Chủ Nhật, ngày 12 tháng 1 năm 2025

Nhà văn Vũ Hạnh - Biểu tượng đẹp của tinh thần văn hóa dân tộc

Tuyển tập Vũ Hạnh Tập 1 và Tập 2 được phát hành bởi Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Nhà văn Vũ Hạnh[1] tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh 15/7/1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống Nho học, giàu có và yêu nước. Nền tảng văn hóa ấy đã sớm hun đúc trong ông niềm say mê cầm bút và tinh thần phản kháng thực dân cướp nước. Điều ấy càng được tiếp lửa thêm khi ông trực tiếp theo học những người thầy tài năng và nhân cách lớn như Cao Xuân Huy, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Tôn Quang Phiệt, Đoàn Phú Tứ…

Ông còn có các bút danh khác: Hoàng Thanh Kỳ, Cô Phương Thảo, Minh Hữu, Nguyên Phủ, A.Pazzi.

Sau khi từ Đà Nẵng ra Huế học thi đậu tú tài 1 thì Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), ông bỏ học quay về quê nhà tham gia Mặt trận Việt Minh, ông tham gia trong Đội võ trang tuyên truyền, là thành viên Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông là trưởng đoàn kịch Thăng Bình, giáo viên dạy văn, sau đó tham gia Đoàn Văn nghệ Thanh niên xung phong Liên khu V.

Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc - Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình rồi đến nhà lao Hội An. Cuối năm 1956, ra tù, ông chuyển vào Sài Gòn tiếp tục con đường cứu nước, hoạt động cách mạng đơn tuyến và sống công khai bằng nghề dạy học, làm báo, viết văn bằng ngòi bút với bút danh Vũ Hạnh. Dùng cây bút và con chữ làm vũ khí, ông trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa trong cuộc đấu tranh vừa mềm dẻo vừa quyết liệt giữa lòng đối phương.

Năm 1960, ông gia nhập Hội Nhà báo yêu nước của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với bí danh Hoàng Thanh Kỳ, đấu tranh công khai trên mặt trận văn hóa.

Nhà văn Vũ Hạnh chụp ảnh cùng các đồng nghiệp trong chương trình giao lưu ra mắt sách tại Đường sách TPHCM vào tháng 8/2020. (Nguồn: Ảnh tư liệu) Nhà văn Vũ Hạnh chụp ảnh cùng các đồng nghiệp trong chương trình giao lưu ra mắt sách tại Đường sách TPHCM vào tháng 8/2020. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Tháng 8/1966, Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc được thành lập, ông được bầu làm Tổng thư ký. Thời gian này, ông là một trong những trong cây bút nòng cốt của báo Tin Văn - thuộc lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc, lực lượng này do Đảng ủy Văn hóa thành lập.

Dù bị đàn áp, tù tội nhưng nhà văn Vũ Hạnh vẫn không rời bỏ vị trí chiến đấu. Tháng 1/1971, khi Tạp chí Văn Bút của Trung tâm Văn bút ở miền Nam ra đời, ông nhận nhiệm vụ chủ biên cũng không ngoài mục đích sử dụng làm diễn đàn đấu tranh cho nền văn hóa dân tộc. Với nhiệt huyết cách mạng, vốn kiến thức phong phú và năng lực bút chiến sắc sảo, Vũ Hạnh đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về tính chiến đấu, sự kiên định lý tưởng cách mạng qua những hoạt động văn hóa yêu nước trong lòng đô thị miền Nam... Ông đã bị địch bắt giam tổng cộng 5 lần và cả 5 lần đó ông luôn giữ vững khí tiết với Đảng, với cách mạng.

 Từ sau năm 1975, ông giữ cương vị Tổng thư ký Hội Văn nghệ Thành phố, rồi Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thành phố…

Nhà văn Vũ Hạnh viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn học, như  Các tập truyện: Vượt thác (1963), Mùa xuân trên đỉnh non cao (1964), Chất ngọc (1964), Ngôi trường đi xuống (1966), Bút máu (1971), Con chó hào hùng (1974), Cô gái Xà Niêng (1974), Ăn Tết với một người điên (1985), Sông nước mênh mông (1995)...; Tiểu thuyết: Lửa rừng (đăng trên tuần báo Mai lấy tên là “Truyện nàng Y Kla”, 1960); Hồi ký: Cái tết khó quên (1990), Một chặng đường bút mực (2000); Tiểu luận: Người Việt cao quý (1965), Đọc lại Truyện Kiều (1966), Tìm hiểu văn nghệ (1970),...

Những sáng tác đó là sự khắc họa chân thực về những vùng đất của đất nước - con người mà ông đã trải qua.

Một số tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh. (Nguồn: Ảnh tư liệu) Một số tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Đặc biệt, tác phẩm Người Việt cao quý khi ấn hành tại miền Nam năm 1965, ngoài bìa ghi tác giả A. Pazzi, nghe như tên một người Ý, nhưng thật ra đó là một bút danh khác của nhà văn Vũ Hạnh. Theo Từ điển Văn học (Bộ mới, NXB Thế giới, 2004, tr.2024), Pazzi đọc lên nghe như “Bất Di”, nghĩa là không thay đổi, không di dịch. Tác phẩm ra đời trong bối cảnh những năm 60 của thế kỷ trước, sau khi Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, xã hội miền Nam nhanh chóng du nhập lối sống Mỹ, lối sống thực dụng. Sự thâm nhập ngày càng nhanh các loại văn hóa phẩm đồi truỵ và lối sống sa đọa của Mỹ đã thúc đẩy các tệ nạn xã hội phát triển, chà đạp lên các giá trị văn hoá dân tộc, các thuần phong mỹ tục có truyền thống của nhân dân ta. Cuộc đấu tranh gìn giữ thuần phong mỹ tục càng trở nên bức xúc trong đông đảo các gia đình người Việt Nam. Nhà văn Vũ Hạnh nói ông viết cuốn sách này nhằm đề cao văn hóa dân tộc, con người Việt Nam. Với niềm tự hào trào ra ngòi bút, ông viết "Người Việt cao quý" chỉ hơn một tuần và sau đó được xuất bản ngay. Trước sau, tác phẩm “mượn tên người Ý” này đã tái bản trên 50 lần.

Nếu Người Việt cao quý là công trình nghiên cứu, phê bình văn học, văn hóa đạt đỉnh cao thì truyện ngắn Bút máu ra đời đến nay đã hơn nửa thế kỷ, được xem là “Tuyên ngôn văn nghệ” cho nghiệp cầm bút của nhà văn Vũ Hạnh. Giáo sư Trần Hữu Tá đã nhận xét trong “Nhìn lại một chặng đường văn học (NXB TPHCM, 2000, tr. 99): “Có thể nói, qua Bút máu lần đầu tiên trên văn đàn Sài Gòn, người đọc được nghe một tuyên ngôn văn nghệ nhấn mạnh đến trách nhiệm nặng nề của người cầm bút, đồng thời thấy đó như là một lời cảnh báo gián tiếp gửi đến những cây bút tưởng có thể nấp trong cõi từ chương để có thể tiếp tay cho kẻ ác”.

Ngày 15 tháng 8 năm 2021, Nhà văn Vũ Hạnh từ trần. 96 tuổi đời với hơn 80 năm cầm bút, nhà văn Vũ Hạnh luôn là một tên tuổi lớn, một tấm gương về nhân cách sống, về tình yêu dành cho văn học với ý nghĩa cao đẹp nhất của người cầm bút.

Năm 2007, Nhà văn Vũ Hạnh được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.

"Tôi luôn tin tưởng ở dân tộc mình. Từ thuở xa xưa, còn rất nhỏ bé, bị một nước lớn đô hộ ngàn năm vẫn không bị sự đồng hóa, cuối cùng chúng ta vẫn đánh bại mọi kẻ thù, kể cả những kẻ xâm lược có sức mạnh quân sự mạnh nhất thời bấy giờ. Đó là kết quả trên cả mức phi thường của cả dân tộc. Nhiều nhà sử học thế giới, hiện nay đã xác minh rằng dân tộc chúng ta vốn có một nền văn minh cao cấp" - Nhà văn Vũ Hạnh khẳng định nhân dịp ra mắt Tuyển tập Vũ Hạnh.

Năm 2015, NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành Tuyển tập Vũ Hạnh gồm 2 tập dày gần 1.400 trang.

Tập 1 của Tuyển tập với độ dài gần 600 trang chia làm 3 phần: Hồi ký (3 tác phẩm – tiêu biểu là Một chặng đường bút mực); Truyện ngắn (32 tác phẩm – độc đáo với Bút máu, Chất ngọc, Vượt thác…); Kịch (2 tác phẩm – Người nữ tỳ; Đôi mắt dịu hiền).

Tập 2 của Tuyển tập hơn 800 trang gồm các phần: Truyện dài (4 tác phẩm – điển hình là Cô gái Xà Niêng); Tiểu luận – phê bình (18 tác phẩm - mang tính chiến đấu mạnh mẽ và tính nhân văn sâu sắc với Người Việt cao quý; Văn hóa và mạo hóa; các bài bình luận tác phẩm, tác giả văn học như: Truyện Kiều – Nguyễn Du; Tú Xương, Nhất Linh, Khái Hưng…); Các bài báo về tác phẩm và tác giả Vũ Hạnh (19 bài) là những tác phảm được đánh giá cao đã đưa Vũ Hạnh đến với đông đảo độc giả trong và ngoài nước.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

__________________

[1] Bút danh Vũ Hạnh có nguồn gốc từ tên một người bạn cùng trường, cùng làng với ông. Lúc đầu cả hai quen chứ không thân, đến sau Hiệp định Genève, do hoạt động cách mạng, hai người bị địch bắt giam chung một phòng và từ đó trở thành bạn chí thân. Lúc sắp ra tù, ông cho bạn biết là mình sẽ chọn đường văn học, báo chí để tiếp tục đấu tranh. Khi ông xin phép mượn tên người bạn tù để làm bút danh thì bạn ôm ông và khóc. Người đó tên là Võ Hạnh. “Do lúc đó có một số cây bút họ Vũ trong số người những di cư nên tôi đổi Võ ra Vũ để cùng Vũ với họ cho vui”. Nguồn Báo Đà Nẵng.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo