Thứ Ba, ngày 7 tháng 1 năm 2025

Nhà văn Tiểu Quyên: Giữ mãi cảm xúc nơi Trường Sa

Bộ sách 2 tập “Trường Sa, biển ấy là của mình”

(Thanhuytphcm.vn) - Sau "Cà Nóng chu du Trường Sa" (năm 2021) đạt nhiều giải thưởng văn học, tháng 3/2023, nhà văn Bùi Tiểu Quyên tiếp tục ra mắt bộ sách tranh thiếu nhi “Trường Sa! Biển ấy là của mình” (2 tập) với phần minh họa của họa sĩ trẻ ThanhPhan.

Cả "Cà Nóng chu du Trường Sa" và “Trường Sa! Biển ấy là của mình” đều được chắp bút từ trải nghiệm của tác giả sau chuyến thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc vào tháng 4/2019 cùng đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Nhà văn Bùi Tiểu Quyên đã chia sẻ nhiều cảm nghĩ về ký ức Trường Sa và các tác phẩm của mình.

* Giữa “Cà Nóng chu du Trường Sa” và “Trường Sa! Biển ấy là của mình” có điều gì khác biệt? Chị đã chọn lọc các chi tiết như thế nào để không lặp lại chính mình?

- Thực ra, “Trường Sa, biển ấy là của mình” không khó bằng “Cà Nóng chu du Trường Sa” vì đây là tác phẩm thiếu nhi đầu tay nên tôi vẫn còn thiếu kinh nghiệm. Đến sách này thì đã có độ lùi nhất định, tôi làm việc với tâm thế bình thản hơn, chuyên nghiệp hơn và cũng chắt lọc những gì đã viết trong tác phẩm trước để không trùng lặp. Đặc biệt, bộ sách này dành cho trẻ nhỏ dưới 10 tuổi nên cũng đơn giản hơn rất nhiều. Tôi chỉ viết phần lời ngắn gọn thôi, còn lại là phần tranh của họa sĩ ThanhPhan.

* Chị đánh giá như thế nào với phần tranh minh họa của tác phẩm?

- Cảm giác đầu tiên khi nhận file bản thảo để duyệt và chỉnh sửa cùng ThanhPhan là tôi cảm thấy bạn đã nắm cái hồn nhân vật và câu chuyện rất kỹ. Sinh năm 1998, chưa từng đi Trường Sa, ThanhPhan đã đọc nhiều tư liệu, xem rất nhiều thước phim, cũng như các bài viết và hình ảnh về Trường Sa mà tôi gửi. Bạn đã cảm nhận và vẽ nên bầy cún nhỏ rất dễ thương và những hình ảnh rất là đặc trưng của Trường Sa. Bạn rất chăm chút ở các chi tiết nhỏ, như: cái lư hương ở đền thờ Gạc Ma, từng chiếc lá phong ba, những bông phong ba nhỏ nhỏ, từng cái huy hiệu, bảng chữ trên quân phục hải quân… Tôi rất hài lòng, nếu không có bộ tranh thì không thể đưa nội dung sách này đến các bạn nhỏ.

* Chị sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài Trường Sa và biển đảo?

- Mỗi một tác phẩm với một nhà văn là một duyên may. Với Trường Sa, qua 2 bộ sách, tôi hay nói vui là “mình xong nhiệm vụ đối với Trường Sa rồi”, không viết nữa mà để các tác giả khác tiếp tục. Riêng về biển đảo thì mình luôn nghĩ về vì biển đảo Việt Nam rất đẹp. Nhưng trong văn học, đặc biệt là văn học thiếu nhi dường như vẫn còn thiếu. Tôi vẫn luôn nghĩ về điều đó và muốn tiếp tục có thêm tác phẩm về biển đảo. Nhưng đó là mong muốn, còn có làm được hay không thì ở thời điểm này thực sự chưa dám nói trước. Chỉ biết tôi mong muốn góp một phần nhỏ bé kể cho các bé nghe về vẻ đẹp, về những điều tự hào, những giá trị thiêng liêng và cuộc sống của con người, cảnh đẹp đất nước mình, không riêng gì biển đảo mà cả núi nữa. Đó là những điều mà chắc chắn trong những tác phẩm mới của tôi sẽ xuất hiện.

* Hiện tại, điều gì từ Trường Sa còn đọng lại trong chị?

- Có rất nhiều cảm xúc ở Trường Sa. Tôi chỉ có 9 ngày lênh đênh trên biển để thăm các đảo nổi và đảo đá ở Trường Sa. Đến giờ, tôi không quên ngày nào và hình ảnh nào cả, nhưng nếu lựa chọn thì sẽ là điều đầu tiên và điều cuối cùng. Khoảnh khắc tôi nhìn thấy đảo Song Tử Tây - hòn đảo đầu tiên mà đoàn được đặt chân lên sau 2 ngày rời đất liền. Cảm giác không phải là mình thấy đất liền đâu mà cảm thấy một phần nào đó của Tổ quốc bị cắt rời và tồn tại ngoài khơi xa hàng trăm năm như vậy, đến bây giờ mình mới được đặt chân tới và rất nhiều người Việt cũng chưa từng đặt chân tới. Tự nhiên, mình chảy nước mắt, cảm thấy cái gì đó rất thiêng liêng ở trong mình trào lên rất mạnh mẽ. Giờ nhắc lại, tôi vẫn còn nhớ là mình đã đứng nhìn không chớp mắt về hòn đảo Song Tử Tây. Tàu cứ tiến lại gần, càng đến gần nước mắt mình càng chảy và xung quanh mình cũng vậy, rất nhiều người rơi nước mắt. Một sự xúc động rất là khó tả.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên đọc “Trường Sa, biển ấy là của mình” cho các em thiếu nhi Nhà văn Bùi Tiểu Quyên đọc “Trường Sa, biển ấy là của mình” cho các em thiếu nhi

Và ngày cuối của hải trình khi đoàn chia tay các chiến sĩ, nhân dân và các em thiếu nhi ở Trường Sa lớn. Lúc đó chạng vạng tối, ở trên tàu cùng ở dưới đảo, cứ vang những bài hát hào hùng, những bài hát chia tay trong khi chờ tàu nhổ neo, chào tạm biệt nhau. Khoảnh khắc tàu nhổ neo, ở trên tàu, mọi người, hô vang: “Tổ quốc yêu Trường Sa” và ở dưới các chiến sĩ, nhân dân và các em bé đáp lại: “Trường Sa yêu Tổ quốc”. Ngồi giữa phố thị hôm nay mà nói thì nhiều người không hiểu sẽ cảm giác có gì đó gọi là “khẩu hiệu”. Nhưng trong thời điểm đó cực kỳ xúc động. Tôi và rất nhiều người đã khóc vì lúc đó mình không còn là mình hay đại diện đơn vị mình nữa mà chúng ta là Tổ quốc của những người Trường Sa. Còn các chiến sĩ và nhân dân trên đảo đại diện cho Trường Sa gửi gắm tình yêu về đất liền. Ngoài sự rung động bởi câu nói trước mắt, còn cảm thấy rõ ràng sự kết nối vô hình giữa đất liền và biển đảo - một điều gì đó rất thiêng liêng mà chúng ta không thể nào quên được hay cảm thấy Trường Sa vốn không xa. Đó chính là tình yêu của mọi người, sự chia sẻ hòa vào một tình yêu lớn hơn là tình yêu đất nước. Chúng ta có cùng vòng tròn tình yêu lớn đó. Đó là hai điều mà mỗi lần nhắc về tối đều rất xúc động.

* Cám ơn những chia sẻ của chị, chúc chị sớm có thêm những quyển sách hay truyền cảm hứng cho các em nhỏ về tình yêu quê hương đất nước!

Minh Khang (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo