Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Học sinh miền Nam số 12, TP Hải Phòng (ngày 18/1/1960). (Ảnh: TTXVN) (Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi, Bác Hồ cùng một số cán bộ từ Việt Bắc trở về Thủ đô. Trên đường đi, Người ghé lại một địa phương nọ, dừng lại xem các khẩu hiệu cách mạng kẻ trên tường. Chợt nhìn thấy hàng dãy cờ căng trước cổng thôn, Bác hỏi: “Sao các chú lại làm cờ của ta nhỏ hơn cờ của các nước Đồng minh?”. Một đồng chí thưa: “Dạ, giấy đỏ và vàng nhân dân mua làm cờ nhiều quá nên thiếu ạ! Vì muốn cho đủ nên chúng cháu phải cắt nhỏ đi một chút ạ”. “Không nên”, Người khẽ lắc đầu và bảo: “Các chú phải hiểu là cách mạng đã thành công, nước ta đã giành được độc lập và đã ngang hàng với các nước, vì vậy cờ của ta phải bằng cờ các nước khác. Có thế mới tỏ rõ chí tự cường, tự trọng của mình”.
Khi đọc mẩu chuyện đó, hẳn chúng ta nhớ lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1945, tức chỉ ít ngày sau sự kiện nêu trên. Thư có đoạn vừa như tâm sự vừa như nhắn nhủ, động viên, thúc giục: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Đó là vài thí dụ về tinh thần tự cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay khi nước ta còn chưa giành được độc lập hay vừa mới thành lập nhà nước dân chủ cộng hòa sơ khai. Tinh thần ấy như vẽ ra cho mọi người về viễn cảnh một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, chắc chắn sẽ diễn ra không lâu nữa, để động viên, khích lệ sự tham gia, đóng góp của tất cả mọi người.
Thời điểm ấy, một dân tộc, một đất nước hôm qua còn nô lệ, còn chưa có tên trên bản đồ thế giới thì bây giờ hướng đến tương lai xán lạn có phải là quá viển vông không? Gần như tất cả chúng ta đều có thể trả lời ngay: Không! Hoàn toàn không! Đất nước ấy, dân tộc ấy với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết một lòng, luôn nỗ lực vượt khó, luôn cần cù, sáng tạo… thì nhất định tương lai tươi đẹp ấy sẽ đến và đến rất gần. Đó không phải chỉ là một thái độ lạc quan mang đậm tính chất tinh thần mà thực sự là một định hướng, một yêu cầu, đòi hỏi, bởi với Hồ Chí Minh, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Ngày 17/7/1966, trong thời điểm đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước chư hầu vào tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền Nam; đồng thời, leo thang đánh phá miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ, cứu nước. Lời kêu gọi có đoạn: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Thêm một lần nữa, Hồ Chí Minh nói đến một tương lai tươi sáng của đất nước, dù trong bối cảnh chiến tranh rất ác liệt, bằng một niềm tin cháy bỏng, một sự khẳng định đanh thép. Và thêm một lần nữa, Người thể hiện tinh thần tự cường một cách mạnh mẽ, cương quyết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng Cơ khí (nay là Công ty CP Cơ khí Gang thép Thái Nguyên) ngày 1/1/1964. (Ảnh tư liệu) Gắn với tự cường là tinh thần tự trọng, vốn có tác động qua lại với nhau. Tự trọng hiểu ở góc độ hẹp (cá nhân) là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình; hiểu ở góc rộng (tổ chức, quốc gia) là coi trọng, đề cao vị thế của mình một cách đúng mực. Với tính chất đó, tự trọng hoàn toàn khác với tự ti, mặc cảm và cũng hoàn toàn khác với tự mãn, tự cao. Người hay tổ chức có tự trọng (với tính chất là hiểu đúng vị thế, vai trò của mình) thì mới có thể tự cường, bởi không hiểu đúng bản thân (chẳng hạn tự ti hoặc tự cao) thì không thể tự cường. Người hay tổ chức có tinh thần tự cường thì luôn biết cách nâng bản thân mình lên, tức là thể hiện sự tự trọng cao hơn.
Từ lời dạy của Bác Hồ, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, việc học tập tinh thần tự cường và tự trọng thực sự rất cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc. Mỗi người phải luôn có ý thức nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức, vị thế, uy tín của mình một cách thực chất, thông qua việc không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu. Trong một nhiệm vụ hay vị trí công tác, mỗi người phải luôn thể hiện khao khát làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, thời gian sau phải có sự tiến bộ hơn trước. Chẳng hạn, với một người thường làm báo cáo, các báo cáo làm sau phải tăng dần độ khó, đồng thời phải hay hơn, có nhiều thông tin, chất liệu hơn, có chiều sâu hơn…; một người làm công tác tiếp dân càng về sau phải tiếp cận vấn đề nhanh hơn, xử lý chính xác hơn, thuyết phục hơn, tạo được niềm tin ở người dân lớn hơn…; để xử lý tốt những vấn đề chưa rõ hoặc mới phát sinh, mỗi người phải không ngừng học hỏi, qua trường lớp, sách báo, đồng nghiệp… Tất cả những điều đó đều hướng tới việc hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho cơ quan, đơn vị của mình.
Trong bối cảnh “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đó chính là khát vọng hùng cường của đất nước, của dân tộc, của Đảng và đương nhiên của tất cả mỗi đảng viên. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi người phải thực sự có tinh thần tự cường, tự trọng và có những hành động thể hiện rõ tinh thần tự cường, tự trọng.