Thứ Tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động, khắc phục tình trạng trốn đóng BHXH

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 6/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn với lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội (LĐTB-XH). Tới dự phiên chất vấn có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày với 4 lĩnh vực: LĐTB-XH, dân tộc, giao thông vận tải, khoa học công nghệ, cuối phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn của kỳ họp để có cơ sở giám sát việc thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nội dung chất vấn tại kỳ họp lần này đều là những vấn đề quan trọng, được nhân dân, ĐBQH quan tâm. Kỳ họp thứ 5 là kỳ họp thực hiện theo Nội quy kỳ họp Quốc hội mới, theo đó chất vấn phải “hỏi nhanh đáp gọn”, trả lời đúng trọng tâm. ĐBQH chất vấn chỉ nên nêu 1-2 vấn đề, khi tranh luận là để làm rõ thêm vấn đề mới được chất vấn, không nêu câu hỏi, không tranh luận lại với ĐBQH.

Quốc hội sáng 6/6 Quốc hội sáng 6/6

Trong nửa buổi sáng 6/6, các ý kiến chất vấn về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), phát triển thị trường lao động, khắc phục tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

ĐB Huỳnh Ánh Sương (Quảng Ngãi) chất vấn về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, làm sao để học sinh lựa chọn chứ không phải là chỉ chọn sau khi trượt lớp 10, trượt đại học. Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô tuyển sinh là khoảng 2 triệu học sinh vào học nghề, tăng rất cao so với 5 năm trước. GDNN hiện nay quy mô thì chưa lớn, chất lượng còn nhiều vấn đề cần đổi mới, cải thiện. Bộ trưởng cho rằng, muốn thay đổi phải đẩy mạnh tuyên truyền, vì hiện nay phần lớn học sinh, sinh viên vào trường nghề là do không có nhu cầu, không có khả năng học lên, do khó khăn muốn học nghề nhanh để kiếm việc, số có nhu cầu thực sự không nhiều. Nhưng đáng mừng là hiện nay, 80% học sinh trường nghề ra trường có việc làm. Hiện nay đã có chính sách để khuyến khích học sinh vào học nghề nhưng cần làm tốt hơn. Bộ sẽ thiết kế và hỗ trợ thêm chính sách cho học sinh học nghề.

Bộ trưởng cũng thừa nhận có sự trùng lắp trong ngành nghề đào tạo. Hiện nay các trường được tự chủ trong đào tạo. Nhưng tình trạng chung của các trường nghề hiện nay là có học sinh thì đào tạo, chứ chưa đào tạo theo nhu cầu, theo địa chỉ. Hiện Bộ đã chỉ đạo quy hoạch lại hệ thống các trường nghề, sáp nhập lại, sắp xếp lại hệ thống các trường nghề theo tinh thần “về 1 đầu mối”. Năm 2023, tất cả các trường nghề sẽ phải quy hoạch lại như chỉ đạo của Chính phủ đẻ tránh trùng lặp về ngành nghề đào tạo

Về chất lượng nhân lực Việt Nam, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thị trường lao động Việt Nam còn non trẻ nhưng đã phát triển nhanh trong thời gian qua. Đến quý 1/2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi là 51,4 triệu. Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp. Số qua đào tạo hơn 70%, nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ chỉ 26,4%. Tỷ lệ này thấp so với các nước phát triển. Hiện nay, cơ cấu lao động chưa cân đối, cần điều chỉnh. Các nhà đầu tư khi đến thì quan tâm đầu tiên là hạ tầng, tiếp đó là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng hiện nay ta còn thiếu hụt. Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết 06 phát triển thị trường lao động, mục tiêu là hội nhập được với thị trường lao động khu vực và thế giới.

ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) chất vấn về tình trạng lao động thiếu việc làm. Giải trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý 1-2023 là 2,25%, so với thế giới là thuộc các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp. Số lao động mất việc làm, giãn việc, thiếu việc... là 506.000 lao động, trong đó 270.000 mất việc. Có nhiều nguyên nhân như doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động, giải quyết chính sách. Bộ trưởng cũng cho biết, sau Covid-19, khoảng 3 triệu lao động rời thành thị

Cùng với đó, ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) chất vấn về tình trạng người lao động chọn rút BHXH 1 lần do khó khăn. Nhiều ý kiến đề nghị thành lập quỹ để hỗ trợ người lao động. Bộ trưởng cho biết, vừa qua tình trạng người lao động rút BHXH 1 lần gia tăng, nhất là sau đại dịch Covid-19. Bộ trưởng xin ghi nhận ý kiến thành lập quỹ hỗ trợ người lao động, vì đó cũng là giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động. Bộ sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động và báo cáo cấp có thẩm quyền. Nhưng giải pháp căn bản là tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh cho người lao động, bảo đảm cuộc sống cho họ.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhận định, việc chậm đóng BHXH gây hệ lụy lớn; dư luận bức xúc thu sai BHXH đối với chủ hộ kinh doanh cá thể. Bộ trưởng cho hay, thời gian vừa qua, cơ quan BHXH có thu sai tỷ lệ không nhỏ. Đây không phải đối tượng quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc thu sai diễn ra từ năm 2003 đến 2016. Bộ đã phát hiện, chấn chỉnh cơ quan BHXH. “Chúng ta đặt lợi ích người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu, cơ quan công quyền làm sai xin lỗi, xử lý theo quy định. Chúng tôi đề xuất chuyển toàn bộ hộ kinh doanh này sang chế độ BHXH bắt buộc, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trường hợp không muốn, không có nhu cầu sang BHXH tự nguyện. Trường hợp người lao động đồng ý trả lại quyền lợi, thì phải tính lãi bằng quỹ tăng trưởng hiện nay” - Bộ trưởng trả lời.

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) chất vấn về tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn khi lao động ở nước ngoài gây nhiều hệ lụy; giải pháp cho tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, có nguyên nhân vì chế độ tiền lương? Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn khi lao động ở nước ngoài không còn bức xúc như năm 2017, khi đó tỷ lệ trốn ở Hàn Quốc là 52%, Hàn Quốc thậm chí phải dừng chương trình tiếp nhận lao động. Sau hơn 4 năm kiên trì các giải pháp, kể cả từ phía Hàn Quốc, đến nay tình trạng đã đỡ hơn, tỷ lệ 24,6%, thuộc diện thấp. Theo quy định của Hàn Quốc, tỷ lệ này dưới 30% là được gỡ bỏ các biện pháp “trừng phạt”. Hiện nay vẫn đang dừng chương trình đưa người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc của 18 huyện thuộc 9 tỉnh. 

Về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, có nguyên nhân vì chế độ tiền lương, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề này vừa qua đã được nói nhiều, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã trả lời đầy đủ. Nhưng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lao động dù ở công hay khu vực tư thì vấn đề bảo đảm thu nhập cho họ đều rất quan trọng…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo