Chủ Nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Nhiều sai phạm xảy ra không phải do pháp luật, mà do yếu tố chủ quan từ con người

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 1/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Các ý kiến đánh giá trong thời gian qua đất nước ta vẫn đạt được những kết quả tương đối toàn diện. Công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước với nhiều chuyến thăm các nước của lãnh đạo cấp cao để lại nhiều dấu ấn trong đường lối đối ngoại của nước ta…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, các ĐB đề nghị Chính phủ cần chú trọng tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; quan tâm hơn nữa đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, không ban hành các chính sách, các quy định mới để làm phát sinh thủ tục, chi phí, thời gian; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh; phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa xuống cấp dưới để cấp dưới chủ động trong thực thi nhiệm vụ.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, người lao động mất việc nhiều, nhiều ĐB tiếp tục đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách để bảo đảm an sinh xã hội, nhất là cho người lao động; có chính sách hỗ trợ phí cho con em công nhân lao động vì họ đang rất khó khăn.

Đại biểu Vũ Trọng Kim - Nam Định Đại biểu Vũ Trọng Kim - Nam Định

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng hiện nay sức khỏe của các doanh nghiệp chưa tốt, một số vấn đề bất cập về cơ chế chính sách trong kiển khai thực hiện vẫn còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Theo thống kê, cả nước hiện có 2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên, trong đó, hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hay chủ bỏ trốn… ĐB kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Các ĐB cũng đề nghị xã hội hóa mạnh mẽ công tác đăng kiểm, có chế tài xử lý thật nặng cơ sở nào vi phạm; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thiếu, vật tư y tế…

Đặc biệt, các ĐB tiếp tục tranh luận về vấn đề cán bộ sợ sai, không dám làm. ĐB Vũ Trọng Kim (Nam Định) cho rằng, đây là vấn đề có thật trên thực tế, tuy nhiên, các ý kiến phát biểu tại phiên họp là chưa đủ hoặc chưa chỉ rõ nguyên nhân nhạy cảm nhất. Vấn đề là phải tìm ra nguyên nhân chính của bệnh sợ sai, né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì vơ vào, cái gì khó khăn là đẩy ra cho người khác. ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng, tại Nghị quyết Trung ương 7 giữa nhiệm kỳ vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói rõ nguyên nhân, biểu hiện của tình trạng này. Theo ĐB, nếu cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực càng mạnh mẽ thì cán bộ càng sợ, nhụt chí, đây là nguyên nhân chủ yếu nhất của bệnh sợ sai, “đấu tranh mạnh thì sợ sai sẽ tăng lên”.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Bình Dương Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Bình Dương

ĐB Vũ Trọng Kim đề nghị từ nay các cơ quan thanh tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan khác phụ trách các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm liên đới hãy chịu trách nhiệm về những sai sót của các cơ quan, đơn vị có sai phạm, như thế thì mới công bằng. Mặt khác, ĐB cũng đề nghị tránh hình sự hóa các vụ án kinh tế và tránh tình trạng đối xử với luật sư không công bằng, không đúng pháp luật. Theo ĐB, cần hoan nghênh các thẩm phán làm đúng, làm đầy đủ và xuất sắc nhiệm vụ được giao; nhưng cũng cần để luật sư làm hết nghĩa vụ và làm xuất sắc trong môi trường Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật.

Tranh luận lại, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, nhiều sai phạm xảy ra không phải do pháp luật, mà do yếu tố chủ quan từ con người. Tuy nhiên, có tình trạng khi xảy ra sự cố, khi dư luận xã hội lên tiếng mạnh mẽ, thì thường có luồng ý kiến, quan điểm rằng nguyên nhân đến từ cơ chế, pháp luật chưa chặt chẽ, từ đó tiếp tục đưa ra thêm những quy định pháp luật. ĐB cho rằng cần phân tích nguyên nhân từ con người, để có giải pháp căn cơ cho các vấn đề hiện nay.

Các đại biểu dự họp sáng 1/6 Các đại biểu dự họp sáng 1/6

Cùng chung quan tâm, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng tranh luận cho rằng, việc cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cả cũng là một hành vi vi phạm pháp luật. Vì trong quan hệ pháp luật, hành vi bao gồm hành động và không hành động, không hành động trong trường hợp này là không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà nhà nước giao cho, đó là hành vi vô trách nhiệm, vi phạm pháp luật, cần phải xử lý.

Theo ĐB Lê Thanh Vân, có ba trường hợp không hành động: thứ nhất là do thiếu hiểu biết nên không hành động, thứ hai là do không có lợi nên không hành động, thứ ba là biết nhưng sợ nên không hành động. Cả ba trường hợp này đều không thực hiện được nghĩa vụ pháp luật, nhà nước, nhân dân giao phó. Do vậy, cần phải xử lý hành vi này dựa trên tính chất, mức độ, hậu quả gây ra có hành vi này.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo