Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác biệt phái sĩ quan

Sĩ quan biệt phái huấn luyện sinh viên tại Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Những năm qua, công tác biệt phái sĩ quan luôn được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Đội ngũ sĩ quan biệt phái (SQBP) luôn gương mẫu, trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng tham mưu và quản lý, giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng - an ninh tại các nhà trường, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn vững chắc.    

Khẳng định vai trò sĩ quan Quân đội tại cơ sở giáo dục, đào tạo

Thực hiện Nghị định 165 ngày 22/12/2003 của Chính phủ và các thông tư, hướng dẫn về biệt phái sĩ quan, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chỉ đạo cơ quan quân sự các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ sở giáo dục đào tạo định hướng và thống nhất việc quản lý, bố trí, sử dụng SQBP. Quân khu hiện biệt phái hơn 50 sĩ quan tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Đà Lạt, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An.   

Đội ngũ SQBP thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực toàn diện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và khả năng sư phạm, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên. 100% SQBP có trình độ đại học trở lên, trong đó 28,8% trình độ sau đại học.

Đồng chí Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM cho biết: Các SQBP về công tác tại sở đã phát huy tốt kiến thức, kĩ năng, kịp thời tham mưu những chủ trương, giải pháp thiết thực hiệu quả để nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh tại hơn 200 trường THPT trên địa bàn. SQBP thực sự là cầu nối giữa Sở Giáo dục Đào tạo với Bộ Tư lệnh thành phố và cơ quan quân sự các địa phương.

Tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng sĩ quan biệt phái

Để thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng đội ngũ SQBP, Đại tá Phạm Phú Ý, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7 cho biết: Đến nay, chỉ mới 4/9 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu có SQBP tại ngành giáo dục. Do đó, cần nghiên cứu bố trí đủ SQBP tại tất cả sở giáo dục và đào tạo cấp tỉnh để thực hiện tốt công tác tham mưu quản lý, triển khai giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng, an ninh. Các địa phương cần quan tâm phối hợp đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên đảm nhiệm bộ môn giáo dục quốc phòng, an ninh ở các trường THPT; đầu tư kinh phí trang bị đầy đủ giáo án, mô hình học cụ để tăng tính trực quan sinh động cho môn học.

Theo Tiến sĩ Đỗ Đại Thắng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia TPHCM, để nâng cao chất lượng biệt phái sĩ quan, đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, Quân khu cần quan tâm nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật thông tin thời sự cho; mạnh dạn bố trí sĩ quan trẻ làm công tác biệt phái để tạo nguồn cán bộ chỉ huy, quản lý, đồng thời kéo dài thời gian biệt phái từ 5 đến 10 năm với những cán bộ chuyên môn tốt để phát huy kiến thức, kinh nghiệm.

Sĩ quan biệt phái huấn luyện sinh viên tại Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia TPHCM Sĩ quan biệt phái huấn luyện sinh viên tại Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia TPHCM

Phát biểu tại hội nghị trao đổi thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo công tác biệt phái sĩ quan và quản lý đội ngũ SQBP, Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 nhấn mạnh: Công tác giáo dục quốc phòng – an ninh có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao ý thức quốc phòng, làm cho các tầng lớp Nhân dân, trong đó có học sinh, sinh viên hiểu, tin, đồng thuận, ủng hộ Đảng, Nhà nước, Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Đồng chí Trần Hoài Trung yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần quán triệt sâu sắc văn bản của cấp trên về biệt phái sĩ quan và quản lý đội ngũ SQBP; nâng cao công tác phối hợp giữa đơn vị cử và đơn vị tiếp nhận SQBP, đảm bảo đúng nguyên tắc, qui trình, lấy chất lượng làm chính; tuyển chọn, bố trí SQBP trẻ, có phẩm chất, năng lực, uy tín, đảm nhiệm tốt vị trí công tác và có hướng sử dụng lâu dài; thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ, nhất là phối hợp cung cấp thông tin để các SQBP cập nhật vào bài giảng.

Hồ Tấn Chí


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo