Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà tại Lễ hội Vía Bà 2021 (Thanhuytphcm.vn) - Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc, An Giang. Lễ hội mang đậm văn hóa của cư dân vùng Tây Nam bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm. Năm 2014, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia. Tuy nhiên, những giá trị của Lễ hội còn phù hợp với các tiêu chí Công ước 2003 của UNESCO để trở thành DSVHPVT đại diện nhân loại.
Chứa đựng cứ liệu sinh động về dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang
Trong tín ngưỡng của người Kinh, Bà Chúa Xứ nằm trong hệ thống Thánh Mẫu, được tôn thờ trong điện thần và tổ chức các thực hành liên quan như lễ hội, tế lễ và các hình thức diễn xướng dân gian khác. Theo truyền thuyết, Bà Chúa Xứ là người được Ngọc Hoàng sai xuống cứu dân độ thế, canh giữ bờ cõi. Bà cũng là một trong 6 nữ thần bất tử theo tín ngưỡng dân gian (bà Chúa Bầu, bà Chúa Liễu, bà Chúa Tó, bà Chúa Kho, bà Chúa Ngọc và bà Chúa Xứ). Lễ hội tôn vinh bà Chúa Xứ cũng là dịp người dân thể hiện tâm thức “uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân, tôn kính đối với Bà. Theo thời gian, việc tôn thờ, đi viếng Bà không chỉ có người dân TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, vùng Tây Nam bộ, mà ở người dân khắp mọi miền đất nước.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ 22 đến 27/4 (âm lịch) hằng năm. Lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: Lễ khai hội, lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc. Năm 2001, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là lễ hội cấp quốc gia.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam chứa đựng những cứ liệu sinh động về dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang, với sự giao lưu, hội nhập về các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự cùng các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa để rồi tạo ra sự đồng thuận trong quá trình dựng nước và giữ nước, sự hài hòa trong quan hệ cộng đồng về mặt văn hóa, vừa kế tục được sự nghiệp văn hóa của người cổ xưa, vừa tôn tạo, bồi đắp được nền văn hóa mang bản sắc Việt độc đáo.
Lễ hội Vía Bà bên cạnh các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng hướng tới chủ điện thờ là một nhân vật huyền thoại, còn gắn với những nhân vật lịch sử - những người có công khai phá và bảo vệ vùng đất này - là vợ chồng danh tướng Thoại Ngọc Hầu cùng các bộ tướng và binh sĩ. Những hành trang đích thực được gắn kết với đời sống văn hóa tâm linh, đã góp phần lưu giữ những giá trị lịch sử phát triển vùng đất phía tây - nam của Tổ quốc trong xã hội đương đại.
Nghi thức rước Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam về nhập miếu, tại Lễ hội năm 2021. Nổi tiếng bởi tính cộng đồng xuyên suốt và thích ứng với cuộc sống đương đại
Cho đến thời điểm này, tại vùng đất phương Nam, ngoài Đờn ca tài tử là di sản duy nhất được UNESCO đưa vào danh mục là DSVHPVT đại diện nhân loại (vào năm 2013), thì Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (nếu đáp ứng các tiêu chí theo Công ước) cũng sẽ là di sản thứ hai, nhưng đồng thời cũng là lễ hội truyền thống đầu tiên của Nam bộ được đón nhận danh dự này. Đây chính là thời cơ, là thế mạnh nhưng đi cùng với đó cũng có không ít những thách thức.
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, một trong những thách thức khi lập hồ sơ UNESCO là làm thế nào để nhận diện, miêu tả chính xác chủ thể của di sản và thể hiện vai trò của cộng đồng trong toàn bộ hồ sơ. Đây cũng là vấn đề khó mà các hồ sơ của Việt Nam trước đây đã từng gặp phải, nhất là đối với loại hình lễ hội, một dạng thức di sản tích hợp nhiều loại hình, có rất nhiều người tham gia nên rất khó nhận diện ai là chủ thể của di sản hiểu theo phạm vi hẹp đúng với tinh thần của khái niệm DSVHPVT.
“Việc xây dựng hồ sơ đề cử Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam nên và phải có sự tham gia của các bên: Cộng đồng chủ thể nắm giữ, thực hành di sản; cộng đồng tham gia bảo vệ di sản; cơ quan quản lý, bảo vệ của địa phương; Nhà nước; cơ quan nghiên cứu hỗ trợ; các cơ quan có liên quan của địa phương; các tổ chức phi chính phủ,… Vai trò, trách nhiệm, hoạt động của mỗi bên phải được phản ánh trong hồ sơ và việc thực hiện sẽ được đánh giá theo bộ khung/tiêu chí cụ thể của UNESCO”, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh và chia sẻ thêm, tương tự Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (DSVHPVT đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh 2010), Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam hiện diện, nổi tiếng bởi tính cộng đồng xuyên suốt, được duy trì bền bỉ, được thực hành nhuần nhuyễn, sáng tạo và thích ứng với cuộc sống đương đại. Tôi tin chắc rằng di sản này xứng đáng được ghi danh, tỏa sáng trong bức tranh chung DSVHPVT của nhân loại.