vấn đề xây dựng hệ thống kết nối thông suốt giữa doanh nghiệp với thị trường, giữa doanh nghiệp với ngân hàng, thu hút doanh nghiệp đầu tư sáng tạo công nghệ, kỹ thuật mới… Việc TP phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao TP Thủ Đức thì đây chính là cú hích để  TP thực hiện kinh tế số thành công”.

Được biết, trong kế hoạch năm 2023, cùng với hệ thống đánh giá chuyển đổi số DTI, TP sẽ đẩy mạnh triển khai hệ thống quản trị thực thi TP dựa trên dữ liệu. Hệ thống này sẽ giúp nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của TP. Bên cạnh đó, giúp nâng cao chất lượng phục vụ trong các dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp cho người dân và doanh nghiệp.

Về mục tiêu phát triển kinh tế số, TPHCM đã đặt ra các mục tiêu cao hơn cả nước. Đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến năm 2030 đóng góp 40%, trong khi mục tiêu tương ứng của cả nước là 20% và 30%.Với tinh thần năng động sáng tạo, TPHCM đã và đang tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ chuyển đổi số, tham gia và đóng góp tích cực vào kinh tế số. Đây cũng là định hướng phát triển mới của TP, nhằm phát triển nhanh, bền vững hơn.

Dũng Tiến


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo