Chủ Nhật, ngày 15 tháng 9 năm 2024

Nâng cao lòng tự hào về Đảng qua bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV, phát biểu tại cuộc họp lần thứ nhất của Tiểu ban, ngày 23/2/2024. (Ảnh: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 5/2/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 141-HD/BTGTW về triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là đợt sinh hoạt nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các cấp ủy, tổ chức đảng về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng; qua đó làm cho mỗi người nhận thức sâu sắc, khơi dậy niềm tự hào, niềm tin son sắt của cán bộ, đảng viên và nhân dân về Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng.

Hoạt động này cũng tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh, sự cống hiến của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc; khẳng định đường lối, sự lãnh đạo đúng đắn, những thành tựu vĩ đại của cách mạng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tạo sức lan tỏa, củng cố niềm tin, sự đoàn kết, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Trong hơn 94 năm qua, Đảng lãnh đạo, đề ra đường lối giải phóng dân tộc, khơi dậy, nhân lên sức mạnh của cả dân tộc, giành thắng lợi trong tổng khởi nghĩa tháng Tám (1945). Tiếp đó, Đảng ta lãnh đạo nhân dân xây dựng chính quyền non trẻ, vượt qua tình thế khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”; tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”; lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch của kẻ thù, đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Sau năm 1954, Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước tiếp tục sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân: thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam; lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), đế quốc Mỹ buộc phải rút quân về nước, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta tiến lên tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Từ năm 1975, Đảng ta lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước và tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và tiến hành thống nhất đất nước về mặt nhà nước (1975 - 1976), khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước; tiến hành công cuộc đổi mới. 

Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới về tư duy nhận thức, hội nhập quốc tế, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đảng đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa đường lối đổi mới mà nội dung cơ bản, cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011). Thành tựu về thực tiễn, công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, thực sự đem lại những thay đổi lớn lao, rất tốt đẹp cho đất nước trong gần 40 năm qua, góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như đồng chí Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định.

Ý nghĩa lịch sử to lớn của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo tổ chức thực hiện. Điều đó đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.

Từ thực tiễn 94 năm ra đời, phát triển và trưởng thành của Đảng, giá trị truyền thống cách mạng cần phát huy trong bối cảnh hiện nay là phải trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối; nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế để đề ra đường lối đúng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng. Thực hiện gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân, luôn luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu. Luôn đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí. Đồng thời, đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng dựa trên những nguyên tắc và mục tiêu cao cả.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội (Ảnh tư liệu) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu, tìm hiểu bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư là tiếp tục nâng cao lòng tự hào và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên đối với Đảng. Điều đó thể hiện ở mấy vấn đề trọng tâm:

Thứ nhất, thực hiện việc quán triệt bài viết. Mỗi cán bộ, đảng viên nên tự nghiên cứu bài viết một cách nghiêm túc; đồng thời tổ chức, tham gia các hội nghị thông tin, quán triệt về bài viết; tiếp tục tìm hiểu thêm về những nội dung liên quan đến bài viết; trích và tổ chức sinh hoạt chi bộ về nội dung bài viết, nhất là trong sinh hoạt chuyên đề gắn với một số nội dung liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bài viết và các nội dung, vấn đề có liên quan. Mỗi người nên giới thiệu bài viết với mọi người, nhất là trong chi bộ, cơ quan, đơn vị…; đồng thời, gợi ý những nội dung trọng tâm, những điểm đặc sắc của bài viết; thực hiện việc trích đăng trên các nền tảng mạng xã hội của cơ quan, đơn vị, cá nhân...; tham gia đề xuất các chuyên đề liên quan bài viết trong các sinh hoạt. Ghi nhận phản hồi của người đọc.

Thứ ba, chuyển hóa thành hành động cụ thể. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu gương trong tất cả các hoạt động, từ công tác đến sinh hoạt, từ hành động đến ứng xử, từ ở cơ quan đến nơi cư trú...; đồng thời không ngừng “tự soi tự sửa” một cách nghiêm túc; có nhiều cách để truyền cảm hứng đến với đảng viên, cảm tình đảng và quần chúng về Đảng, về việc phấn đấu vào Đảng; tham gia tác động, điều chỉnh nhận thức, hành vi của người thân trong gia đình…

Thứ tư, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái về các vấn đề có liên quan. Thường xuyên ghi nhận các ý kiến chưa đúng, các luận điểm chưa phù hợp về bài viết; cảnh báo, lưu ý với người có thẩm quyền về những trường hợp có dấu hiệu chưa tích cực có liên quan; thực hiện việc đấu tranh ngay trong nội bộ, với những người xung quanh, thông qua sinh hoạt, trò chuyện, mạng xã hội…; trong điều kiện cụ thể có thể tham gia đấu tranh trên các trang web, mạng xã hội của cơ quan, đơn vị…

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo