Thứ Năm, ngày 17 tháng 10 năm 2024

Nghiên cứu thận trọng về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, chiều 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu.

Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã trình bày tóm tắt tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Dữ liệu. Theo đó, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế, xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Liên quan đến việc bảo đảm nguồn lực triển khai thi hành luật, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, về cơ bản do ngân sách nhà nước bảo đảm và nguồn thu từ việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu. Việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia hiện đang triển khai thực hiện trên cơ sở thi hành Nghị quyết của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia, nên không làm phát sinh đột biến chi ngân sách nhà nước (dự kiến chi phí xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia trong giai đoạn 1 đến năm 2025) là khoảng 20.000 tỷ đồng).

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đã trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu. Theo đó, Ủy ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu thống nhất đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành dự án luật. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu kỹ, làm rõ thêm, bổ sung một số quy định cụ thể nhằm thuận tiện trong quá trình thực hiện. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, như dữ liệu mở của Hàn Quốc và Luật Quản trị Dữ liệu của châu Âu. Tuy nhiên, việc quy định tập trung, thống nhất trong một đạo luật là vấn đề mới đối với Việt Nam. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thêm kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những nước có thể chế chính trị, kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam để các đại biểu có cơ sở xem xét, nghiên cứu.

Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng đây là những vấn đề mới, đặc biệt là liên quan đến dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo lập bằng ngân sách Nhà nước, do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, UBTVQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu. Tuy nhiên, đây là dự án luật có tác động sâu sắc đến quá trình chuyển đổi số, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề mới đang hình thành, phát triển, chưa có nhiều cơ sở thực tiễn, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung, nhất là về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đảm bảo không chồng chéo với các luật khác như Luật Công nghệ số, Luật Cơ yếu, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng… Đặc biệt, cần rà soát quy định về nội dung sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, thị trường dữ liệu, sàn giao dịch điện tử để đảm bảo phù hợp, thống nhất.

Cũng trong chiều 14/10, UBTVQH đã xem xét việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, chi thường xuyên (nguồn vốn viện trợ của nước ngoài) năm 2024. UBTVQH giao Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương rút kinh nghiệm để đảm bảo dự báo, dự toán sát đúng tình hình và bố trí dự toán phù hợp hơn, hạn chế phải điều chỉnh dự toán đã giao.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo