Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

Mỗi năm quỹ bảo hiểm y tế chi trả khoảng 110.000 tỷ đồng

Quang cảnh họp báo Chính phủ chiều 6/12

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 6/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023.

Tại họp báo, về vấn đề bạo lực học đường, cả đối với học sinh và giáo viên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, đây là vấn đề nghiêm trọng, gần đây nhất là vụ việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (một số học sinh có hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với một nữ giáo viên, gây bức xúc dư luận). “Đây là điều mà tất cả chúng ta đều không thể chấp nhận được, phải xác định rõ nguyên nhân để xử lý nghiêm, chấn chỉnh kịp thời, rút kinh nghiệm sâu sắc việc này”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu.

Nêu về giải pháp để ngăn chặn nạn bạo lực học đường, Thứ trưởng cho biết, xử lý kỷ luật là một phần, nhưng quan trọng hơn hết là công tác giáo dục. Đầu tiên là vấn đề giáo viên, phải rà soát lại năng lực, kỹ năng của các nhà giáo đối với việc ứng xử trong nhà trường, với học sinh, từng nhà trường phải đánh giá lại đội ngũ. Với nhà trường, phải thường xuyên theo dõi, rà soát lại quan hệ thầy - trò, diễn biến về tâm lý giáo viên, học sinh; công tác quản lý lớp học… Các phụ huynh cũng phải có trách nhiệm trong việc này, vì phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh là rất quan trọng. Cuối cùng, đó là trách nhiệm của xã hội. Giáo dục học sinh không chỉ là trong nhà trường, là trách nhiệm của nhà trường mà là của cả xã hội, những văn hóa ngoài xã hội cũng tác động, ảnh hưởng đến các em. Về phía ngành giáo dục, Thứ trưởng cho biết sẽ chú trọng hơn trong công tác giáo dục đạo đức học sinh.

Tại họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã trả lời về việc nguồn cung vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đến nay, Bộ Y tế đã gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa, trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể (dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2023) và giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vaccine để tiếp nhận vaccine và thực hiện phân bổ ngay cho các địa phương. Đối với vaccine 5 trong 1 phải nhập khẩu, Bộ Y tế đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước cũng như tiếp nhận vaccine tài trợ; bộ đã tiếp nhận 258.000 liều vaccine 5 trong 1 tài trợ, đã phân bổ cho các địa phương để tiêm cho trẻ trong tháng 9 và 10/2023.

Bên cạnh đó, Chính phủ Australia sẽ viện trợ cho Việt Nam 490.600 liều vaccine 5 trong 1 dự kiến vaccine sẽ về Việt Nam trong tháng 12/2023.

Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh về việc tiêm bổ sung, tiêm vét cho các địa phương. Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc lập kế hoạch cung ứng vaccine trong năm 2024 kịp thời đảm bảo nguồn cung vaccine. Để giải quyết căn cơ, lâu dài, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ trình cho phép bố trí ngân sách Trung ương để đảm báo kinh phí mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hiện Bộ Công thương đang xây dựng biểu giá bán lẻ điện bậc thang và rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc. Tuy nhiên, qua thực hiện biểu giá bậc thang đã biểu lộ bất cập, dùng nhiều trả nhiều cũng chưa phản ánh hết chi phí của người sử dụng và có ý kiến cho rằng nên xây dựng giá hai thành phần. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Đỗ Thắng Hải trao đổi cho biết, hiện nay, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước phát triển đều áp dụng giá điện cho mục đích sinh hoạt theo các bậc với giá điện của bậc thang sau cao hơn so với bậc thang trước tương tự như Việt Nam đang tiến hành.

Về giá điện hai thành phần, kinh nghiệm áp dụng tại các nước trên thế giới cho thấy giá bán điện hai thành phần gồm giá công suất (tính theo kW) và giá điện năng (tính theo kWh) chỉ áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất và kinh doanh. Cơ chế giá này không áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, do đây là cơ chế mới, cần có nghiên cứu, thử nghiệm kỹ lưỡng, tránh tác động quá lớn tới các nhóm khách hàng sử dụng điện. Trong thời gian tới, căn cứ đặc điểm sử dụng điện của khách hàng sử dụng điện tại Việt Nam và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm áp dụng tại các nước trên thế giới, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu và đề xuất áp dụng thử nghiệm giá bán điện 2 thành phần với một số nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất để có cơ sở đánh giá tác động đến giá bán lẻ điện bình quân cũng như chi phí sản xuất của khách hàng sử dụng điện.

Về ưu điểm của biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc, các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi so với cách tính cũ là 6 bậc; nhưng nhược điểm là tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm. Như vậy, tổng thể của phương pháp tính vẫn giữ nguyên, chỉ là có sự tăng lên giảm xuống tương ứng giữa các thành phần khách hàng sử dụng điện.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo