Thứ Hai, ngày 6 tháng 1 năm 2025

 

Anh hùng Lý Tự Trọng - Người anh cả của Thanh niên Cách mạng Việt Nam

Chân dung anh Lý Tự Trọng. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, Anh là con trai cụ Lê Khoan (tức Lê Hữu Đạt), quê ở xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà và cụ Nguyễn Thị Sờm, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trước cảnh áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến, gia đình cụ Lê Khoan đã cùng một số bà con rời quê sang Bản Mạy, tỉnh Nakhonphanom (Thái Lan) sinh sống và hoạt động cách mạng.

Ngày 20/10/1914, Lê Hữu Trọng chào đời ở nơi đất khách quê người, mang nỗi niềm thương nhớ về quê cha đất Tổ, đang bị kẻ thù xâm lược. Lúc còn nhỏ, Lê Hữu Trọng được gia đình cho học tại ngôi trường trong trại Cày do cụ Đặng Thúc Hứa - một sỹ phu yêu nước tổ chức dạy văn hóa cho con em Việt kiều. Sau đó, Lê Hữu Trọng cùng một số thiếu niên được gia đình và bà con Việt kiều đưa vào học tại “Hoa - Anh học hiệu” do Hoa kiều mở để dạy tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Tại đây, Anh phát huy trí thông minh, nhanh nhạy của mình và trở thành một trong những học sinh giỏi của trường. Nói tốt tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Thái Lan nên Lê Hữu Trọng dễ dàng tiếp cận với các tân văn, tân thư, các khuynh hướng cứu nước mới trên thế giới. Nhờ đó, Anh hiểu hơn nỗi khổ và nỗi nhục của người dân nô lệ và càng nung nấu quyết tâm làm cách mạng.

Mùa hè năm 1926, thực hiện chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu thay mặt Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên sang Thái Lan gặp cụ Đặng Thúc Hứa truyền đạt yêu cầu về việc lựa chọn một số con em Việt kiều yêu nước đưa qua Quảng Châu (Trung Quốc) đào tạo nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng tổ chức Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam. Lê Hữu Trọng là một trong 8 thiếu niên được đồng chí Hồ Tùng Mậu lựa chọn.

Sang đến Quảng Châu, để đảm bảo bí mật, 8 thiếu niên đều phải đổi tên, Lê Hữu Trọng được đổi thành Lý Tự Trọng. Anh và 7 thành viên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa vào nhóm Thiếu niên tiền phong Việt Nam - một hình thức tổ chức thanh thiếu niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Anh là một trong 8 đoàn viên đầu tiên được kết nạp vào Đoàn. Sau đó, nhóm thiếu niên được Người truyền đạt, bồi dưỡng về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của giai cấp vô sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Lý Tự Trọng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học tại trường Trung học Tôn Trung Sơn. Qua một thời gian ngắn, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu. Vốn thông minh hoạt bát, mưu trí, Lý Tự Trọng góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với đảng bạn và cán bộ cách mạng Việt Nam đang hoạt động tại Trung Quốc, đồng thời tổ chức việc chuyển thư từ, tài liệu của Đảng về nước.

Bức ảnh hiếm hoi về Anh hùng Lý Tự Trọng chụp ở Quảng Châu (Trung Quốc) khi thăm mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái được trưng bày tại Nhà truyền thồng Lý Tự Trọng. (Nguồn: Ảnh tư liệu) Bức ảnh hiếm hoi về Anh hùng Lý Tự Trọng chụp ở Quảng Châu (Trung Quốc) khi thăm mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái được trưng bày tại Nhà truyền thồng Lý Tự Trọng. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Giữa năm 1929, phong trào cách mạng ở trong nước phát triển mạnh mẽ với những chuyển biến sâu sắc. Các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Lý Tự Trọng về cùng với đồng chí Ung Văn Khiêm, cán bộ lãnh đạo của An Nam Cộng sản Đảng trên chuyến tàu biển. Đồng chí Ung Văn Khiêm kể lại: “Náu mình dưới hầm chứa than của tàu biển Trung Quốc ngót 15 tiếng đồng hồ, tôi và Lý Tự Trọng vượt qua mọi sự khám xét gắt gao của bọn mật thám, về đến bến Sài Gòn lúc đêm khuya”.

Về tới Sài Gòn - Chợ Lớn, Lý Tự Trọng lấy bí danh là “Trọng Con” thực hiện nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ cùng Trung ương Đảng; đồng thời vận động tập hợp thanh niên trong nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Anh xin làm công nhân nhặt than tại bến Nhà Rồng. Khi cơ quan Trung ương Đảng chuyển vào Sài Gòn, nhiệm vụ của Lý Tự Trọng vô cùng nặng nề: Anh vừa làm giao thông liên lạc giữa cơ sở Đảng trên tàu quốc tế với Xứ ủy Nam Kỳ, vừa làm nhiệm vụ liên lạc giữa Xứ ủy Nam Kỳ với các cấp bộ Đảng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho Lý Tự Trọng nghiên cứu tình hình thanh niên ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Công việc hết sức nặng nề, nguy hiểm vì bọn mật thám suốt ngày lùng sục, vây bắt Anh rất gắt gao.

Sau ngày thành lập Đảng 3/2/1930, cao trào cách mạng dấy lên mạnh mẽ trong khắp cả nước. Để biểu dương tinh thần quật khởi, ý chí bất khuất, bản lĩnh cách mạng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái và phát động quần chúng đấu tranh đòi quyền sống, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức cuộc mít tinh kỷ niệm một năm ngày khởi nghĩa Yên Bái tại Sài Gòn, vào chiều 8/2/1931. Cuộc mít tinh đã quy tụ đông đảo các tầng lớp xã hội, nhất là công nhân lao động, thanh niên và học sinh thành phố. Đồng chí Phan Bôi (phụ trách tuyên truyền của Xứ ủy) diễn thuyết trước công chúng. Cuộc mít tinh chớp nhoáng vừa kết thúc, bọn cảnh sát và mật thám ập tới. Để giải cứu cho đồng chí Phan Bôi, Lý Tự Trọng không sợ nguy hiểm, đã rút súng bắn chết tên thanh tra mật thám. Sau đó, Anh nhanh trí hòa vào dòng người để trốn thoát nhưng bị bọn cảnh sát truy đuổi nên Anh bị bắt và đưa về bót Catinat.

Ở trong tù, kẻ thù sử dụng mọi hình thức tra tấn dã man, tàn khốc nhưng Lý Tự Trọng vẫn không một lời khai báo, mà chỉ nói tên mình là Nguyễn Huy. Chúng hỏi ai đưa súng cho Anh? Anh trả lời là do một người lạ mặt cho Anh tiền và đưa súng bảo Anh bắn. Địch đem tất cả những người bị bắt sắp hàng trên sân bót, bắt Anh ra nhận mặt. Nhưng Lý Tự Trọng nhìn qua một lượt rồi lắc đầu nói: Người ấy không có ở đây.

Trước thái độ dứt khoát của Lý Tự Trọng, bọn mật thám không khai thác được gì nhưng một tên phản bội đã khai Anh là “Trọng Con” và đang làm công tác liên lạc quan trọng cho Đảng. Đích thân Chánh mật thám Nam Kỳ - Nađô đến hỏi cung Lý Tự Trọng, bọn chủ bóp Bôlô ở Chợ Lớn nổi tiếng là khát máu cũng đến tra tấn Anh. Chúng không từ một thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn dã man nào với hi vọng moi được tin tức từ người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi. Song tất cả các ngón đòn tra tấn đều thất bại trước khí tiết cách mạng kiên cường của người chiến sỹ cộng sản 17 tuổi.

Năm 2011, sau nhiều năm tìm kiếm, di cốt của Anh hùng Lý Tự Trọng đã được tìm thấy tại công viên Lê Thị Riêng (TP.HCM). (Nguồn: Ảnh tư liệu) Năm 2011, sau nhiều năm tìm kiếm, di cốt của Anh hùng Lý Tự Trọng đã được tìm thấy tại công viên Lê Thị Riêng (TP.HCM). (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Ngày 18/4/1931, Tòa Thượng thẩm Sài Gòn đã đưa ra xét xử và kết án tử hình Lý Tự Trọng. Tại phiên tòa, khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, Anh đã gạt phắt và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kĩ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi”. Khi được hỏi Anh có ăn năn gì không, Anh đứng trước vành móng ngựa, mặt thẳng phía trước chỉ nói một câu: "Không ăn năn gì cả!".

Sau phiên tòa, Bộ trưởng thuộc địa Pháp trực tiếp gặp Lý Tự Trọng để dụ dỗ, mua chuộc, ông ta nói: “Tuổi thanh niên ngông cuồng, nước Pháp sẵn sàng tha thứ cho Anh. Đối với những người thông minh chính phủ bao giờ cũng nâng đỡ chỉ cần Anh thật thà hối cải. Nếu muốn Anh có thể sang Pháp học để trở về giúp đất nước, tha hồ quyền cao chức trọng, vợ đẹp con khôn, ăn mặc sung sướng”. Anh đã quát thẳng vào mặt hắn: “Ta sinh ra không phải để ăn thứ cơm ấy”.

Trong những ngày cuối cùng ở xà lim, Lý Tự Trọng vẫn luôn lạc quan và một lòng tin tưởng vào sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Với Anh còn sống ngày nào, giây phút nào còn phải rèn luyện bản thân và không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, nâng cao khí tiết của chiến sĩ cộng sản, nhất là khi đang ở trong nhà tù của bọn thực dân đế quốc. Anh nói: “Cứ cố lên là chúng phải thua thôi, đừng sợ!”. Tinh thần lạc quan cách mạng của Anh đã ảnh hưởng, tác động sâu sắc đến đồng đội của mình trong tù; giúp họ vững niềm tin hơn vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; làm cho bọn gác ngục, chủ khám cũng phải kính nể, khâm phục. Nhà báo Pháp André Violis ghi lại: “Khi đến thăm đồng chí Trọng ở xà lim, những người bị án tử hình, người Pháp gác ngục ngậm ngùi nói với bà rằng y không khỏi kính trọng dân tộc Việt Nam vì đã có những người con oanh liệt như Trọng!”.

Theo dõi hành động anh hùng của Lý Tự Trọng, ngày 21/2/1931, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư cho Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản báo tin này và đề nghị Bộ Phương Đông yêu cầu Đảng Cộng sản Pháp tổ chức biểu tình đòi trả tự do cho Lý Tự Trọng. Song, bất chấp mọi sự phản đối của dư luận tiến bộ, bọn thực dân vẫn tìm mọi cách sát hại Anh. Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương chúng quyết đưa nhanh bản án tử hình đối với Lý Tự Trọng ra thực hiện mặc dù Anh chưa đủ tuổi thụ án theo quy định của luật pháp thực dân, vì vậy chúng không dám đưa ra xét xử công khai.

Lợi dụng lúc nửa đêm rạng sáng 21/11/1931, chúng hèn hạ dựng máy chém ở ngay Khám lớn Sài Gòn để giết Anh trong im lặng. Nhưng tấm gương đấu tranh kiên cường anh dũng và những tiếng hô “Đả đảo thực dân Pháp”, “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm” của Anh đã cổ vũ mạnh mẽ, tạo một làn sóng căm phẫn phản đối tội ác của thực dân Pháp. Sự hy sinh anh dũng của người thanh niên tuổi 17 đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là lời hiệu triệu cho các thế hệ thanh niên Việt Nam đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Tròn 80 năm kể từ ngày anh hùng Lý Tự Trong hy sinh, với sự giúp đỡ của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh cùng dòng tộc đã tìm thấy di cốt của Anh tại công viên Lê Thị Riêng, quận 10, TPHCM.

Tuổi 17 - Lý Tự Trọng đã dâng trọn tuổi thanh xuân tươi đẹp cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và để lại bản Tuyên ngôn bất tử về lý tưởng cách mạng và lẽ sống làm người. Câu nói bất hủ “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” vẫn luôn trường tồn với sông núi, vọng mãi đến hôm nay và mãi đến muôn đời mai sau. Noi gương Anh, tuổi trẻ Việt Nam với tinh thần quả cảm đã tổ chức nhiều phong trào tiêu biểu như phong trào thanh niên tình nguyện, Ba sẵn sàng, Năm xung phong, Quyết thắng; phong trào theo bước chân Anh hùng Lý Tự Trọng - Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới “Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn” do Ban Bí thư Trung ương Đoàn phát động, kỳ vọng một thế hệ thanh niên thời đại mới sống có lý tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

Khâm phục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng kiên cường, lý tưởng sống cao đẹp, sự hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và để tri ân sự nghiệp cách mạng của Anh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh cùng tuổi trẻ cả nước góp sức xây dựng Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng tại Hà Tĩnh. Quần thể Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng có diện tích 4,39 ha, đặt ở thôn Tân Long, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, gồm các hạng mục chính như: Phần mộ, nhà thờ, tả vu, hữu vu, nhà văn hóa, phòng trưng bày, nhà điều hành, quảng trường, cảnh quan ngoài trời. Công trình được xây dưng năm 2011, và khánh thành vào năm 2014 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Anh. Để vinh danh và nhắc nhớ đến công lao của anh hùng Lý Tự Trọng, tên của Anh đã được đặt cho một giải thưởng của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh dành trao tặng cho thanh niên, nhiều tỉnh thành trên cả nước lấy tên Anh để đặt tên trường, tên đường.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo