Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Bài 1:

Luôn xứng đáng là lực lượng xung kích trên trận địa tư tưởng văn hóa của Đảng

Cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn I4, năm 1972. Ảnh tư liệu

Lời tòa soạn: Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2020), PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã có bài viết khái quát về quá trình hình thành và phát triển ngành Tuyên giáo của Đảng bộ TPHCM. Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 1/8 là ngày được Bộ Chính trị khóa VIII chọn là Ngày truyền thống công tác tư tưởng, sau này đổi lại là công tác Tuyên giáo của Đảng. Trong chặng đường lịch sử vẻ vang 90 năm của ngành Tuyên giáo Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác Tuyên giáo của Đảng bộ TPHCM trải qua các thời kỳ cách mạng đã có những đóng góp quan trọng, luôn xứng đáng là lực lượng xung kích trên trận địa tư tưởng văn hóa của Đảng ta.

Từ Tuyên huấn Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định…

Tuyên huấn Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định ra đời và hoạt động gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Đảng bộ TPHCM và Xứ ủy Nam bộ, với nhiệm vụ là tuyên truyền đường lối, làm công tác tư tưởng trong nội bộ Đảng và ngoài quần chúng, đồng thời đào tạo huấn luyện đội ngũ cán bộ nòng cốt làm cơ sở cho việc mở rộng và phát triển tổ chức Đảng.

Tháng 11/1929, khi An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Sài Gòn, đồng chí Trần Não, một trong những người lãnh đạo An Nam Cộng Sản Đảng được cử phụ trách công tác Tuyên huấn ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Ngày 03/02/1930 các tổ chức Đảng hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam và tháng 3/1930 Thành ủy Lâm thời Sài Gòn – Chợ Lớn đầu tiên được thành lập, đồng chí Trần Não được cử vào Thành ủy và tiếp tục phụ trách công tác tuyên truyền của Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn.

Tháng 2/1931, đồng chí Hà Huy Giáp, Xứ ủy viên, Trưởng ban Tuyên huấn Xứ ủy được phân công phụ trách Tuyên huấn Sài Gòn – Chợ Lớn nhưng chỉ 5 tháng sau đó đồng chí bị địch bắt. Tháng 6/1932, đồng chí Tạ Đức Đường, Bí thư Thành ủy kiêm phụ trách Tuyên huấn nhưng chỉ 4 tháng sau toàn bộ Thành ủy và đồng chí bị địch bắt. Tháng 2/1934, đồng chí Trần Văn Vi (Dân Tôn Tử) Xứ ủy viên, Bí thư Thành ủy kiêm phụ trách Tuyên huấn cho đến năm 1936.

Từ 1930 đến 1935 là thời kỳ địch khủng bố ác liệt, Thành ủy bị tan vỡ nhiều lần, đặc biệt là năm 1930 - 1931 nhiều cơ sở Đảng bị địch đánh phá, nhiều đảng viên bị bắt, bị tù, bị giết, công tác Tuyên huấn có lúc bị gián đoạn nhưng vẫn tập trung vào việc giáo dục tinh thần giữ vững khí tiết cách mạng cho đảng viên và quần chúng cốt cán. Nhờ vậy nhiều đảng viên và quần chúng trong lao tù bị địch tra tấn cực hình nhưng vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ đồng chí mình.

Năm 1936-1939, lợi dụng phong trào dân chủ của Chính phủ Pháp các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – Bí thư Thành ủy, Nguyễn Hữu Tiến phụ trách Tuyên huấn đã tập hợp lực lượng, tuyên truyền vận động xây dựng lại cơ sở cách mạng. Nhiều báo chí công khai được phát hành để chống lại các luận điệu của bọn trotkit, kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi hòa bình dân chủ. Mặt khác thông qua các phong trào của quần chúng công tác Tuyên huấn của Đảng có điều kiện lồng ghép những nội dung truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tinh thần yêu nước làm cho nhân dân ý thức được quyền lợi dân tộc và giai cấp, vấn đề áp bức và đấu tranh chống áp bức.

Thường vụ Phân khu I họp hội nghị ra nghị quyết chống Mỹ - ngụy trên mặt trận văn hóa tư tưởng, năm 1972. Ảnh tư liệu Thường vụ Phân khu I họp hội nghị ra nghị quyết chống Mỹ - ngụy trên mặt trận văn hóa tư tưởng, năm 1972. Ảnh tư liệu

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 công tác Tuyên huấn trong những ngày mới giành được độc lập còn ngổn ngang bề bộn công việc chưa được giải quyết thì ngày 23/9/1945 thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn – Chợ Lớn mở đầu chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ 2. Nhiệm vụ cách mạng mới đặt ra cho công tác Tuyên huấn, công tác tư tưởng là động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kháng chiến cứu quốc, giữ vững chính quyền cách mạng. Công tác Tuyên huấn của Đảng bộ Thành phố cùng với các lực lượng khác nhanh chóng triển khai các chủ trương của Xứ ủy Nam bộ, Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, nhiệm vụ kháng chiến đến các tầng lớp nhân dân thành phố.

Tháng 4/1947, đồng chí Đào Năng An (Bảy Định), Ủy viên Thường vụ Thành ủy được phân công phụ trách Tuyên huấn. Đây là giai đoạn đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch trên mặt trận chính trị tư tưởng.

Tháng 11/1949, Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn chính thức được thành lập do đồng chí Võ Văn Tuấn (Hai Trúc) làm Trưởng ban. Đến tháng 8/1950, thành lập Đặc khu ủy, đồng chí Nguyễn Văn Linh – Bí thư Đặc khu kiêm Trưởng ban Tuyên huấn.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 7/1954, một số cán bộ của thành phố được tập kết ra Bắc, số còn lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Kẻ địch khủng bố, đàn áp nặng nề, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn; bộ máy công tác Tuyên giáo không còn. Năm 1960, Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định được thành lập lại. Giai đoạn này Ban Tuyên huấn hoạt động ở cả đô thị và nông thôn với nhiều bộ phận khác nhau cả công khai lẫn bí mật, hoạt động hết sức phong phú, sôi nổi.

Năm 1965, đồng chí Trần Bạch Đằng thay đồng chí Bảy An làm Trưởng ban, đến cuối 1967 Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định được chia làm 2 đơn vị, gọi là Tuyên huấn Phân khu 1 và Tuyên huấn Phân khu 6. Phân khu 1 do đồng chí Lê Hỷ Hoan (Tư Hoan) làm Trưởng ban và Phân khu 6 do đồng chí Trần Bạch Đằng kiêm nhiệm. Đến năm 1972 Tuyên huấn Phân khu 1 và Phân khu 6 nhập lại thành Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn – Gia Định do đồng chí Nguyễn Văn Bình (8 Bình) làm Trưởng ban cho đến khi thành phố hoàn toàn được giải phóng năm 1975.

Đồng chí Mai Chí Thọ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định chụp hình với các đại biểu dự Hội nghị sáng tác văn học Khu, năm 1973. Ảnh tư liệu Đồng chí Mai Chí Thọ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định chụp hình với các đại biểu dự Hội nghị sáng tác văn học Khu, năm 1973. Ảnh tư liệu

Từ 1965-1975 là thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, địch đánh phá ngày đêm bằng đủ các loại phương tiện chiến tranh. Căn cứ Tuyên huấn Sài Gòn – Gia Định phải di chuyển liên tục, nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo về hệ thống hầm, địa đạo, nơi làm việc nên công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ và nhân dân nội, ngoại thành không bao giờ bị gián đoạn. Giai đoạn này Ban Tuyên giáo Thành phố cũng được tăng cường thêm hàng trăm cán bộ nên công tác Tuyên huấn được mở rộng và đi vào chiều sâu, nắm được nhiều tổ chức trong nội thành ở nhiều ngành, nhiều giới như học sinh, sinh viên, công nhân, trí thức, báo chí…

Do tính chất đặc biệt của Thành phố Sài Gòn – Gia Định là trung tâm đầu não của bộ máy xâm lược, vừa được giải phóng nên Thành ủy đã cử đồng chí Mai Chí Thọ (Năm Xuân), Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng ban Tuyên huấn. Tháng 6/1975, đồng chí Trần Trọng Tân, Ủy viên Thường vụ Thành ủy được cử làm Trưởng ban cho đến tháng 7/1981. Trong thời gian này Ban Tuyên huấn có một số thay đổi: Phòng Khoa giáo được tách ra để thành lập ban Khoa giáo Thành ủy (12/8/1977) và Phòng Văn hóa – Văn nghệ cũng được tách ra để thành lập Ban Văn hóa – Văn nghệ Thành ủy (5 – 11/1979).

Tháng 8/1981, đồng chí Võ Trần Chí, Ủy viên Thường trực Thành ủy được cử làm Trưởng ban. Đến tháng 10/1982 đồng chí Đào Hoàng Thúy, Thành ủy viên, Phó Ban Tuyên huấn được giao nhiệm vụ quyền Trưởng ban cho đến tháng 8/1983. Tháng 9/1983, đồng chí Phạm Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ được cử làm Trưởng Ban Tuyên huấn và đến tháng 3/1987 đồng chí Dương Đình Thảo được cử làm Trưởng ban cho đến năm 1991.

Đảng ủy, lãnh đạo Ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy TPHCM chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu Đảng ủy, lãnh đạo Ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy TPHCM chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

…Đến Tuyên giáo TPHCM

Tháng 11/1991, Thường vụ Thành ủy quyết định nhập Ban Tuyên huấn và Ban Văn hóa Văn nghệ thành Ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy. Đồng chí Trần Trọng Tân, Phó Bí thư Thành ủy được cử làm Trưởng ban.

Công tác tư tưởng - văn hóa trong giai đoạn này tập trung quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, các tập tục lạc hậu, xây dựng và mở rộng các thành phần kinh tế, các hình thức liên doanh liên kết giữa các thành phần kinh tế. Về mặt xã hội, tuyên truyền các chính sách xã hội, về việc “lấy dân làm gốc”, tăng cường đề cao cảnh giác cách mạng chống lại các âm mưu phá hoại nhiều mặt và âm mưu “diễn biến hòa bình” của địch, đồng thời tập trung tuyên truyền để bảo đảm ổn định tư tưởng trong Đảng và nhân dân khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu sụp đổ, tuyên truyền về công tác chỉnh đốn Đảng, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, ổn định trật tự xã hội…

Tháng 4/1996, đồng chí Trần Văn Tạo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy được cử làm Trưởng ban. Tháng 1/2001, đồng chí Phạm Phương Thảo - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy được cử làm Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy. Tháng 6/2004, đồng chí Phan Xuân Biên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy được cử làm Trưởng Ban cho đến tháng 11/2009. Từ tháng 7/2007, Ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy TPHCM được đổi tên là Ban Tuyên giáo theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa X. Tháng 12/2009, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, làm Trưởng ban. Từ tháng 7/2011, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm Trưởng ban Tuyên giáo. Từ tháng 6/2019, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho đến nay.

Thập niên đầu thế kỷ XXI đến nay, công tác tư tưởng văn hóa tập trung vào một số công việc trọng tâm là tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên để tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng về lý tưởng, quan điểm, đường lối và các nguyên tắc của Đảng, về định hướng mục tiêu phát triển của thành phố. Đồng thời “tích cực học tập, nỗ lực làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng nhân cách cán bộ, đảng viên sống trong sạch, nêu cao tinh thần trách nhiệm tận tụy với công việc, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, cơ hội dưới mọi hình thức, kiên quyết chống tham nhũng, quan liêu, xây dựng tinh thần tự giác và ý thức cách mạng tiến công; nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức, năng lực, trí tuệ của cán bộ, đảng viên phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác tư tưởng văn hóa luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Thành phố. Dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, đội ngũ làm công tác Tuyên giáo thành phố đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Đại bộ phận đội ngũ cán bộ đều được đào tạo có hệ thống và trưởng thành trong thực tiễn cách mạng, là lực lượng xung kích và đáng tin cậy của Đảng và nhân dân trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Các phương tiện và điều kiện hoạt động của công tác tư tưởng văn hóa có bước đổi mới. Cùng chung lịch sử truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo cả nước, công tác Tuyên giáo của Đảng bộ TPHCM qua các thời kỳ cách mạng luôn giữ vị trí xung kích, vững vàng trên trận địa tư tưởng văn hóa của Đảng ở một địa bàn có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.

PGS.TS Phan Xuân Biên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo