Thứ Ba, ngày 14 tháng 1 năm 2025

Nhận diện hành vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm

Hội thảo “Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng chống.”

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 28/6, tại Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT-TT; NXB Chính trị quốc gia Sự thật; Hội Xuất bản Việt Nam đồng chủ trì tổ chức hội thảo Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng chống.

Trong xu thế phát triển của hoạt động xuất bản, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức in truyền thống, điện tử, không gian mạng…. tác động xấu đến hoạt động xuất bản, đến việc tiếp cận tri thức của người dân thông qua xuất bản phẩm. Nhiều NXB trên cả nước đã và đang “kêu cứu” vì tình trạng sách giả, sách lậu tràn lan trên thị trường, thực trạng này diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp. Trong khi lợi nhuận mang lại từ in lậu sách là rất lớn, thì chế tài xử lý vi phạm về sách lậu còn thiếu, chưa đủ sức răn đe. Có thể thấy, đa phần việc xử lý hành vi vi phạm vẫn là phạt vi phạm hành chính, đồng thời các mức phạt vẫn chưa thực sự khiến các đối tượng vi phạm e ngại, chưa ngăn được diễn biến phức tạp của sách lậu…

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2022, toàn ngành đã tiến hành 1.632 cuộc thanh tra, kiểm tra (tăng 126% so với năm 2021 - 722 cuộc), thu hồi, tiêu hủy trên 128.476 ấn phẩm; xử lý 7,27 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sách lậu vẫn tiếp tục vẫn tiếp tục hoành hành tại các điểm phát hành và cả trên các không gian mạng, sàn thương mại điện tử… Đại diện Cục Xuất bản nhận định, đã có sự mở rộng về địa bàn vi phạm, địa bàn tiêu thụ. Hiện nay, công nghệ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, vì vậy địa bàn vi phạm ngày một mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố. Địa bàn sản xuất không chỉ diễn ra trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Quy mô in lậu ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn, một vụ việc bị phát hiện có nhiều hành vi vi phạm và nhiều đối tượng tham gia.

Cục Xuất bản cũng chỉ ra những loại sách thường bị in lậu là sách giáo khoa, tham khảo, sách giáo trình; Sách dạy và học ngoại ngữ; Sách văn học; Sách phổ biến kiến thức, sách chính trị, pháp luật; Sách “đen”. Đây là loại sách đặc biệt nguy hại, còn được gọi là sách “độc hại” hay sách “ngoài luồng”, mặc dù không được phép xuất bản nhưng những loại sách này vẫn xuất hiện trên thị trường nên cũng thuộc loại sách in lậu… Sách lậu, sách giả ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của các nhà xuất bản nói riêng, ngành xuất bản, phát hành sách nói chung và làm cho hoạt động của ngành xuất bản, phát hành gặp khó khăn.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe trình bày trực tiếp một số tham luận và trao đổi, thảo luận những vấn đề xoay quanh các chủ đề: vấn nạn sách giả, sách lậu, nguyên nhân và hậu quả của nó trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm; giải pháp phòng, chống nạn sách giả, sách lậu hiện nay; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người làm xuất bản trong ngăn chặn vấn nạn sách giả, sách lậu… Khẳng định hành vi vi phạm bản quyền này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của độc giả, cũng như quyền lợi của tác giả, gây thiệt hại lớn về uy tín, kinh tế cho các đơn vị phát hành và nhà xuất bản, làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Đại diện Alpha Books kiến nghị cần có một cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn trong lĩnh vực in ấn và phân phối xuất bản phẩm trái phép/không phép, dựa trên những quy định pháp luật hiện hành. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, có biện pháp chế tài đối với các cá nhân/đơn vị vi phạm bản quyền, in ấn và phân phối sách giả, sách lậu…

Một số ý kiến cũng đề xuất nên chấn chỉnh lại đường dây nóng cung cấp thông tin về in lậu; đề xuất xây dựng kênh thông tin giúp độc giả nhận diện sách giả, sách lậu…

Từ thực trạng và tác hại nghiêm trọng của nạn sách giả, sách lậu, nhiều đạ biểu nhấn mạnh, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản, phát hành, lĩnh vực an ninh văn hóa, lĩnh vực quản lý thị trường và các nhà xuất bản phải đồng hành cùng nhau, phải thực sự dành sự quan tâm thỏa đáng để tìm ra các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn sách giả, sách lậu hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, rất cần sự góp sức, chung tay của chính những người tiêu dùng.

Trúc Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo