Norman Morrison sinh ngày 19/12/1933 ở Erie, bang Pensylvania, Mỹ. Năm 1959, ông nhận bằng Cử nhân Thần học tại Trường Pittsburgh Seminary và gia nhập Hội “Những người bạn”. Giai đoạn 1961 - 1962, ông dạy Kinh Tân ước và Cựu ước tại một trường trung học; là một trong những người hoạt động tích cực trong phong trào biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của chính quyền Johnson.
Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam và dùng không quân đánh phá ra các tỉnh miền Bắc nước ta, ông nhiều lần xuống đường phản đối chiến tranh, nhưng cuộc chiến vẫn ngày càng khốc liệt hơn. Morrison nghĩ rằng, khẩu hiệu, băng rôn và các cuộc tuần hành không làm những người cầm quyền chú ý thì anh phải dùng đến biện pháp cuối cùng: Ngọn lửa của thân thể mình!
Thời điểm đó, Morrison đã có vợ và ba người con, con gái út tên Emily mới mười tám tháng tuổi. Ngày 2/11/1965, Morrison bế Emily đến sát Lầu Năm góc - trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ, bên dòng sông Potomac.
Sau khi đã viết bức thư gửi lại cho vợ, Morrison để cháu Emily ra xa rồi tưới xăng, châm lửa tự thiêu, ánh lửa bùng lên như một thông điệp của nhân dân Mỹ đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước đó 3 tháng, Morrison gửi thư cho báo Mặt trời Baltimore bày tỏ thái độ bất bình về cuộc chiến tranh phi nghĩa cũa Mỹ ở Việt Nam.
Khi biết tin về vụ tự thiêu của Morrison, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời chia buồn tới bà Anna Morrison Welsh. Ngày 7/11/1965, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ Ê-mi-li, con... đầy cảm động đăng trên báo Nhân Dân.
Năm 1968, một nhóm nữ sinh của Đại học California - Berkeley (Mỹ) biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Nguồn: Ảnh tư liệu Sự kiện Morrison và một số công dân Mỹ đã tác động mạnh mẽ đối với phong trào phản chiến của nhân dân tiến bộ Mỹ. Sau vụ tự thiêu của Morrison, phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ ngày càng phát triển với quy mô và lực lượng mới, nhiều tổ chức và cá nhân tham gia. Nhiều tờ báo Mỹ đã cử phóng viên sang chiến trường Việt Nam để phản ánh sự thật và tố cáo tội ác chiến tranh. Phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ cũng cử người sang miền Bắc Việt Nam để tìm hiểu về sự thật mà chính quyền Mỹ tuyên truyền là miền Bắc Việt Nam xâm lược và Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam để bảo vệ đồng minh của mình. Từ cuối năm 1965 trở đi, tình hình ở Mỹ diễn ra hai trận tuyến rõ rệt: một bên là chính quyền Mỹ với các đời tổng thống kế tiếp nhau cùng với một quốc hội ngày càng cam kết và dấn sâu vào chiến tranh xâm lược; với một bên là nhân dân Mỹ nhất quyết bằng mọi giá phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước.[1]
- Từ đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, nhân dân Mỹ đấu tranh quyết liệt chống chính quyền, hình thành Liên hiệp toàn quốc chống chiến tranh, chống phân biệt chủng tộc và chống đàn áp.
- Tháng 10/1970, phong trào phản chiến lan sang binh lính Mỹ ở Việt Nam, đeo băng đen ủng hộ phong trào phản chiến trong nước, bỏ ngũ, trốn vào rừng; cựu chiến binh trở về từ Việt Nam cũng tổ chức phản chiến.
- Năm 1971, phong trào thu thập được nhiều tài liệu từ Nhà trắng, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Cục Tình báo Trung ương, Cục An ninh quốc gia nói về bản chất cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là phi nghĩa, phi nhân tính. Đó là tài liệu mật quốc phòng nói rõ âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ.
Sự kiện Morrison và phong trào phản chiến của nhân dân tiến bộ Mỹ là lời bênh vực trung thực nhất cho dân tộc Việt Nam, là câu trả lời đúng đắn nhất cho câu hỏi vì sao dân tộc Việt Nam lại đứng lên cầm vũ khí đánh đuổi những kẻ xâm lược Mỹ; góp phần cùng nhân loại tiến bộ trên thế giới vạch trần âm mưu và tội ác của đế quốc Mỹ tại Việt Nam; giúp nhân dân Việt Nam có thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn, quyết tâm chiến đấu để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Phong trào ủng hộ Việt Nam của nhân dân Mỹ thật sự là một phong trào rộng lớn bao gồm nhiều lực lượng, cá nhân, những người có tư tưởng hòa bình; có hiệu quả thiết thực trong việc ủng hộ Việt Nam, tố cáo âm mưu và tội ác chiến tranh của Mỹ.
Chiến tranh đã trôi qua, những vết thương chiến tranh đã và đang được nhân dân và chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ hàn gắn bằng những hoạt động tích cực và hiệu quả.
Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cùng ngày (sáng 12/7/1995 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ.
Tháng 10/1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng phu nhân gặp chính thức Tổng thống Bill Clinton và và phu nhân tại New York trong dịp đến Mỹ tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hiệp Quốc; là nguyên thủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Mỹ.
Ngày 16 đến ngày 19/11/2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam; là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam sau 25 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc. Đây được đánh giá là chuyến thăm lịch sử, làm chuyển biến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sau chiến tranh.
Ngày 24 đến ngày 26/7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Mỹ. Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama tuyên bố hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Ngày 7 đến ngày 11/7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ; là chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ của người lãnh đạo cao nhất Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh một dấu mốc quan trọng mới, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước.
Sự kiện Norman Morrison với khát vọng hòa bình và giá trị nhân văn cao cả sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian và góp thêm niềm tin cho nhân dân hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ cùng hướng tới tương lai hòa bình và phồn thịnh.
Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng
(Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)
-------
[1] Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Pari về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.340.