Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Người làm công tác tuyên giáo phải có nhận thức đúng đắn!

(Thanhuytphcm.vn) - Bác Hồ từng dạy, nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, như vậy, thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng... Trên thực tế người làm công tác tư tưởng trước hết phải làm công tác tư tưởng cho bản thân, tức là tự lý giải một cách thuyết phục các vấn đề tư tưởng. Nếu chính mình còn chưa thấu hiểu, chưa nắm rõ, chưa yên tâm thì thật khó tuyên truyền, giải thích, vận động cho người khác.

Hiện nay, có khá nhiều vấn đề, nhiều luồng tư tưởng trái chiều nhau, nhiều hiện tượng xã hội phức tạp… có thể gây ra sự băn khoăn cho nhiều người, kể cả những người làm công tác tư tưởng. Khi cán bộ tuyên giáo phải tuyên truyền, vận động người khác về những vấn đề đó, bản thân mình phải “thông” thì mới có thể thuyết phục người khác.

Để có nhận thức đúng, trước hết người làm công tác tuyên giáo phải hiểu đúng vấn đề. Tức là, phải tìm hiểu đầy đủ cội rễ, nguyên nhân, các khía cạnh của vấn đề, không được phiến diện, cắt khúc, đồng thời phải có quan điểm lịch sử cụ thể đối với vấn đề đó, chứ không được đem góc nhìn ở thời điểm này áp đặt cho hiện tượng của thời điểm khác. Thí dụ, vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông, nhiều người chỉ đặt nặng ở khía cạnh ý thức chấp hành luật đi đường của người dân. Nhưng trên thực tế, còn có nhiều vấn đề khác cũng cần quan tâm; chẳng hạn, do sự phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế nên số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh, vượt qua nhiều loại tăng trưởng khác, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông; quy định pháp luật về an toàn giao thông còn chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, thiếu tính răn đe; sự quá tải của một số đô thị do sự tăng dân số quá nhanh trên nền tảng quy hoạch không tương xứng; ý thức trách nhiệm của những cán bộ được giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông có lúc có nơi còn chưa đầy đủ… Có nhìn đầy đủ các góc độ đó, cũng như có quan điểm toàn diện thì mới lý giải được vấn đề cũng như từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục phù hợp.

Bên cạnh đó, cần nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề đó. Bản thân đã tự tìm hiểu về vấn đề tư tưởng rồi nhưng cần đặt trong một hệ quy chiếu, một khuôn khổ cụ thể, đó là quan điểm chính thức của Đảng và Nhà nước về vấn đề đó như thế nào, để từ đây mới đối chiếu lại hiểu biết của mình phù hợp đến đâu. Với vấn đề an toàn giao thông, cần xem lại các văn bản của Đảng, chẳng hạn Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24-2-2003 của Ban Bí thư khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, các luật, nghị định, thông tư, chương trình hành động về lĩnh vực này… Chỉ thị 18-CT/TW đưa ra 5 giải pháp, trong đó có giải pháp “triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là thủ đô Hà Nội và TPHCM”.

Gần đây hơn là Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW. Kết luận nêu rõ, cần xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. (…) Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, trước hết là người đứng đầu phát huy vai trò, chức trách, nhiệm vụ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... an toàn.

Như vậy, khi đối chiếu với quan điểm của Đảng về vấn đề này, ta sẽ thấy cần phải có tổng hợp nhiều giải pháp một cách đồng bộ, tất nhiên trên cơ sở nhìn nhận về các hạn chế, yếu kém ở nhiều khía cạnh. Người làm công tác tuyên giáo khi định hướng dư luận cũng sẽ lý giải trên nhiều khía cạnh đó, có thể hạn chế được sự bức xúc của người dân, đồng thời khơi gợi được sự đồng lòng trong việc thực hiện các biện pháp khắc phục.

Không chỉ vậy, người làm công tác tuyên giáo cũng phải quan tâm đến thực tế khách quan liên quan đến vấn đề đó. Tức là, phải đem cái hiểu biết về vấn đề cùng các chủ trương định hướng về vấn đề đó soi trong thực tiễn, để xem cái mình hiểu đó hiện nay có còn phù hợp không, quan điểm của Đảng về vấn đề đó hiện có sát đúng không, để từ đó có những đề xuất, kiến nghị, thay vì chỉ tuyên truyền, phổ biến một cách máy móc, thành ra dễ sa vào giáo điều. Sự vật, hiện tượng luôn vận động, biến đổi chứ không cố định nên nhìn nhận, đánh giá, ứng xử với nó cũng không giống nhau. Như trong công tác an toàn giao thông, những năm trước, nhiều người quan tâm nhiều đến lượng xe máy quá đông, người đi xe máy quá nhiều nên có lúc, có nơi đã dự tính đề ra một số biện pháp hạn chế xe máy. Nhưng hiện nay, đối tượng được quan tâm nhiều hơn là xe tải, xe container, xe khách… Hoặc, có lúc, trong công tác quản lý, người ta chú ý nhiều đến số lượng phương tiện giao thông mà ít quan tâm chất lượng của các phương tiện đó. Hiện nay, vấn đề đăng kiểm, thời gian sử dụng… ngày càng được siết chặt hơn; sắp tới sẽ càng chú trọng hơn nữa. Như vậy, trong công tác tư tưởng, người đi tuyên truyền, vận động phải nắm bắt được xu hướng đó của thực tế xã hội, tìm hiểu những dẫn chứng cụ thể để thuyết phục người dân quan tâm, động viên họ thực hiện, thì khả năng được tin tưởng, được làm theo sẽ nhiều hơn. Quá trình đó, cũng có thể kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền thực hiện những bổ sung, điều chỉnh về chủ trương, chính sách sao cho sát hợp với tình hình, thì mức độ an dân sẽ lớn hơn.

Ngoài ra, người làm công tác tuyên giáo phải luôn biết lắng nghe và luôn học hỏi, học tập. Bởi nhận thức là một quá trình, không phải mọi thứ đã nhận thức thế nào thì sẽ vẫn luôn như thế, trong khi sự vật thì luôn phát triển. Do việc “nạp đầu vào” một cách thường xuyên, đúng đắn, hợp lý thì mới có thể có được “bộ chứa” tương đối đầy đủ, toàn diện, chính xác, từ đó mới có thể có “đầu ra”, là các sản phẩm (ý kiến tham mưu, bài viết, bài phát biểu, bài báo cáo, đề án…), hay, có chất lượng, có hiệu quả, thuyết phục. Ở đây, tinh thần tự học, tự điều chỉnh của người làm công tác tư tưởng rất quan trọng, bởi học trường lớp tuy rất cần thiết nhưng cũng chỉ cung cấp những kiến thức mang tính chất “khung”, “nền tảng”, để bồi đắp, làm đầy thêm thì phải chủ động học bằng những cách khác nữa. Đồng thời, phải lắng nghe, nghe từ cấp trên, từ cán bộ, đảng viên, từ quần chúng…, để học hỏi thêm, để rút kinh nghiệm, để tự hoàn thiện mình. Tức là, phải kết hợp rất nhiều cách để làm cho nhận thức đúng đắn hơn, hợp lý hơn!

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo