Cảnh Tả quân Lê Văn Duyệt xử tham quan Huỳnh Công Lý (Thanhuytphcm.vn) - Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM vừa tổ chức phúc khảo vở diễn Lê công kỳ án (tác giả: NSƯT Hữu Danh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) với sự góp mặt của các nghệ sĩ: Đông Hồ (Tả quân Lê Văn Duyệt), NSƯT Hữu Danh (Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý), NSƯT Linh Hiền (vua Gia Long và Minh Mạng), NSƯT Thanh Trang (phu nhân Tả quân), Kiều My (Huệ Phi), Bảo Châu (Thoại Ngọc Hầu)…
Đây là lần thứ ba, hình tượng vị Tổng trấn lừng lẫy đất Gia Định được thể hiện bởi nghệ thuật sân khấu, sau vở kịch nói được đầu tư tiền tỷ Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả: Phạm Văn Quý, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) của Nhà hát Kịch TPHCM (2008) và vở cải lương Trung thần (kịch bản - đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt) gây tiếng vang lớn tại Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015.
Là bậc đại khai quốc công thần triều Nguyễn với nhiều chiến thắng quân sự nhưng dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp đưa tên tuổi Lê Văn Duyệt (1763 hoặc 1764 - 1832) trở thành “đức Tả quân”, “Lê công” trong lòng người dân Nam bộ là những cải cách khai mở, phát triển kinh tế chăm lo đời sống người dân và quyết liệt bài trừ bọn “sâu dân mọt nước”. Qua hai lần làm Tổng trấn Gia Định (các giai đoạn 1812 - 1816 và 1820 - 1832), Tả quân Lê Văn Duyệt đã an định và phát triển vùng đất phương Nam trù phú làm nền tảng cho Nam bộ hôm nay.
Lê công kỳ án gần như khai thác trọn vẹn giai đoạn Tả quân Lê Văn Duyệt gắn bó với vùng đất Gia Định với những chính sách an dân, như: diệt “giặc Kế”, chỉ đạo mở kênh Vĩnh Tế, bài trừ tham nhũng. Nhiều giai thoại xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp Tả quân đã được tác giả Hữu Danh khéo léo chọn lọc đưa vào tác phẩm, như việc ông thẳng tay xử tội cháu là Lê Tắc vì nhiễu hại dân lành và đặc biệt là vụ xử Huỳnh Công Lý - vụ án chống tham nhũng lớn bậc nhất thời phong kiến.
Là Phó Tổng trấn thành Gia Định đồng thời có con gái là Huệ phi được vua Minh Mạng rất sủng ái, Huỳnh Công Lý ỷ thế từng lập công lớn, quyền cao chức trọng lại là “cha vợ” nhà vua mà thâm lạm của công, bóc lột binh sĩ, người dân, khiến tiếng oán than, tố cáo khắp nơi. Việc đến tai Tổng trấn Lê Văn Duyệt, ông đã dùng quyền “tiền trảm hậu tấu” được tiên vương Gia Long ban cho mà xử chém Huỳnh Công Lý. Chi tiết đắt giá này đều được khai thác trong các vở diễn về Lê Văn Duyệt trước đây nhằm làm nổi bật sự công chính liêm minh của đức Tả quân. Với Lê công kỳ án, tinh thần chống tham nhũng còn thể hiện ở lớp diễn Lê Văn Duyệt tự mình về triều chịu tội vì dám “vượt quyền vua” và đối chất cùng nhà vua, quần thần về lý tưởng của người làm quan, về việc bài trừ tham nhũng, bảo vệ cuộc sống an lành cho người dân.
Lê công kỳ án là vở hát bội đề tài lịch sử nối tiếp chủ đề về đất và người Nam bộ mà Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM theo đuổi nhiều năm qua (cùng với những Dũng khí Đặng Đại Độ, Lưu danh, Thất sơn tình sử, Tiếng hát nàng Huyền Cơ…), dự kiến vở sẽ tham dự Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Bài chòi toàn quốc lần I tại Quảng Ngãi vào tháng 10 sắp tới.